Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,27 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2017 tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2016

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, với 39,8% thị phần.

Trong tháng 11/2017, xuất khẩu cà phê ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2017 đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là: Italia (15,6%), Ấn Độ (13,6%) và Bỉ (10,6%).

Đối với mặt hàng cao su, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11 năm 2017 đạt 143 nghìn tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho thấy, mặc dù giá chè xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2016, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng, nguyên nhân là so sản lượng xuất khẩu tăng cao. Cụ thể là, khối lượng xuất khẩu chè tháng 11 năm 2017 ước đạt 12 nghìn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuât khẩu chè 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 128 nghìn tấn và 208 triệu USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá chè xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2017 đạt 1.610.3 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với mặt hàng điều, trong tháng 11/2017, khối lượng xuất khẩu ước đạt 32 nghìn tấn, với giá trị 310 triệu USD, nâng khối lượng xuất khẩu hạt điều 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1,0% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Mặc dù ngành thủy sản đang đối mặt với những khó khăn do “thẻ vàng” từ EU, tuy nhiên giá trị xuất khẩu ngành này trong tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (67,9%), Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%), và Canada (22,7%).

Về nhập khẩu, Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 11/2017 ước đạt 2,05 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 19,64 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 11/2017, giá trị nhập khẩu tập trung vào một số mặt hàng chính, như: phân bón nhập khẩu 87 triệu USD; thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 98 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ là 176 triệu USD; lúa mỳ là 58 triệu USD; Thức ăn gia súc và nguyên liệu là 175 triệu USD; thủy sản là 150 triệu USD.../.