Vì sao thu ngân sách lại về đích ngoạn mục?
Trong báo cáo trình Quốc hội tháng 9/2013 đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách, Bộ Tài chính ước Tổng thu cân đối ngân sách trung ương sẽ hụt 63.000 tỷ đồng (tổng thu ngân sách năm 2013 hụt 25.000 tỷ đồng). Thế nhưng, đến ngày 31/12/2013, kết quả thu thực thu NSNN đạt 910.100 tỷ đồng, số thu tuyệt đối vượt 23.400 tỷ đồng, đạt 102,6% dự toán (Dự toán Quốc hội giao đầu năm là: 887.000 tỷ đồng).
5 nguyên nhân chính
Lý giải cho hiện tượng này, bên lề Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2013 triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2014 do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 9/1/2014, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn có 5 nguyên nhân hết sức quan trọng:
Thứ nhất, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2013 đã có những bước khởi sắc quan trọng. Năm 2013, trong khi số doanh nghiệp ngừng, nghỉ, giải thể, phá sản là 61.000, thì số doanh nghiệp được thành lập mới là 79.000. Như vậy, với 18.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm trong năm 2013 đã nâng mức doanh nghiệp đang hoạt động lên con số 173.000, qua đó có đóng góp không nhỏ vào nguồn thu NSNN.
“Điều đáng nói là từ năm 2012 trở về trước, số doanh nghiệp khai lỗ là 70% và hoạt động có lãi chỉ có 30%, thì đến năm 2013, con số doanh nghiệp khai có lãi đã tăng lên 34,6% tăng 4,6% so với năm trước. Con số 4,6% doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi này đã giúp ngân sách tăng thêm 28.800 tỷ đồng”, Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp vào NSNN là 91.000 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về thu lợi tức sau thuế sau khi doanh nghiệp được trừ đi các loại quỹ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thu từ cổ tức từ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cổ phần hóa. Chính sách này đã giúp NSNN đã thu thêm được 28.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, đây không chỉ là giải pháp tình thế mà thể hiện một xu hướng, một quy luật tất yếu đó là cần phải động viên vào NSNN phần vốn mà Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp, để Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu, đảm bảo công cuộc phát triển đất nước cũng như sự công bằng giữa khu vực DNNN và khu vực ngoài nhà nước.
Thứ ba, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và phối hợp giữa các cấp ủy Đảng và UBND các cấp trên khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các tỉnh, thành đều đã ban hành các chỉ thị liên quan tới công tác quản lý thu, chống thất thu nợ đọng hay thành lập các ban chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu, nhắc nhở thu cho NSNN. Chính sự quyết liệt này đã giúp NSNN tăng thêm nguồn thu.
Thứ tư, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, năm 2013 đã thực hiện giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân với tổng số tiền thuế được giãn, giảm năm 2013 là 28.000 tỷ đồng. “Đây không phải là nguyên nhân chính gây giảm thu, mà ngược lại là chính sách cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu sau này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ năm, sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, trong đó nhiệm vụ thu chính thuộc về hệ thống thuế và hệ thống hải quan. Xác định được nguồn thu khó khăn nên trong 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nợ đọng thuế tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu rủi ro. Qua thanh, kiểm tra 54.000 doanh nghiệp đã xử lý thu về cho NSNN 13.400 tỷ đồng. Đối với nhóm doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, xử lý trên 230 doanh nghiệp, đấu tranh giảm lỗ ở nhóm doanh nghiệp này thêm 4.600 tỷ và tăng thu thêm cho NSNN 2.300 tỷ đồng.
Trong năm cũng đã phối hợp với cơ quan công an để thanh tra 120 doanh nghiệp, chuyển cơ quan công an hồ sơ của 54 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, khởi tố 34 doanh nghiệp và bắt 21 đối tượng.
Năm 2013, cũng ghi nhận sự đóng góp vượt bậc của khối doanh nghiệp FDI, khối này nộp vào NSNN vượt trên 30% so với cùng kỳ năm 2012. Số nộp ngân sách của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tăng so với năm trước 14%.
Một số kết quả thực hiện NSNN năm 2013: - Dự toán thu NSNN Quốc hội giao: 887.000 tỉ đồng. - Kết quả thực Ngân sách 2013: 910.410 tỉ đồng, đạt 102,6% dự toán. - Kết quả thu NSNN 2013 sau khi đảm bảo chi hoàn thuế GTGT phát sinh trong năm: 100,36% dự toán. |
Áp lực năm 2014?
Theo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2014, tổng số thu cân đối NSNN là 782.700 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 1.006.700 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Để triển khai công tác tài chính ngân sách 2014, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo với Chính phủ giao nhiệm vụ cho các hệ thống lớn trong ngành. Trong đó hệ thống Thuế phấn đấu hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội và Thủ tướng giao phấn đấu đạt vượt dự toán được giao tối thiểu 5% và Hải quan vượt dự toán phấn đấu là 3%.
Năm 2014, Lãnh đạo Bộ Tài chính phát động đợt thi đua với khẩu hiệu hành động “phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, siết chặt kỷ cương, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Tài chính-ngân sách năm 2014” với một số nội dung , chỉ tiêu thi đua cụ thể như sau:
1. Phấn đấu hoàn thanh và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2014, phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu 5%, tăng thu từ hoạt động XNK tổi thiểu 3%; đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, bố trí dự toán chi chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm, giữ mức bội chi ngân sách không quá 5,3% GDP, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị-xã hội
2. Thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kết hợp có hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, khai thác mọi tiềm năng tạo nguồn thu NSNN, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đảm bảo phục hồi tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trọng tâm, trọng điểm.
3. Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính, thúc đẩy xã hội hóa, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc khu vực DNNN và thị trường tài chính; quản lý nợ công chặt chẽ, tập trung chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm, phấn đấu đạt 100% các chương trình đề tài , đề án, cơ chế chính sách đã đăng ký năm 2014. Thực hiện việc tăng cường công tác kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng NSNN, quản lý giám sát tài chính, thị trường tài chính, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính và xử lý vi phạm, đảm bảo công khai và minh bạch hóa thông tin trong hoạt động.
4. Tích cực, chủ động mở rộng hoạt động tài chính đối ngoại, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
5. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế và Hải quan; kết hợp với hiện đại hóa; củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý tài chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đề cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết, xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng tổ chức Đảng, đơn vị và các đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh.
6 Tổ chức phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, xây dựng và phát triển ngành, hướng phong trào thi đua vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ./.
Bình luận