Bộ chỉ số quan trọng

Sáng ngày 23/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hinrich Foundation tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả bảng Chỉ số Thương mại bền vững 2018 và thảo luận về những chính sách thúc đẩy thương mại bền vững ở Việt Nam.

Chỉ số Thương mại bền vững 2018 được Hinrich Foundation giao cho Economist Intelligence Unit thực hiện. Bộ chỉ số này đánh giá mức độ sẵn sàng của 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ khi tham gia vào thương mại bền vững, ví dụ như tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài và thu hút sự hỗ trợ từ các cơ quan hợp tác quốc tế một cách bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI đánh giá: “Chỉ số Thương mại bền vững có nhiều điểm chung với bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI). Chỉ số này đưa ra những gợi ý thiết thực không chỉ cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành, mà còn cho cả cộng đồng doanh nghiệp”.

“Khi doanh nghiệp hạch toán đầy đủ những nguồn vốn trong xã hội, gồm có vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn môi trường, thì sẽ xác định chính xác chi phí và lợi nhuận để đưa ra quyết định của nhà đầu tư trong và ngoài doanh nghiệp”, Tổng Thư ký VCCI nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, ông Alexander Boome, Giám đốc Chương trình Hinrich Foundation khẳng định, phát triển thương mại bền vững đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế toàn cầu. Từ năm 2016, Hinrich Foundation đã khởi xướng xây dựng Chỉ số Thương mại bền vững để giúp thương mại toàn cầu phát triển bền vững, tạo nguồn lực cho chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

“Chỉ số Thương mại bền vững đo lường sự sẵn sàng của các nền kinh tế tham gia vào thương mại toàn cầu, thu hút FDI và thương mại đa phương để thúc đẩy nền kinh tế”, ông Alexander Boome nêu rõ.

Việt Nam đã có những cải thiện vượt bậc

Đánh giá mức độ bền vững của thương mại Việt Nam, ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu của Hinrich Foundation chỉ ra, Việt Nam xếp thứ 9 trên bảng xếp hạng Chỉ số Thương mại bền vững 2018.

So với năm 2016, Chỉ số Thương mại bền vững của Việt Nam 2 hai điểm, tiến bộ vượt bậc so với quy mô nguồn vốn con người hiện có và so với các quốc gia mức thu nhập bằng và hơn ở khu vực Đông Nam Á (Hình).

Hình: Bảng xếp hạng Chỉ số Thương mại bền vững 2018

Nguồn: Hinrich Foundation Sustainable Trade Index 2018

Chỉ số Thương mại bền vững đánh giá 3 khía cạnh: kinh tế (gồm 14 chỉ báo), xã hội (4 chỉ báo) và môi trường (6 chỉ báo).

Phân tích rõ hơn từng khía cạnh, báo cáo cho biết, về trụ cột kinh tế, chỉ số của Việt Nam đã được cải thiện, nhất là các chỉ số về giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan và thu hút nguồn vốn FDI. Cùng với 12 quốc gia khác, Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự mở cửa thương mại và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới.

Về trụ cột xã hội, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được những bước cải thiện nhất định trên lĩnh vực xã hội trong bảng Chỉ số Thương mại bền vững 2018. Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 và cao hơn các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Đây là thành quả của việc hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động (chỉ báo được xây dựng dựa trên việc hạn chế lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cải thiện quyền của người lao động).

Đối với trụ cột môi trường, nhờ giảm bớt sự phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên trong xuất khẩu, điểm chỉ báo môi trường của Việt Nam tăng 8 bậc và xếp thứ 8 trong bảng Chỉ số Thương mại bền vững. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng điểm nhờ vào sự tham gia và cam kết các nghị định quốc tế về môi trường. Nỗ lực này sẽ góp phần đảm bảo tính môi trường bền vững ở quy mô quốc gia.

Để đạt được những kết quả trên, theo ông Stephen Olson, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn đa quốc gia ngày càng coi trọng các yếu tố bền vững trong quyết định đầu tư, những chính sách thương mại bền vững đã giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ vốn FDI trong GDP. Việt Nam bây giờ đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực Đông Á, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những quốc gia tiên phong.

Hơn nữa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế này mà không gây ra nhiều hệ quả ở những phương diện khác. Ví dụ, ở một vài nền kinh tế phát triển ở phương Tây với sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập, nhiều người đã đổ lỗi điều này cho yếu tố thương mại, do đó góp phần vào làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa. Trong khi đó, Việt Nam lại kiểm soát tốt yếu tố bất bình đẳng thu nhập này. Việt Nam có chỉ số GINI (công cụ phổ biến nhất trong đo lường bình đẳng thu nhập) xếp hạng thứ 5, nằm trong tốp đầu của bảng Chỉ số Thương mại bền vững.

Mặc dù vậy, ông Stephen Olson cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề cản trở sự phát triển bền vững trong thương mại, như xuất khẩu quá phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, tỷ lệ phá rừng hiện đang nằm trong danh sách những chỉ số cao nhất, chi phí thương mại cao…

Trong bối cảnh đó, báo cáo gợi ý, Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu có tính chất cơ bản như giảm trừ các chi phí thương mại liên quan đến kết cấu hạ tầng, hậu cần và các chi phí khác từ hệ thống pháp lý và quản lý; giảm bớt những rủi ro trong quá trình thanh toán thương mại, giảm tỷ lệ phá rừng và ô nhiếm nguồn nước do sản xuất thương mại và đặc biệt là vấn nạn tham nhũng trong tương lai./.