Những con số ấn tượng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo nước ta trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,66 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,45 tỷ USD, tăng 40%.

Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ gạo số 1 của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm đạt 699,6 nghìn tấn và 370,8 triệu USD chiếm 33,5% thị phần. Xét riêng trong tháng 3/2018, xuất sang Trung Quốc tăng rất mạnh 164,5% về lượng và tăng 170% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 216.761 tấn, tương đương 117,45 triệu USD.

Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Cuối tháng 1/2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia với khối lượng 141.000 tấn. Tiếp đó, cuối tháng 3 vừa qua, Việt Nam tiếp tục giành được hợp đồng xuất khẩu gạo “khủng” lên tới 300.000 tấn, nâng tổng khối lượng hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam ở thị trường này lên 441.000 tấn trong 3 tháng đầu năm.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 5, Việt Nam tiếp tục trúng thầu hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo sang Philippines. Cuối tháng 5, Tập đoàn Tân Long của Việt Nam lại trúng 3 gói thầu xuất khẩu 50.000 tấn gạo Japonica cho Công ty Nông, Thủy sản Hàn Quốc, tương đương 70% số lượng mở thầu lần này. Đây có thể được xem như thắng lợi lớn của gạo Việt trên thị trường thế giới.

Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng huyện Phong Điền, Cần Thơ

Bên cạnh mức tăng trưởng về sản lượng, thì hầu hết gạo xuất khẩu sang các thị trường đều được giá cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2018 đạt 503 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn các đối thủ cạnh tranh, như: Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50-100 USD/tấn.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Chi Lê đạt mức cao nhất 834,5 USD/tấn, tăng 114%. Giá gạo xuất khẩu sang một số thị trường cũng được giá tương đối cao, như: Pháp 685 USD/tấn, giảm 26,5%; Bỉ 660 USD/tấn; Ghana 606,2 USD/tấn, tăng 20,9%; Mỹ 601,4 USD/tấn, tăng 17,2%; Australia 653,7 USD/tấn, tăng 16,7%; Trung Quốc 526,1 USD/tấn, tăng 13,5%.

Nguyên nhân giá gạo tăng là do cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao. Đây là một điều đáng mừng đối với ngành gạo Việt. Việc này chỉ ra rằng Việt Nam chỉ nên tập trung cạnh tranh vào dòng gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu thay vì gạo giá rẻ như trước đây.

Nhưng, cẩn trọng với những nhân tố chưa bền vững

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo phát triển chưa bền vững. Nguyên nhân là do:

Gạo của Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng không cao. Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng đầu vào như giống lúa, thuốc trừ sâu, phân bón vẫn phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy giống gạo từ Trung Quốc cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu Việt Nam, song chất lượng lại không tốt dẫn đến giá thành sản phẩm không cao. Điểu này rõ ràng làm giảm giá trị gia tăng trên mỗi tấn gạo Việt Nam sản xuất.

Ngoài ra, nguyên vật liệu và thiết bị công nghệ được nhập khẩu từ Trung Quốc thường là công nghệ lạc hậu. Trong khi chúng ta lại muốn hướng tới thị trường cấp cao. Việc đưa công nghệ khoa học hiện đại vào áp dụng để nâng cao chất lượng của sản phẩm là điều cần thiết đặc biệt là đối với những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao.

Thêm nữa, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu gạo thành phẩm số 1 của Việt Nam. Việc Trung Quốc quyết định cả yếu tố đầu ra của gạo Việt khiến thị trường gạo Việt bị phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đây cũng là yếu tố dẫn đến việc giá gạo của Việt Nam bị chèn ép.

Theo các chuyên gia, gạo của các nước trên thế giới có thể giống nhau về tên gọi, hình thức nhưng chắc chắn có sự khác biệt về đặc trưng. Hạn chế lớn nhất của ngành lúa gạo Việt Nam kéo dài hàng chục năm qua là chưa tìm được đặc trưng của mình để xây dựng thương hiệu. Ðây chính là "mắt xích" yếu nhất và cũng là nguyên nhân khiến gạo Việt Nam chưa có đặc điểm nổi bật để hấp dẫn người tiêu dùng thế giới. Do đó, nước ta chiếm 15% thị trường gạo xuất khẩu, nhưng không quyết định được giá, mà phụ thuộc hoàn toàn vào giá gạo thế giới.

Thương hiệu gạo Việt còn mờ nhạt trên thị trường thế giới còn bởi gạo Việt chủ yếu được đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu. Ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt cũng bị đánh giá thấp hơn gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Đài Loan, Nhật Bản... dẫn đến hiện tượng gạo sản xuất ở Việt Nam nhưng sử dụng bao bì nước ngoài bán trong các siêu thị.

Ngoài yếu tố chủ quan, xuất khẩu gạo Việt chưa bền vững còn do yếu tố khách quan đến từ các nước nhập khẩu gạo cũng như các đối thủ cạnh tranh. Các nước nhập khẩu gạo đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch nội địa, tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu..., nên thị trường xuất khẩu gạo ngày càng “hạn hẹp”.

Trong khi thị trường ngày càng hẹp, mà đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh. Đơn cử như việc Thái Lan xả kho gạo được cho là sẽ khiến xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam tiếp tục giảm. Chưa hết, theo các doanh nghiệp Việt, họ đang rất vất vả để tồn tại và phải cạnh tranh gay gắt với gạo trắng của Thái Lan ở những thị trường vốn là “sân nhà” của mình như châu Phi. Ở thị trường này, vài năm trước gạo trắng của Việt Nam còn có “cửa”, nay với chiến lược mới là xả kho gạo và hạ giá thành, gạo trắng Thái Lan đã chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường châu Phi, các doanh nghiệp Việt có chăng chỉ có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu gạo thơm.

Bên cạnh đó, ngày 22/5/2018, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) mở gói thầu 250.000 tấn gạo 25% tấm theo hình thức Chính phủ - tư nhân (G2P). Kết quả đấu thầu đã xảy ra bất ngờ lớn, doanh nghiệp Việt Nam đều thua trắng trước đối thủ Thái Lan, không trúng bất cứ lô thầu nào. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử đấu thầu quốc tế của Việt Nam.

Nguyên nhân rõ ràng thấy được là giá gạo Việt đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, cao hơn hầu hết các đối thủ trong đó có Thái Lan. Việc các doanh nghiệp Việt bỏ giá thầu cao hơn các doanh nghiệp Thái Lan là điều không tránh khỏi. Thậm chí vụ thua thầu này còn được xem là may mắn, vì có như vậy các doanh nghiệp Việt mới tránh được thua lỗ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước đây khi đấu thầu gạo quốc tế, có lúc giá gạo trong nước cao hơn gạo Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn thắng thầu với giá tốt, vì khi đó có sự phối hợp và tính toán phù hợp với tình hình thực tế.

Như vậy, có thể nói việc thua thầu lần này còn có nguyên nhân là do thiếu sự điều hành sâu sát, thiếu thống nhất trong nội bộ trong ngành hàng xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp tự ý quyết định giá bỏ thầu.

Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy họ đã có sự chuẩn bị và sắp xếp từ trước, nên họ bỏ giá chênh lệch không nhiều và đã thắng thầu áp đảo.

Bài học lần này thật quá đắt, buộc Việt Nam cần rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn cho những lần đấu thầu sau./.

Nguồn tham khảo:

http://danviet.vn/nha-nong/tin-vui-lien-tiep-gianh-duoc-nhieu-hop-dong-xuat-khau-gao-beo-bo-873338.html

http://ttvn.vn/kinh-doanh/xuat-khau-gao-tang-rat-manh-42018164124328734.htm

http://vneconomy.vn/viet-nam-thua-trang-goi-thau-g2p-cua-philippines-20180525110637675.htm

http://enternews.vn/xuat-khau-gao-viet-nam-canh-cua-ngay-cang-hep-107183.html

http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/35185502-xay-dung-gia-tri-thuong-hieu-hat-gao-viet-nam-tiep-theo-va-het.html