Vì sao xuất khẩu dệt may khó khăn?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9/2017 đạt 2,38 tỷ USD, giảm 11,2% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng 2017 lên 19,21 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,25 tỷ USD, tăng 7,5%; sang EU đạt 2,77 tỷ USD, tăng 5%; sang Nhật Bản đạt 2,25 tỷ USD, tăng 5,3%; sang Hàn Quốc là 1,91 tỷ USD, tăng 11,8%…so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của Mỹ, EU - những quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam có sự tăng trưởng chậm hơn. Trong khi đó, một số thị trường như Hàn Quốc, Nga, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Ngoài yếu tố thị trường, xuất khẩu dệt may thời gian qua cũng có một số yếu tố thuận lợi khác. Chẳng hạn như, EU đã quyết định chấp nhận quy tắc cộng dồn xuất xứ đối với nguyên liệu sản xuất hàng may mặc cho Việt Nam. Đây được cho là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc sang EU, vì thế nhóm hàng này tăng cao.
Tuy vậy, xuất khẩu dệt may vẫn được dự báo còn chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới như chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donnal Trump và ảnh hưởng từ việc điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Theo đó, khả năng thời gian tới các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ dệt may thông qua các chính sách thuế, phá giá đồng nội tệ… để kéo khách hàng, đơn hàng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Thêm vào đó, chi phí ngày càng cao liên quan đến nhân công, lưu kho, lưu bãi, vận chuyển…, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao sẽ là những yếu tố tác động tiêu cực đến xuất khẩu dệt may.
Xuất khẩu dệt may dự báo chỉ ở mức 8%-9% trong năm nay
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu dệt may chủ lực gồm: Quần áo, vải các loại, phụ liệu, sợi các loại và mặt hàng vải địa kỹ thuật, vải mành đều có mức tăng trưởng thấp và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, mặt hàng sợi các loại xuất khẩu rất tốt sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đang bị nước này áp thuế chống bán phá giá và sắp tới Ấn Độ cũng sẽ áp loại thuế này với mặt hàng sợi của Việt Nam, đây là “tác động rất nguy hiểm tới ngành dệt may”.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua, các nước tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, hàng xơ sợi xuất khẩu của Việt Nam bị kiện đến 7 vụ, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp và 1 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Ấn Độ và Brazil.
Do vậy, để cạnh tranh bình đẳng, Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu các giải pháp hoặc rào cản về kĩ thuật nhằm phòng vệ một cách chính đáng với các sản phẩm của nước ngoài đang có dấu hiệu bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Việc làm này là hợp pháp, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Với ngành dệt may khi gặp phải các rào cản kỹ thuật trên, dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) trên Báo Hải quan cho rằng, ngành dệt may cũng phải tìm ra các giải pháp để chuyển đổi sang các thị trường có điều kiện tốt hơn. Việc phòng vệ ở đây là giải pháp của cơ quan nhà nước, còn với các doanh nghiệp phải chuyển dịch cơ cấu ngay lập tức để không bị phụ thuộc một thị trường.
Thực tế, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ trong các hiệp định thương mại tự do thì cũng là lúc các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Một số chuyên gia về phòng vệ thương mại cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải học cách “sống chung với lũ”. Điều doanh nghiệp cần làm khi gặp phải bất kỳ một cuộc điều tra nào là chuẩn bị nguồn tư liệu, sổ sách… đầy đủ để giảm thiểu thiệt hại ít nhất cho mình.
Ngoài ra, để phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam cần đầu tư vào ngành dệt và ngành tẩy nhuộm, cũng như tăng cường liên kết giữa ngành sợi, dệt và may mặc, hình thành các chuỗi cung ứng hữu cơ, liên kết cung ứng theo nguyên tắc thị trường từ sợi - vải - may.
Dẫn lời bà Đỗ Kim Chi, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) trên Báo điện tử VOV cho rằng, các cơ quan quản lý cần phối hợp cùng Hiệp hội ngành nghề để ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp may mặc, chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm.
Cụ thể là, cần có các chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên, phụ liệu do Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, cần kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng, hỗ trợ đào tạo nhân lực kinh doanh, kỹ thuật, xúc tiến, phát triển khách hàng trực tiếp… Điều này không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bà Đỗ Kim Chi cũng chỉ rõ, đối với các doanh nghiệp dệt, may cần tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến sản phẩm của mình trên các khía cạnh thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật và biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp).
Ngoài ra, cần đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh…
Bên cạnh đó, Nhà nước và các cơ quan chức năng nên có những hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về thuế, hải quan, tiêu chuẩn của các FTA để giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, với những ưu đãi thuế quan giúp các doanh nghiệp dệt may hội nhập thành công./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/det-may-viet-nam-nen-theo-huong-mua-nguyen-lieu-ban-thanh-pham-595305.vov
http://www.thesaigontimes.vn/164563/Nam-2017-xuat-khau-det-may-co-the-vuot-moc-30-ti-do-la.html
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Det-may-so-rao-can-thuong-mai.aspx
Bình luận