Đây là phát biểu của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tại Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối” tổ chức vào sáng hôm nay (24/10).

Bà Đinh Thị Mỹ Loan phát biểu tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước

giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối ngày 24/10

Sản phẩm đến tay người tiêu dùng là một quá trình gian nan

Theo Chủ tịch AVR cho biết, dù chương trình khuyến nông, khởi nghiệp mang lại kết quả rất tốt, các doanh nghiệp tràn trề hy vọng phát triển nhưng nếu không có sự kết nối giữa nhà sản xuất, hộ sản xuất nhỏ lẻ với nhà phân phối bán lẻ thì hàng hóa sẽ chỉ ở trong kho hoặc lại đi giải cứu (ví dụ như giải cứu thịt lợn vừa qua), làm cho thị trường thiếu tính cạnh tranh, phát triển.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia tại Hội nghị cho rằng, kết nối sản xuất tiêu dùng phải gắn với bán lẻ. Tuy nhiên, hiện tại, vai trò của bán lẻ vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn.

Hơn nữa, nhìn nhận không thôi cũng chưa đủ mà phải có những biện pháp hỗ trợ của cơ quan nhà nước, của Chính phủ để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi bán lẻ trong nước và trên thế giới.

Bà Loan cũng nói thêm, chúng ta phải nhìn nhận kết nối sản xuất với phân phối bán lẻ trong bối cảnh hội nhập thị trường. Nếu thời điểm này mà vẫn còn tư tưởng bài xích hàng xuất khẩu thì không thể phát triển được.

“Vấn đề kết nối đã làm hàng chục năm nay, thậm chí có thời kỳ chúng ta nói nhiều đến mức tôi phải nói rằng đúng là kết nối là vấn đề sinh tử của Việt Nam, nhưng có những cuộc kết nối chỉ là hình thức, hoặc không mang lại hiệu quả gì. Bởi chúng ta chưa bao giờ đánh giá xem thực sự những cuộc kết nối đó đi đến đâu”, bà Loan chia sẻ.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng bày tỏ nỗi lòng của mình khi không phải dễ dàng tìm được các nhà cung ứng và ngược lại, các nhà cung ứng cũng rất khó khăn để có mặt tại các quầy hàng bán lẻ trong siêu thị hay có cửa hàng phân phối riêng.

Bên cạnh đó, nhiều đại diện công ty, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch, sản phẩm từ thiên nhiên, như: Công ty MAC BRIGHT H&H, HTX Hương Việt, Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới... cũng cho biết để sản phẩm của họ được phân phối rộng rãi và đến tay người tiêu dùng là một quá trình gian nan.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới cho biết, yêu cầu của nhà bán lẻ chỉ là một khó khăn với doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất cũng đang gặp khó với các quy định của cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, doanh nghiệp của ông Tuân đang sản xuất mặt hàng lúa gạo, canh tác theo phương thức hữu cơ – điều mà Nhà nước chưa có hệ thống tiêu chuẩn.

“Chúng tôi rất mong muốn tiếp cận với những nhà phân phối lớn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa được, vì các nhà phân phối bán lẻ lớn có yêu cầu rất chặt chẽ về giấy tờ, quy trình sản xuất trong. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận đối với nông sản hữu cơ”, ông Nguyễn Văn Tuân nói.

Hiện tại, những hệ thống phân phối nhỏ hơn là sự lựa chọn của doanh nghiệp này. Ông Tuân cho biết, công ty đã mời đại diện đơn vị phân phối đến tận ruộng để chứng minh quy trình sản xuất sạch. Nhưng nhiều khi những lời giải thích vẫn là thừa vì thiếu đi giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Vì vậy, doanh nghiệp cũng tự đưa sản phẩm ra thị trường và thuyết phục khách hàng.

Đáng lưu ý, nhiều người tiêu dùng tham gia Hội nghị khi biết đến những sản phẩm của những doanh nghiệp này tỏ ra rất thích thú và luôn đặt câu hỏi rằng sản phẩm này được bán ở đâu. Như vậy là, rõ ràng chưa có một nhịp cầu nối giữa người sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

4 điểm lưu ý để kết nối

Bà Đinh Thị Mỹ Loan lưu ý, có nhiều cách để đưa sản phẩm ra thị trường mà doanh nghiệp sản xuất có thể thực hiện: Tự phân phối, tập trung vào sản xuất và giao khâu bán lẻ cho doanh nghiệp phân phối, hoặc chọn cả hai phương thức.

“Phải làm sao để cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm Việt. Bản thân các nhà bán lẻ cũng cần yêu thích sản phẩm ấy mới có thể giới thiệu đến người tiêu dùng”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận định.

Chủ tịch AVR nêu ra 4 điểm cần lưu ý để nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ, cụ thể:

Thứ nhất, kết nối từ hai phía, từ phía nhà sản xuất, cung ứng và từ phía nhà bán lẻ, phân phối. Hai phía cần hiểu nhau để cùng hướng đến kết nối, thay vì tình trạng các đơn vị đổ lỗi cho nhau hoặc cho rằng đối tác đặt ra tiêu chuẩn cao để từ chối hỗ trợ.

Thứ hai, kết nối trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. “Nếu như thời điểm này chúng ta vẫn còn thái độ bài xích, kỳ thị hàng nhập khẩu thì không còn phù hợp. Chúng ta phải thấy việc mở cửa thị trường, hàng hóa vào Việt Nam với thuế suất 0% là thách thức rất lớn. Chúng ta chỉ có một con đường: Tiến lên cạnh tranh hay chấp nhận thua cuộc, rời bỏ thị trường. Đây là nhận thức chung cần được các bên nhìn nhận và xem xét”, bà Loan nói.

Thứ ba, kết nối sản xuất phải gắn liền với phát triển khâu phân phối bán lẻ. Bà Loan cho biết, ở đâu đó vẫn coi doanh nghiệp bán lẻ là tầng lớp trung gian, “vừa ăn chặn của người sản xuất, bà con nông dân, vừa móc túi người tiêu dùng”. Đây là những nhận định không chính xác và thiếu khách quan. Doanh nghiệp phân phối bán lẻ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, cần phải đánh giá đúng vai trò để có biện pháp phát triển.

“Trên thực tế, các chương trình khuyến nông, khuyến công, khời nghiệp đã mang lại những kết quả tốt. Sản phẩm, dịch vụ tạo ra nhiều và các doanh nghiệp khởi nghiệp tràn trề mong ước, kỳ vọng vào tương lai. Nhưng đầu ra không giải quyết được, không làm sao kết nối được với thị trường thì sản phẩm sẽ bị tồn đọng hay phải giải cứu”, bà Loan đánh giá.

Thứ tư, kết nối phải đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Bà Loan cho rằng, bán lẻ trực tuyến đã trở nên phổ cập. Hiện nay các nhà sản xuất và bán lẻ phải cập nhật kiến thức về “bán lẻ đa kênh”. Khi các bên không hiểu vấn đề và không đặt mình vào thời đại số thì kết nối sẽ không hiệu quả./.