Ngày 19/9, công ty xuyên quốc gia AT Kearney công bố chỉ số dịch vụ toàn cầu (GSLI).

Đây là nghiên cứu nhằm phân tích những cơ hội tốt nhất và khả năng của các nước trên thế giới trong lĩnh vực gia công phần mềm, kinh doanh phần mềm và hiệu quả công nghệ thông tin.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm giúp các tập đoàn quốc tế lựa chọn được những nơi tốt nhất để mở rộng chi nhánh ra nước ngoài. Kết quả chỉ số được sắp xếp từ 0-10 điểm, với 25 chỉ số thuộc ba tiêu chí: tính khả thi đầu tư tài chính vào dịch vụ gia công phần mềm trong nước, sự phát triển môi trường kinh doanh nội địa, sự dồi dào chuyên gia có trình độ. Chỉ số càng cao thì quốc gia đó càng dễ đầu tư, phát triển kinh doanh phần mềm. Kết quả cho biết, Ấn Độ, Trung Quốc và Malaysia trở thành điểm đến hàng đầu cho gia công phần mềm.

Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, vượt cả Thái Lan ở vị trí thứ 8. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được trong Chỉ số GSLI mà hãng AT Kearney xếp hạng lần thứ tám này. Năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của Việt Nam lọt vào trong tốp 10, lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Theo AT Kearney, kết quả khả quan của Việt Nam trong chỉ số này năm nay phản ánh sự phổ biến ngày càng gia tăng của các trung tâm dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO - Business Process Outsourcing). Ngành công nghiệp gia công quy trình doanh nghiệp BPO này của Việt Nam đã đạt 2 tỉ đô la vào năm 2015 và đã tăng trưởng với tỷ lệ 20-25% mỗi năm trong thập kỷ qua.

Được đánh giá ở vị trí đầu, Ấn Độ có giá nhân công tương đối thấp với nguồn nhân lực đông đảo hoạt động trong lĩnh vực phần mềm. Với đội ngũ chuyên gia chất lượng cao, Ấn Độ đi đầu trong xuất khẩu dịch vụ phần mềm và kiếm được 50 tỷ USD mỗi năm, gấp 4 lần Mỹ. Trong lĩnh vực phần mềm kinh doanh khác, Ấn Độ cũng luôn nằm trong top 3.

Trái với Ấn Độ, thị trường gia công công nghệ thông tin của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nhu cầu nội địa. Ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và một vài thành phố vùng duyên hải, nhiều thành phố hàng hải như Tây An, Đại Liên và Thành Đô đang nổi lên canh tranh trên thị trường gia công phần mềm nhờ chi phí kinh doanh thấp và cơ sở hạ tầng tốt.

Các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc cũng khai thác các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặt khác, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cung ứng gia công dịch vụ của Ấn Độ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc.

Một quốc gia khác cùng khu vực Đông Nam Á là Maylaysia được đánh giá cao, xếp ở vị trí thứ 3. Giám đốc điều hành AT Kearney, ông Joon Ooi, cho biết mặc dù Malaysia có trở ngại về lực lượng lao động tương đối nhỏ hơn Trung Quốc và Ấn Độ nhưng quốc gia này có lợi thế cạnh tranh về ổn định chính trị và môi trường đa ngôn ngữ. Malaysia có lợi thế hơn hai quốc gia trên về môi trường kinh doanh và tài chính hấp dẫn hơn. Thêm vào đó, các công ty phầm mềm Malaysia đang đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập để tăng quy mô và khả năng cạnh tranh trên thị trường gia công phần mềm toàn cầu./.

Nguồn tham khảo:

1. http://www.thesaigontimes.vn/164775/Viet-Nam-dung-thu-6-ve-gia-cong-phan-mem-toan-cau.html
2. http://www.vestifinance.ru/articles/91145?page=1