Xây dựng Đề án Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế là vấn đề mới, rất khó
Nghiên cứu mô hình trung tâm tài chính thích hợp
“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1160/QĐ-TTg, ngày 06/10/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, khi chủ trì cuộc họp Tổ công tác xây dựng Đề án.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì cuộc họp. Nguồn: MPI |
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập và ban hành Quy chế làm việc của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ công tác; thành viên Tổ công tác là lãnh đạo cấp vụ thuộc các bộ, cơ quan và địa phương liên quan.
Thực hiện chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo và Văn bản số 180/TB-VPCP ngày 24/4/2024 về việc thông báo Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo được giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) chủ trì xây dựng nội dung Đề án tổng thể trình cấp có thẩm quyền. UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Đà Nẵng tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung Đề án của từng thành phố; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục toàn hiện Đề án tổng thể.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành phố trong quá trình hoàn thiện Đề án của các thành phố và Đề án tổng thể theo các nhóm lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Mục tiêu và phạm vi của Đề án là xác định các yếu tố, những điều kiện “cần” và “đủ” để hình thành và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam; đánh giá các cơ hội và thách thức trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam; nghiên cứu mô hình trung tâm tài chính thích hợp và cơ chế, chính sách áp dụng cho trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Dự thảo Đề án cũng tập trung vào xác định yếu tố; những điều kiện cần thiết, các cơ hội và thách thức trong việc xây dựng trung tâm tài chính; quan điểm và mục tiêu phát triển; lộ trình phát triển; các cơ chế, chính sách đặc thù; mô hình quản lý, giám sát.
“Dự thảo Đề án lần này đã có nhiều thay đổi; trên cơ sở các ý kiến, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Đề án có trung tâm tài chính ở Việt Nam với thể chế riêng, vượt trội, đặc thù, khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư, để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính, kết nối với các trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời khẳng định, TP. Đà Nẵng sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung Đề án...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo Đề án
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ về các khó khăn trong quá trình xây dựng Đề án và nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, rất khó. Việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Đề án là sản phẩm của Ban Chỉ đạo xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành phố trong quá trình hoàn thiện các Đề án. Nguồn: MPI |
Thứ trưởng nhấn mạnh thêm các nội dung của khung dự thảo đề án của Ban Chỉ đạo như sự cần thiết xây dựng; căn cứ xây dựng, cơ sở thực tiễn; mục tiêu và phạm vi của Đề án; kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính trên thế giới và những bài học rút ra đối với Việt Nam; thực trạng và tiềm năng phát triển; quan điểm, mục tiêu; khuyến nghị cơ chế, chính sách, đánh giá tác động của các chính sách đề xuất…
Đối với đề án của từng thành phố, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Đề án; nghiên cứu, bổ sung các nội dung và phải đảm bảo trách nhiệm về các nội dung được nêu; phải kế thừa các nội dung của dự thảo đề cương Đề án của Ban Chỉ đạo, phân tích mặt được, chưa được; những lợi ích, hạn chế và hướng để khắc phục các hạn chế; làm rõ sự gắn kết giữa điều kiện chung của quốc gia và điều kiện, đặc thù riêng của từng thành phố, để bổ trợ và cùng phát triển; phải làm rõ sản phẩm đặc thù để hấp dẫn nhà đầu tư…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành phố trong quá trình hoàn thiện Đề án của các thành phố và Đề án tổng thể theo các nhóm lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công. Sau cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện Dự thảo, trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Bình luận