Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý

3 bất cập lớn trong khai thác khoáng sản

Là quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản, thời gian qua, các ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.

Thứ nhất, khai thác khoáng sản thô dẫn tới tổn thất, lãng phí lớn. Kết quả nghiên cứu năm 2014 của Viện Tư vấn Phát triển (CODE) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên về tổn thất trong khai thác, chế biến khoáng sản cho thấy, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu khoáng sản thô, song hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam hiện nay muốn thu lợi nhuận nhanh, nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu ở mức quặng và tinh quặng.

Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản, đồng thời gây lãng phí rất lớn tài nguyên do không tận dụng được đáng kể sản phẩm khoáng sản khác đi kèm.

Nhiều mỏ quy mô khai thác nhỏ chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên do mức độ cơ giới hóa thấp và công nghệ khai thác lạc hậu.

Điều đáng nói là thực trạng tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn ở mức độ cao, đặc biệt ở các mỏ hầm lò và các mỏ do địa phương quản lý.

Thứ hai, quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng việc quản lý khai thác khoáng sản thiếu chặt chẽ, nhất là việc chấp hành chính sách, pháp luật về hoạt động khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, quản lý tài chính thiếu chặt chẽ, có nhiều dự án đầu tư về khoáng sản không hiệu quả, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý và khai thác khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên và khoáng sản của Nhà nước.

Điển hình như, tháng 06/2018, Thanh tra Chính phủ đã kết luận hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005-2015 gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể: qua thanh tra tại 6 chủ đầu tư đã phát hiện việc quản lý nguồn thu tài chính từ hoạt động khoáng sản còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền 95 tỷ 203 triệu đồng.

Ngoài ra, một số khai trường của Công ty Apatit Việt Nam đã khai thác nhiều năm, nhưng đến thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện việc cắm mốc và bàn giao mốc giới tại một số khu vực khai thác, vi phạm Luật Khoáng sản năm 2010.

Công ty vẫn khai thác quặng Apatit tại một số khai trường khi giấy phép khai thác đã hết hạn khai thác. Đặc biệt hơn, UBND tỉnh Lào Cai cho phép Công ty TNHH Xây dựng, thương mại Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng, nhưng thực tế khai thác Apatit trái phép.

Thứ ba, nhiều địa phương quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động của các mỏ khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân.

Hiện nay, đa số các khu mỏ đang khai thác hầu hết nằm ở vùng núi và trung du. Bên cạnh đó, do vốn đầu tư của các doanh nghiệp khai thác còn hạn chế, hơn nữa lại khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao, nên mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoại về mặt đất, ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, không khí...

Nguyên nhân do đâu?

Mặc dù, trong Hiến chương Tài nguyên và Luật Khoáng sản đã thừa nhận "Tài nguyên khoáng sản thuộc về người dân", tuy nhiên, theo các báo cáo tại hội thảo, cơ hội tham gia của cộng đồng vào trong ngành này vẫn rất hạn chế. Các hoạt động khai thác khoáng sản là nguyên nhân chính gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.

Do đó, việc chiếm dụng đất và hủy hoại môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động nghiêm trọng tới đời sống của người dân địa phương.

Không những vậy, báo cáo của Viện Quản trị Tài nguyên thiên nhiên (NRGI) cho biết, các khoản thu như tiền cấp quyền khai thác và phí bảo vệ môi trường được thu thập dựa trên những dữ liệu sản phẩm mà các công ty tự kê khai. Với hệ thống giám sát còn hạn chế, việc trốn và tránh nộp thuế là không thể tránh khỏi.

Hơn thế nữa, nhiều vấn đề liên quan đến tài chính như phân bổ và sử dụng nguồn thu hiện nay mà Chính phủ quản lý chưa được triệt để và không tương xứng với quy mô khai thác, đầu tư và chi phí môi trường.

Liên quan đến Chỉ số quản trị tài nguyên, theo kết quả của Chỉ số quản trị tài nguyên 2017 do NRGI công bố tại hội thảo cũng cho thấy, 66 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị ngành công nghiệp khai thác.

Tại Việt Nam, Chỉ số quản trị tài nguyên của ngành dầu khí và khí thiên nhiên chỉ xếp hạng 48/100 điểm. Kết quả đánh giá thể hiện hoạt động yếu, đặc biệt trong hệ thống thu thuế, quản lý nguồn thu, ngân sách quốc gia, tiếng nói, minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình.

Đối với vấn đề minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, mặc dù từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khi Luật Khoáng sản được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực hiện minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, thế nhưng trên thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những chủ trương, quy định và thực tiễn thi hành.

Chính vì vậy, năm 2017, mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chỉ đứng thứ 45/89 quốc gia.

Những giải pháp cần thực hiện

Để giảm bớt những bất cập trong khai thác khoáng sản, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với đó, cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản, gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn thu từ khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi người dân nơi có khoáng sản.

Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI để giảm bất cập trong khai thác khoáng sản./.