Đã triển khai 100/166 Đoàn kiểm toán

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán năm 2024, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN ban hành theo Quyết định số 1445/QĐ-KTNN, ngày 01/12/2023 bao gồm 121 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 166 đoàn kiểm toán. Đến ngày 30/8/2024, KTNN đã tổ chức xét duyệt 109 kế hoạch kiểm toán, triển khai 100 Đoàn kiểm toán, trong đó 65 Đoàn kiểm toán đã kết thúc.

Kiểm toán Nhà nước phải đẩy nhanh xử lý các kiến nghị kiểm toán
Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, đến ngày 30/8/2024, KTNN đã tổ chức xét duyệt 85 dự thảo báo cáo kiểm toán và đã phát hành chính thức 81 báo cáo kiểm toán

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm toán năm 2024, ngay từ đầu năm, KTNN đã sớm ban hành nhiều văn bản triển khai hoạt động kiểm toán. Dự kiến KTNN sẽ hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2024 theo đúng tiến độ đã đề ra, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2023, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2025.

Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, ông Tuấn cho biết, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 nhiệm vụ (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải đảm bảo: Kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách đối với 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 41 bộ, cơ quan trung ương bao gồm cả các hội, tổ chức (đạt 98% - 41/42 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương; năm 2024 là 83%, năm 2023 là 68%). Kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 tại 22 địa phương; kiểm toán ngân sách địa phương tại 4 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của 35 địa phương. Qua đó, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt 90,5% - 57/63 địa phương, bằng so với năm 2024; năm 2023 là 83%).

Thực hiện kiến nghị về xử lý văn bản rất thấp, chỉ đạt khoảng 6,06%

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức hoạt động của KTNN trong năm 2024. Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, đa số ý kiến cho rằng, so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2023, việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác giảm cả về quy mô và tỷ trọng; thực hiện kiến nghị về xử lý văn bản rất thấp, chỉ đạt khoảng 6,06%. Đề nghị KTNN báo cáo bổ sung danh mục cụ thể các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của kiểm toán; làm rõ nguyên nhân trong việc chậm thực hiện các kiến nghị của KTNN; báo cáo bổ sung việc thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN thời gian qua tác động như thế nào đến việc thực hiện kiến nghị của KTNN...

Kiểm toán Nhà nước phải đẩy nhanh xử lý các kiến nghị kiểm toán
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị KTNN báo cáo bổ sung danh mục cụ thể các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của kiểm toán

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ KTNN tiếp tục được Ban cán sự, Đảng ủy, Tổng KTNN tăng cường và tập trung tổ chức thực hiện, đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng, KTNN mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là chưa tương xứng.

Về nguyên tắc, định hướng xây dựng KHKT năm 2025: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí các nguyên tắc, định hướng xây dựng KHKT năm 2025 của KTNN. Đề nghị KTNN bổ sung nguyên tắc, định hướng tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa bảo đảm quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.

Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm tới, theo ông Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến thấy rằng, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ, nên đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành để bảo đảm kế hoạch kiểm toán trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực.

Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chậm thực hiện kiến nghị của kiểm toán

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, KTNN phải đẩy nhanh xử lý các kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm thực hiện kiến nghị của kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước phải đẩy nhanh xử lý các kiến nghị kiểm toán

Cơ bản đồng thuận với kế hoạch kiểm toán năm 2025 của KTNN, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan KTNN rà soát, lựa chọn nội dung kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm; kiểm toán phải “đúng và trúng” nội dung; cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết

Trong số các nội dung cần kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu KTNN rà soát, kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, có số vốn đầu tư, giải ngân lớn; làm rõ hiệu quả đầu tư, kinh doanh, sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; kiểm toán các tổ chức tín dụng, ngân hàng...

“Đề nghị KTNN làm rõ hơn kết quả kiến nghị kiểm toán đang thực hiện đến đâu. Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN thời gian qua đã được thực hiện như thế nào, xử phạt được bao nhiêu vụ và tác động ra sao đến việc thực hiện các kiến nghị của KTNN. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan kiểm toán cần tiếp tục được triển khai hiệu quả hơn.”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, KTNN cũng chỉ ra 5 nhóm tồn tại, hạn chế trong việc triển khai công tác 8 tháng đầu năm, trong đó một số nội dung lưu ý. Đó là việc thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm toán năm và kế hoạch kiểm toán của các cuộc kiểm toán còn chưa đầy đủ, chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh giảm cuộc kiểm toán hoặc là điều chỉnh, giảm, bổ sung, thay thế đầu mối đơn vị được kiểm toán. Tiến độ xây dựng văn bản quản lý theo kế hoạch còn chậm, tiến độ trả lời một số văn bản kiến nghị của đơn vị được kiểm toán chưa kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu KTNN tiếp tục duy trì, phát huy tốt kết quả đạt được, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch năm 2024, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo KTNN và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhất là việc thực hiện các kiến nghị của KTNN.

“Giao KTNN tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan Quốc hội; hoàn chỉnh báo cáo công tác năm 2024 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025; báo cáo Quốc hội về các kiến nghị của Kiểm toán. Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội. Sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi KTNN. Trên cơ sở đó, Tổng KTNN sẽ quyết định kế hoạch kiểm toán theo quy định của Luật KTNN”, bà Thanh lưu ý./.