Xuất khẩu dệt may đang đà khởi sắc
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu trong nước đã có đơn hàng đến hết quý II/2018, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý III/2018.
Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 4 thị trường lớn là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sắp ký kết cũng giúp doanh nghiệp trong nước thay đổi dần kết cấu thị trường xuất khẩu.
Ngoài 4 thị trường truyền thống kể trên, các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường mới như Trung Quốc với kim ngạch dự kiến năm 2018 đạt khoảng trên 2 tỷ USD, Nga khoảng 500 triệu USD.
Chính vì đa dạng hóa thị trường, nên việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất chủ chốt lên 0,25% khiến đồng USD tăng giá không làm ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2018.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do không chỉ giúp ngành dệt may đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn lấp dần nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu hụt.
Từ chỗ phải nhập khẩu hầu hết nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất, hiện mỗi năm, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu trên 3 tỷ USD sợi, gần 1 tỷ USD vải, 400 triệu USD phụ liệu may.
Đặc biệt, làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã thay đổi tư duy đầu tư công nghệ của doanh nghiệp, hướng sản xuất đến những phân khúc sản phẩm giá trị cao như ODM (tự thiết kế, tự chủ nguyên phụ liệu, sản xuất, vận chuyển), OBM (tự thiết kế và bán sản phẩm bằng thương hiệu riêng).
Hiện nay, các doanh nghiệp đã dần chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng và công nghệ, thiết bị để thiết kế trên các phần mềm 3D, chào bán mẫu thay vì sản xuất theo mẫu của nhà nhập khẩu như trước kia. Việc lựa chọn hướng khai thác sâu phân khúc sản phẩm giá trị cao giúp dệt may Việt Nam tiếp tục tạo sự khác biệt trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới và tận dụng lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xuất khẩu dệt may quý I/2018 đã đạt kim ngạch 6,3 tỷ USD
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may, dự báo năm 2018 ngành dệt may sẽ gặp nhiều thách thức lớn, tính cạnh tranh cao. Cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác, như: Myanmar, Campuchia... cũng đang gia tăng áp lực về thị phần với Việt Nam.
Đặc biệt, thị trường nhập khẩu chủ yếu hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều biến động lớn, khó lường, đặc biệt là trường phái bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại với xu thế tự do thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam được nâng hạng từ nước kém phát triển lên mức nước có nền kinh tế đang phát triển là một điều đáng mừng cho nền kinh tế nói chung, nhưng lại đem đến cho ngành dệt may nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Hơn nữa, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 86% lao động chân tay của ngành dệt may sẽ bị thay thế bằng robot; những đơn hàng sản xuất hàng loạt theo kiểu số đo truyền thống sẽ không còn; chi phí giao dịch, bán hàng sẽ giảm từ 30%-80% so với hiện nay, nhiều nhà máy thông minh, nhà máy số sẽ ra đời.
Vì thế, nếu ngành dệt may Việt Nam không bắt nhịp được với xu thế của thời đại thì sẽ bỏ lỡ cơ hội này như đã từng xảy ra với thời đại công nghệ 2.0, 3.0./.
Bình luận