Thông tin này được công bố tại Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng - Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam" do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu tổ chức chiều ngày 04/04 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Ban tổ chức hội thảo, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại để hội nhập khu vực, quốc tế. Sự nỗ lực và quyết liệt của Chính phủ thể hiện qua hàng loạt Nghị quyết 19.

Nghị quyết 19 đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, quốc tế và bước đầu mang lại hiệu quả cho nền kinh tế vĩ mô, tăng trưởng từng ngành. Các doanh nghiệp mong mỏi có được sự đột phá quyết định, hiệu ứng tích cực, mang tính hệ thống với tác động lâu bền để doanh nghiệp phát triển kinh doanh từ nội dung Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Huy Giám khẳng định, đồng hành với Chính phủ, Diễn đàn kinh tế tư nhân đã xây dựng lộ trình rà soát, đánh giá và xây dựng giải pháp cải cách trong năm 2017 rất tập trung, trọng tâm và xuyên suốt; vừa là những chủ đề ưu tiên của Chính phủ, vừa là những vướng mắc khó khăn lớn trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với nhiều bên ở cả hai khu vực công - tư.

Đặc biệt, hội thảo này là điểm nhấn mở đầu cho sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia đồng hành cùng Chính phủ kiến tạo, hành động, phát triển kinh tế năm 2017. Đây sẽ không là hoạt động đơn lẻ trong tiến trình phát triển và lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

Phân tích về nhiệm vụ trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19-2017/NQCP, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện cải thiện 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Môi trường kinh doanh. Cụ thể, như:

Thứ nhất là về khởi sự kinh doanh (nâng thứ hạng từ 121 lên 70 vào năm 2017 và 50 vào năm 2020.

Thứ hai là về cấp phép xây dựng và các thủ tục có liên quan: rút ngắn thời gian từ 166 ngày xuống 120 ngày vào năm 2017 và 90 ngày vào năm 2020

Thứ ba là tiếp cận điện năng: giảm từ 5 xuống 4 thủ tục, rút ngắn thời gian từ 46 ngày xuống dưới 35 ngày vào năm 2017 và dưới 30 ngày vào năm 2020.

Thú tư, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản: giảm từ 57,5 ngày xuống còn dưới 20 ngày trong năm 2017 và dưới 15 ngày vào năm 2020.

Thứ năm, về tiếp cận tín dụng: nâng thứ hạng từ 32 lên 30 trong năm 2017 và 25 vào năm 2020.

Thứ sáu là đảm bảo hiệu quả thực thi các quy định về Bảo vệ nhà đầu tư: Nâng thứ hạng từ 87 lên 80 vào năm 2017 và 60 vào năm 2020.

Còn thứ bảy là nộp thuế và bảo hiểm xã hội: giảm thời gian từ 540 giờ xuống dưới 168 giờ trong năm 2017.

Thứ tám là giao dịch thương mại qua biên giới: giảm thời gian xuất khẩu từ 108 giờ xuống 70 giờ trong năm 2017 và 60 giờ vào năm 2020, giảm thời gian nhập khẩu từ 138 giờ xuống 90 giờ vào năm 2017 và 80 giờ vào năm 2020.

Thứ chín là giải quyết tranh chấp hợp đồng: giảm thời gian từ 400 ngày xuống dưới 300 ngày vào năm 2017 và dưới 200 ngày vào năm 2020.

Còn thứ mười là giải quyết phá sản doanh nghiệp: giảm thời gian từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng vào năm 2017 và dưới 24 tháng vào năm 2020.

Ngoài ra còn một số nhiệm vụ khác, như: giao 4 nhóm việc với tổng số 351 đầu việc cho 27 bộ ngành, cơ quan, địa phương… để hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh.

Song, vẫn còn “vướng” nhiều rào cản

Phát biểu Trong phiên thảo luận, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các vấn đề trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: Thủ tục thuế và bảo hiểm xã hội; Thủ tục hải quan; Thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành (cấp phép xuất nhập khẩu, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, kiểm tra văn hóa). Trong đó, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thẳng thắn nêu lên những khó khăn, bức xúc đã tồn tại lâu trong môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đã kiến nghị nhiều nhưng các cơ quan quản lý chưa có giải pháp điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa triệt để.

Hiện nay, cả nước hiện có khoảng 74.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày. Thời gian tới, ngành hải quan sẽ tiếp tục phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Mục tiêu là giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan)

Cụ thể, còn nhiều các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Đáng chú ý, chiều ý kiến từ các hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Da giày, Thủy sản, Bông sợi, Gỗ và lâm sản, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp thuộc các Nhóm công tác của Diễn đàn kinh tế tư nhân cũng nêu những vấn đề, quy định quản lý đang đi ngược tinh thần Chính phủ kiến tạo điển hình như vụ quy định phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng dẫn tới nguy cơ sụt giảm hiệu quả kinh doanh do chính quy định chính sách, pháp luật còn hạn chế.

Theo ông Đào Huy Giám, hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu là một mảng chuyên môn đa ngành, phức tạp, đòi hỏi khả năng thực thi tinh xảo, sự phối hợp hài hòa và trôi chảy của nhiều cơ quan quản lý, cần được trang bị công nghệ tinh vi, sự phối hợp giữa các cơ quan quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này, nhiều cơ quan quản lý đang lúng túng, doanh nghiệp gặp nhiều ách tắc, hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.

Cũng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đều nhận định, việc tồn tại quá nhiều văn bản pháp luật, thậm chí văn bản chồng chéo nhau đã gây khó khăn rất lớn cho hoạt động doanh nghiệp. Trong đó có thủ tục hải quan vẫn đang làm khó doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế.

Lý giải về vấn đề này, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) thông tin, trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì ngành hải quan chịu trách nhiệm 28%. Hiện văn bản quy phạm pháp luật về hải quan rất nhiều, phạm vi điều chỉnh rộng, tính đến ngày 30/11/2016 có 362 văn bản (gồm 22 luật, pháp lệnh; 93 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 247 thông tư, quyết định của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động này) nhưng đến giờ lại có xu hướng tăng lên và đầu tháng 4 này, Tổng cục sẽ rà soát lại toàn bộ các văn bản.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, trên thực tế có rất nhiều bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra hải quan như: Máy móc, thiết bị thiếu nên không kiểm tra chuyên ngành được ngay ở cửa khẩu. Hiện chỉ có ngành kiểm dịch thực vật, y tế, công an, biên phòng thường phối hợp với hải quan, còn hầu hết việc kiểm tra chất lượng hàng hóa thì phải chuyển vào nội địa để kiểm tra nên tốn nhiều thời gian. Chưa kể, có mặt hàng chịu quản lý của nhiều bộ, ngay trong cùng một bộ, nhưng lại chịu sự quản lý của 2-3 đơn vị khác nhau./.