Hiện VNPT có 71 đơn vị trực thuộc; 2 công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ

Điều lệ nêu rõ, các công ty, quỹ, ngân hàng mà VNPT thoái vốn, như: Công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land); Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT); Công ty cổ phần Đầu tư Viễn thông và Hạ tầng đô thị (ITC); Công ty cổ phần viễn thông VTC; Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM); Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (SFA2); Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam; Công ty Tài chính Bưu điện (PTF)....

Hiện VNPT có 71 đơn vị trực thuộc; 2 công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ: Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); 5 công ty con khác và 3 đơn vị sự nghiệp của VNPT (Bệnh viện Bưu điện (tại TP Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (tại TP Hồ Chí Minh); Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại TP Hải Phòng);...

Vốn điều lệ của VNPT là 72.237 tỷ đồng. Nhà nước là chủ sở hữu của VNPT. Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ có liên quan, Hội đồng thành viên VNPT thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với VNPT theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của VNPT gồm: Hội đồng thành viên; Tổng Giám đốc; Kiểm soát viên; các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc: Văn phòng và các Ban tham mưu.

Hội đồng thành viên VNPT có 7 thành viên. Các thành viên Hội đồng thành viên cùng chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu nhà nước, trước pháp luật về mọi hoạt động của VNPT và về các quyết định của Hội đồng thành viên gây thiệt hại cho VNPT và chủ sở hữu nhà nước, trừ thành viên biểu quyết không tán thành quyết định này; thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều lệ này, Luật Doanh nghiệp và pháp luật.

Ngành nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

Theo Báo cáo của Tập đoàn, trong năm 2015, VNPT đã thực hiện đấu giá thành công 3 doanh nghiệp, hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần theo phương thức giao dịch khớp lệnh qua Sở Giao dịch chứng khoán đối với 1 doanh nghiệp, với tổng giá trị thu về hơn 322 tỷ đồng, chênh lệch lãi so với mệnh giá là hơn 182 tỷ đồng; thu hồi từ 1 quỹ đầu tư là 12,3 tỷ đồng (tổng giá trị thu hồi lũy kế là 16,8/30 tỷ đồng vốn đầu tư).

Trước đó, theo Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014 - 2015, VNPT sẽ thực hiện thoái hết số vốn đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp.

Thế nhưng, đến hết năm 2015, công tác thoái vốn của VNPT vẫn rất chậm chạp. Vì thế, ngày 28/3/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 906/BTTTT-QLNN gửi VNPT về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện thoái vốn theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn nêu rõ: Sau khi xem xét báo cáo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về tình hình thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp của VNPT theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tiến độ thực hiện còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định./.