Việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 vẫn là thách thức
Thưa Bộ trưởng, triển khai một loạt giải pháp giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí đã hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp, nhưng điều này có khiến cho mục tiêu thu ngân sách năm nay khó đạt kế hoạch trong bối cảnh tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2023 giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh. Đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát; góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Một thành công quan trọng nữa là nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách |
Dù đạt được nhiều thành công trong điều hành, nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng, từ nay đến cuối năm sẽ còn rất nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, do những khó khăn của kinh tế, việc hoàn thành dự toán thu vẫn là thách thức với ngân sách cả nước và ngân sách nhiều địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu lớn từ đất đai và hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, thách thức trong chi ngân sách vẫn là chi đầu tư vẫn thấp hơn so với kế hoạch. Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa nhưng tiến độ giải ngân chậm. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế- xã hội vẫn chưa thể giải ngân. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng “no dồn, đói góp” của chi đầu tư ít thay đổi. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2023-2025.
Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần những chính sách đặc biệt, có thể dùng 1 luật để sửa nhiều luật, hóa giải những nút thắt.
Hiện nay vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản; tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Một vấn đề nữa đó là, mặc dù nền kinh tế đã có bước phục hồi, nhưng xuất khẩu khó khăn, thị trường đang dần thu hẹp đang tạo ra áp lực không nhỏ với doanh nghiệp Việt. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt ra nước ngoài. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục huy động nguồn vốn tín dụng và từ các nguồn lực khác hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh bên cạnh các giải pháp tài khóa. Đồng thời, giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư tư nhân, đất đai, công trình điện năng lượng tái tạo, công nghiệp…
Tôi cho rằng, thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, bên cạnh việc triển khai các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Nhìn xa hơn sau năm 2023, theo Bộ trưởng, đâu là những giải pháp về tài khóa cần được triển khai nhằm tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu, từ đó tăng thu cho ngân sách Nhà nước?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong thời gian tới, giai đoạn năm 2024-2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường, nên chúng ta cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.
Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, để điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp. Theo đó, vừa đảm bảo giải quyết các khó khăn cho cho nền kinh tế, cũng đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, trên tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro, khó khăn thì chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp./.
Bình luận