Xử lý nợ xấu: Nhiệm vụ có khả thi?
Nợ xấu đang gia tăng theo thời gian
Tại Chỉ thị 02/CT-NHNN, ngày 27/01/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đảm bảo đến ngày 30/06/2015 phải xử lý tối thiểu được 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu bán cho VAMC cả năm 2015, để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2014, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nhà nước là 3,25% và đến cuối tháng 2/2015 khoảng 3,59% đã tăng nhẹ. Nợ xấu tại địa bàn có dư nợ tín dụng chiếm gần một phần ba cả nước là TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3/2015 là 5,53% cho thấy nỗ lực đưa nợ xấu về dưới 3% theo kế hoạch là rất cấp bách.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của hầu hết ngân hàng đều tăng khá mạnh trong quý I. Đến cuối quý I, nợ xấu của BIDV là 2,3% cao hơn mức 2,03% đầu năm, nợ xấu của Vietinbank là 1,8%, cao hơn mức 1,12% đầu năm. Đặc biệt, ngân hàng được đánh giá cao như Vietcombank lại có tỷ lệ nợ xấu lên tới 2,67%, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết.
Nhận định của các chuyên gia cho rằng, nợ xấu sẽ còn phình ra hơn trong quý II/2015 khi Quyết định 780/QĐ-NHNN, ngày 23/04/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đã hết hiệu lực từ ngày 01/04/2015. Nợ xấu được phân loại lại theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, nhiều khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 được chuyển sang nợ xấu (nhóm 3, 4 hoặc 5).
VAMC có trở thành “kho” cất giữ nợ xấu?
Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, VAMC đã mua khoảng 125 nghìn - 130 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc từ các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được là không đáng kể. Tính đến 24/12/2014, chỉ thu hồi được khoảng 4.161 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết “Mục tiêu của VAMC là trong 6 tháng đầu năm 2015 sẽ mua trên 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, sẽ đảm bảo tỷ lệ 60% tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo đúng kế hoạch, góp phần đảm bảo đưa nợ xấu của toàn hệ thống về mức 3%”.
Khi con số nợ xấu của VAMC mua về từ các ngân hàng thương mại ngày một lớn dần thì việc tìm đầu ra trong xử lý nợ xấu là cần thiết để tổ chức này có điều kiện mua thêm nợ xấu mới. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2015/NĐ-CP, ngày 31/03/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC với mục tiêu chính là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Nghị định này cũng bổ sung quy định xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua. Tuy nhiên, cơ chế bán nợ cho VAMC được thúc đẩy trên cả 2 phương diện là cung nợ xấu và cầu nợ xấu. Song với cơ chế hoạt động hiện tại, VAMC chưa thực sự giải quyết được nợ xấu, mới chỉ đóng vai trò như một kho cất giữ nợ xấu, làm sạch bảng cân đối, rủi ro nợ xấu vẫn thuộc về các ngân hàng thương mại. Do đó, để đánh giá đúng và đủ về rủi ro nợ xấu, số dư và tỷ lệ nợ xấu phải được đánh giá dựa trên số dư nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại và số dư bán nợ cho VAMC chưa xử lý được.
Theo TS. Cấn Văn Lực - hàm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), luôn có sự chênh lệch giữa giá mà VAMC mua vào - tương đương khoảng 80% giá trị khoản nợ - và giá khoản nợ mà VAMC bán ra - tương đương khoảng 40%-50% giá trị khoản nợ. Phải có cơ chế xử lý phần chênh lệch này thì VAMC mới có thể đẩy mạnh bán nợ.
Để xử lý việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường thì ai là người chấp nhận lỗ trong việc xử lý nợ xấu đang là bài toán nan giải. Theo kinh nghiệm từ các nước thì Hàn Quốc bán nợ xấu thu lại 45%; Trung Quốc thu lại 40%... Nhưng đối với Việt Nam, sau khi mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, VAMC muốn bán lại nợ xấu theo giá thị trường cũng là điều hết sức khó khăn, vì sợ thất thoát vốn. Vì vậy, vấn đề đầu ra của VAMC vẫn chưa thực sự có lời giải đáp.
Xử lý nợ xấu – trách nhiệm phải từ các ngân hàng
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong buổi trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư của Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng khi tham gia phải có trách nhiệm với luật pháp, chứ chưa đặt vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
“Các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm khi định giá các tài sản đảm bảo là phải đảm bảo được dự phòng rủi ro cho những khoản vay đó chứ không phải cứ nâng giá trị tài sản lên để đạt được mục đích của mình rồi quay sang yêu cầu sửa luật để bán cho dễ”, ông Kiên nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “VAMC mua tài sản của ngân hàng, nhưng thực chất là ngân hàng thế chấp tài sản này và được cho vay lại một số tiền. Các ngân hàng có 5 năm để xử lý. Trong 5 năm tình hình tốt lên, ngân hàng có điều kiện trả lại tiền đó và lấy lại tài sản về rồi tự xử lý. Như vậy nghĩa là ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm đến cùng với tài sản này. Còn nếu lúc đó, ngân hàng vẫn không xử lý được thì vẫn là tội của ngân hàng”.
Để gỡ khó cho vấn đề nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, quan trọng là phải khơi thông được các khoản nợ xấu bằng cách bán các tài sản bảo đảm, xử lý việc phá sản doanh nghiệp để thúc đẩy dòng tiền từ con nợ. Ngoài ra, cần khuyến khích một dòng tiền thứ cấp khác chảy vào thị trường mua bán nợ từ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có lúc hàng chục nhà đầu tư ngoại muốn mua nợ của VAMC, nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ nào được thực hiện, vì chưa có cơ chế và nhà đầu tư chưa thấy lợi ích từ các "món hàng" mà VAMC muốn bán. Vì vậy, vấn đề nợ xấu nếu không tìm cách gỡ, thời gian càng trôi, nợ xấu sẽ càng tăng, khó khăn của ngành ngân hàng vẫn còn ở phía trước./.
Bình luận