Về làng Cù Lần gặp chàng nhạc sĩ xứ Huế
“ Mang phồn hoa đổi lấy gió sương
Mang vàng son đổi hoa mua rừng
Xin nhường ai đường đông phố vui
Để Cù Lần yêu mãi rừng thôi...”
Dân làng nơi đây họ thường kể câu chuyện của mình bằng những bài hát và chúng tôi cũng sẽ kể cho quý độc giả nghe về họ bằng những trải nghiệm một ngày đêm ở nơi đây.
Về Làng Cù Lần
Làng Cù Lần là một ngôi làng nhỏ rộng khoảng 30 ha nằm lọt thỏm giữa rừng nguyên sinh hoang dã dưới chân núi Lang Biang, Đà Lạt. Cách Hồ Xuân Hương và Đồi Cù 20 km, từ trung tâm thành phố Đà Lạt bạn theo con đường hướng về cao nguyên Lang Biang sẽ đến được ngôi làng Cù Lần nhỏ xinh.
Làng Cù Lần bình yên giữa thiên nhiên núi rừng
Ngôi làng tồn tại từ thập niên 60, khi đó cư dân K’Ho của làng ngoài việc canh tác, săn bắt, hái lượm, còn khai thác cây cù lần và đem những con cù lần dễ thương, có đôi mắt to tròn về nuôi hoặc bán cho khách phương xa. Cù lần là loài động vật hiền lành, chủ yếu sống về đêm, có tên khoa học là Cu li - loài thú quý và cổ trong bộ linh trưởng Primates đang bị đe doạ tuyệt chủng. Làng hiện có đàn Cù Lần sống tự nhiên, suốt ngày treo mình trên cây ngủ cạnh nhà bếp của làng.... Chúng nổi tiếng khờ khạo, khi gặp bất kỳ sự nguy hiểm nào thường chỉ biết cuộn tròn lại, dùng hai tay che kín đôi mắt của mình.
Làng Cù Lần như một bức tranh tuyệt đẹp khi trời chập tối
Đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ nơi đây, bạn sẽ tạm quên đi những lo âu, tất bật trong cuộc sống. Bạn phải đi bộ hàng trăm bậc thang để thấy được sự mộc mạc, hùng vĩ của ngôi làng. Loại cây chủ đạo được trồng dọc hai bên lối đi vào làng là cây cù lần xen với hoa kim châm vàng rực. Trên đường đi là những ngôi nhà sàn với mái tranh, trụ gỗ đế trống vách. Đi hết bậc thang, bạn sẽ thấy một cây cầu treo dài khoảng 100 mét. Chiếc cầu khá kiên cố nhưng vẫn đung đưa theo mỗi nhịp bước chân.
Bạn cũng có thể trải nghiệm cảm giác ngồi trên xe Jeep vọt suối xuyên rừng, nước bắn tung tóe với những tràng cười hồn nhiên hết cỡ và cùng hòa vào giai điệu khỏe khoắn, ca từ thật giản dị dễ thương trong bản nhạc được phát ra khắp ngôi làng khiến bạn thuộc nằm lòng khi trở về:
“Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh
Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà
Xin em hãy nhận đi xác thân mẹ nuôi khôn lớn
Xin em hãy nhận đi trái tim mộng mơ… Trái tim Cù Lần…”.
Trải nghiệm cảm giác ngồi trên xe Jeep vọt suối xuyên rừng
Đến làng Cù Lần, du khách được hướng đến tham gia những hoạt động ngoài trời hòa mình vào thiên nhiên với các hoạt động như leo núi, băng rừng, thả diều, bắt cá… Thậm chí bạn có thể cắm trại, đốt lửa, chơi các trò chơi dân gian, cồng chiêng. Ngôi làng này cũng là nơi bảo tồn và phát triển loài cù lần quý hiếm.
Buổi tối tại Làng Cù Lần, quanh bếp lửa bập bùng, bạn cùng thưởng thức chóe rượu cần và hòa nhịp vào những vũ khúc tưng bừng của cồng chiêng bản địa Tây Nguyên.
Nằm yên bình giữa trập trùng núi đồi xanh tươi, làng Cù Lần của Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh đã trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách khi đến với Lâm Đồng.
Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh (Góc dưới bên phải) trong trang phục truyền thống của dân tộc K'ho tham gia hoạt động trong làng Cù Lần
Gặp “thằng viễn xứ”
Vốn là một người ẩn dật (điều này cũng gần giống với bản tính thích sống trong rừng của anh), bạn có tưởng tượng một con người làm kinh doanh với số vốn đầu tư hàng triệu đô-la nhưng chỉ mới biết xài điện thoại di động cách đây vài năm? Và sẽ bất ngờ hơn khi bạn còn nghe thêm về điều này: anh là tác giả của các ca khúc: Trái tim thật thà gắn liền với ca sĩ Lê Hiếu, Bóng mẹ xa xôi với ca sĩ Trần Thu Hà, Mùa đông vắng anh với Hồ Quỳnh Hương... và Thằng Cù Lần với ca sĩ YaSuy. Anh chính là nhạc sĩ Văn Tuấn Anh.
Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh bên làng Cù Lần
Trò chuyện về cuộc đời anh và lý do anh gắn bó với ngôi làng này, anh chậm rãi chia sẻ: “Sinh ra ở Hội An, tuổi niên thiếu đã một thân một mình vào Sài Gòn; học đại học dở dang rồi lăn xả với đủ thứ nghề mưu sinh. Và rồi đến năm 2000 tôi trở về rừng, rừng là một phần đam mê của tôi. Phải nói rõ là tôi có nhiều đam mê: mê phụ nữ, mê nhạc hay, mê tranh đẹp... Sau cùng là thiên nhiên nhưng từ khi bắt đầu vào rừng, tôi lại thấy ngược lại. Rừng chứa tất cả những điều đó, rừng có những người phụ nữ đẹp hoang sơ, những bản tình ca hay nhất cũng từ tiếng gió ca, suối reo đầy nhạc tính, đó là chưa kể tiếng cồng chiêng, những trường ca của những người con rừng (người dân tộc K’Ho) và rừng là một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ. Tôi yêu thiên nhiên và con người nơi này một cách tự nhiên như ruột thịt, như ở đâu trong tiềm thức giờ chỉ là sự trở về bản nguồn căn tính của tôi mà thôi. Từ đó, người dân tộc K’Ho ở đây cũng cho tôi lang thang cùng họ, ăn ngủ cùng họ, uống rượu cần cùng họ và thậm chí kể cho tôi rất nhiều câu chuyện về họ. Cũng nhờ đó, khi tôi tỏ ý chọn nơi này làm chốn cư lưu, họ đã đồng ý và giúp tôi xây dựng làng Cù Lần bây giờ. Và hiện nay dù họ không còn ở nơi này, họ vẫn luôn sẵn lòng giúp tôi khi tôi cần đến. Có lẽ với họ, đó cũng là sự trở về.”
Người bạt mạng, liều lĩnh “ Đi vào tâm bão”
Khi được hỏi điều gì đưa anh đến với rừng, đến với thiên nhiên và cái đẹp rất riêng này, anh Tuấn Anh cho biết:
Trong Festival Hoa Đà Lạt, ngày 28/12/2013, tổ chức UNESCO Việt Nam công bố Làng Cù Lần là 1 trong 10 điểm hẹn đạt tiêu chí Văn hóa Du lịch Việt Nam, là tour mang tên “Đà Lạt không ở phố” do tỉnh Lâm Đồng giới thiệu cho hàng vạn du khách tìm đến. |
Một số kiến thức âm nhạc, hội hoạ và khả năng cảm nhận về mặt mỹ thuật giúp anh rất nhiều. Nếu anh không cảm được thiên nhiên thì anh sẽ không có ngôi làng này. Biết anh xây một khu du lịch ở đây, người dân nói: “Cái thằng này cù lần thiệt. Người ta xây cái quán cà phê ở hồ Xuân Hương mà còn vắng khách, xây cái gì trong này, ai đến”. Nghe những điều đó anh cũng ngẫm nghĩ rất nhiều. Chưa kể thời gian đó nghe toàn chuyện khủng hoảng kinh tế, mọi người bỏ kinh doanh nhiều cũng khiến anh có phần e dè. Cuối cùng anh vẫn quyết định làm. Lại có người nói: “Thằng này đi vào tâm bão”, “Thằng này khùng”, “Chắc cũng mắc bệnh ảo tưởng”.v.v. Sau này ngẫm lại, chính sự bạt mạng, liều lĩnh của con người nghệ sĩ trong anh đã mách bảo và giúp anh hình thành ra ngôi làng này.
Chưa kể, thực tế là ngay cả trong giai đoạn làng Cù Lần đã hoạt động trong một năm, có những mùa đông khách hay mùa tết, làng Cù Lần đã đón trên 20.000 lượt khách. Các khu nhà nghỉ, lều trại, đoàn team building... đều đông nghẹt. Doanh thu đã có, nguồn thu không đến nỗi nhưng trong năm 2012 vẫn chưa đóng nổi tiền lãi ngân hàng... rõ là bạt mạng quá rồi. Nhưng vì tình yêu đã thôi thúc anh phải làm, tuy nhiên xét ở mặt lý trí, anh tin chắc một ngôi làng như vậy sẽ tồn tại lâu dài trong đời sống vì con người, cuối cùng chúng ta rồi sẽ phải trở về với thiên nhiên thôi.
Làng Cù Lần ẩn hiện sau đầy mê hoặc sau những làn khói bếp ban chiều
Không làm du lịch mà là kinh doanh kí ức
Phát triển một ngôi làng trở thành một địa điểm du lịch, tham quan dành cho du khách nhưng anh khẳng định: "Tôi không làm du lịch. Tôi kinh doanh ký ức!
Tôi yêu cái đẹp của kiến trúc khi hòa vào thiên nhiên. Tôi hạnh phúc khi được sống trong những mái ấm nằm vắt vẻo trên triền đồi đầy hoa đẫm sương mỗi sớm. Tôi thấy mình trẻ lại khi được mạo hiểm khám phá thiên nhiên hoang dã. Tôi mở làng Cù Lần và rồi sẽ xây thêm những làng tương tự khác nữa để san sẻ niềm vui quý trọng thiên nhiên đó đến cho mọi người.
Ngôi làng dành cho những ai đang tìm một không gian nghỉ dưỡng, sống chậm, yêu cảnh vật thiên nhiên và những con vật hiền lành
Miên man trong câu chuyện đầy vẻ hào hứng, cảm giác như có một Văn Tuấn Anh khác ngoài âm nhạc. Cũng phải, như anh từng tâm sự, cái đẹp bất luận nó nấp trong hình hài nào thì cũng khiến người ta thổn thức.
Bóng chàng nhạc sĩ xứ Huế đã khuất xa trong những cánh rừng thông, mà giai điệu của ca khúc “Trái tim Cù lần” vẫn bám riết chúng tôi không thôi: “Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh - Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà…".
Bình luận