Việt Nam luôn chú trọng lồng ghép phát triển bền vững với phát triển kinh tế - xã hội

Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép vào trong Chiến lược phát trển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 Việt Nam và Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

“Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và những thành tựu nổi bật trong thực hiện MDGs đã tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho người dân” – Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai Chương trình nghị sự 2030 ở Việt Nam, trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Kế hoạch hành động này sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.

Đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạo cơ hội tham gia và tham vấn cho việc xây dựng Kế hoạch hành động sắp tới, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam triển khai xây dựng các thể chế cần thiết, xây dựng nguồn lực thống kê và lồng ghép các mục tiêu vào hoạch định chính sách là vô cùng đúng lúc.

Tuy nhiên, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu trên cần có tư duy đột phá, xác định mục tiêu và những giải pháp hữu hiệu, hướng tới sự tổng quát, toàn diện. Xét rộng hơn, cần có sự đồng thuận, ủng hộ chính trị ở cấp nguyên thủ quốc gia. Đặc biệt, cần phối hợp quan hệ đối tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Chương trình 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 chi tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Đây là định hướng toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra những mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh của mình; quyết định cách thức thực hiện và lồng ghép phát triển bền vững vào quá trình lập kế hoạch cũng như xây dựng các chiến lược, chính sách của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội thảo Khởi động Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam

6 định hướng triển khai Chương trình nghị sự 2030

Nói cụ thể hơn về định hướng triển khai Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, kiêm Phó Chánh Văn phòng phát triển bền vững – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình nghị sự 2030 sẽ có 6 định hướng chính. Cụ thể:

(i) Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tập huấn về SDGs: Xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông, tổ chức hội thảo, tập huấn về SDGs...

(ii) Quốc gia hóa các SDGs: Rà soát các mục tiêu phát triển, các chỉ tiêu và chỉ số của Việt Nam, xác định các mục tiêu ưu tiên và chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cho từng giai đoạn 5 năm từ 2016-2030...

(iii) Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển bền vững...

(iv) Xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực trong xã hội (nguồn lực con người và nguồn lực tài chính) để thực hiện SDGs quốc gia. Phân bổ nguồn lực ưu tiên cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững: xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn tài chính trong xã hội từ nguồn ODA, FDI, từ khu vực tư nhân thông qua hợp tác công – tư (PPP)...

(v) Theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện SDGs: Tăng cường vai trò chủ động và tích cực của Quốc hội trong giám sát thực hiện SDGs...

(vi) Thúc đẩy tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ - kỹ thuật để thực hiện phát triển bền vững.

Để thực hiện các định hướng đã đề ra, một số hoạt động đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, như: Thành lập Ban soạn thảo liên ngành do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Rà soát bước đầu các chỉ số đo lường SDGs (thực hiện từ năm 2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2016); Khởi động Rà soát các chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch ở cấp quốc gia, ngành, các tổ chức xã hội dân sự... do với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu; Khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs./.