VDF 2016: Chính phủ lắng nghe các đối tác phát triển tham vấn 3 vấn đề lớn
Sáng nay, ngày 09/12/2016, Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) với chủ đề "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển" đã được khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, Diễn đàn phát triển Việt Nam 2016 là một cách tiếp cận đổi mới trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng các đối tác phát triển tại Việt Nam. Phương thức tiếp cận này dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển của mô hình Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) đã được tổ chức trước đây.
Trong Diễn đàn này, thay vì Chính phủ trình bày các báo cáo, định hướng ưu tiên, các dự kiến chính sách và các đối tác phát triển bình luận, Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ được nghe các diễn giả, các đối tác phát triển nêu ra những quan điểm, nhận định, đánh giá và khuyến nghị. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, không chỉ riêng cho năm 2017 mà còn cho cả trung và dài hạn.
Toàn cảnh Diễn đàn VDF 2016
Năm 2016: Năm khởi đầu đầy thách thức
Bộ trưởng Dũng cho biết, Việt Nam vừa trải qua một năm với nhiều biến động của bối cảnh quốc tế và những thay đổi quan trọng của đất nước.
Năm 2016 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản giảm mạnh… đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai, rét hại, băng giá ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; bão lũ, ngập lụt gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống người dân;sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng xấu đến khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ du lịch ở 4 tỉnh miền Trung.
Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã được ban hành và thực hiện quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cường phân cấp, phân quyền, xử lý kịp thời các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
“Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong quý I và quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu quý III”, Bộ trưởng nói.
Theo đánh giá của Chính phủ, các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội năm 2016 tuy có gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt kết quả khá, phản ánh được khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế trước những biến động bất lợi của bối cảnh khó khăn, cả ở trong nước và thế giới.
Tốc độ tăng trưởng GDP tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước, song đạt khá cao so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm, dự báo có khả năng đạt 6,3-6,5% cả năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng trở lại; Khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ.
Lạm phát được kiểm soát;thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong những tháng vừa qua; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; xuất nhập khẩu duy trì được đà tăng trưởng tích cực.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế và ba đột phá chiến lược với các nội dung trọng tâm về: hoàn thiện thể chế, luật pháp, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực...
An sinh xã hội được đảm bảo, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xử lý các tác động của vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nền kinh tế đã, đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đó là thách thức về sự tụt hậu, thách thức của bẫy thu nhập trung bình, thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu và thách thức từ hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng “đặt hàng” 3 vấn đề lớn cần tham vấn
Theo Bộ trưởng, Bối cảnh quốc tế năm 2017 được cho là rất khó tiên lượng. Những quyết sách của chính quyền mới và triển vọng kinh tế Mỹ sẽ có tác động mạnh đến cấu trúc chính trị - kinh tế thế giới, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, tiền tệ; tình hình châu Âu được dự báo có nhiều thay đổi lớn, nhất là khi tiến trình Brexit đang đi đến giai đoạn quyết định và dự kiến có nhiều tác động đến các quốc gia thành viên của EU; Khu vực Châu Á cũng sẽ có nhiều biến động khó lường với sự ảnh hưởng ngày càng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ...
Bối cảnh trong nước cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi những năm tiếp theo phải là giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để đạt những mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn.
Để làm được điều đó, theo Bộ trưởng Dũng, nền kinh tế phải giải quyết được một loạt những vấn đề liên quan đến thể chế thị trường; động lực phát triển; nguồn lực đầu tư; tạo thêm các dư địa về chính sách, nhất là chính sách tài khóa...
Giải quyết được vấn đề trước mắt, nhưng cũng phải đảm bảo được định hướng lâu dài trong các chính sách phát triển, giữ được ngọn lửa đổi mới và kiên định với chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những những kết quả cụ thể trên thực tiễn. Diễn đàn VDF 2016 lần này với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển” có mục tiêu góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ đã đề ra.
“Với cách tiếp cận đổi mới của Diễn đàn VDF 2016, chúng tôi muốn lắng nghe các chuyên gia hàng đầu của quốc tế trình bày cùng với các ý kiến thảo luận và những khuyến nghị xoay quanh một số nội dung chủ yếu mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm, cần tham vấn”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Bộ trưởng nêu rõ 3 vấn đề cần được tham vấn các chuyên gia quốc tế, cụ thể là:
Thứ nhất, những đánh giá, nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016-2020, những yếu tố tác động và những thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
“Định hướng và mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là đã rõ, chúng tôi cần tham vấn các chuyên gia về các khuyến nghị giải pháp khả thi để hiện thực các mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và khó dự đoán”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, các tác động đa chiều của bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là tác động của các Hiệp định thương mại song phương, đa phương và khả năng có thể xảy ra đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, một hiệp định quan trọng đối với tất cả các nước cùng tham gia.
Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế trong về việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng,khuyến nghị nào phù hợp đối với Việt Nam.
“Một quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế thì muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công. Nhưng nếu quản lý nợ công không tốt và sợ tỷ lệ nợ công cao thì sẽ không thể đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng. Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế”, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt vấn đề.
Các khuyến nghị của quốc tế về những vấn đề nêu trên “sẽ giúp các cơ quan của Việt Nam định hình được những tham mưu hiệu quả đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có những quyết sách chính xác, đem lại hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng chủ tọa Diễn đàn, chúc mừng Việt Nam khi đã đạt được thành tựu quan trọng là đã ổn định được kinh tế vĩ mô 5 năm liên tục. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Ông Ousmane Dione cũng chia sẻ việc “cảm thấy được khích lệ” khi tiếp tục trở thành đối tác kiến tạo cho sự phát triển của Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, và các đối tác phát triển cũng cam kết sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam trong hành trình này”, ông Ousmane Dione nói./.
Bình luận