Chỉ có khoảng 49% cư dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo Quy chuẩn
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Thành, Vụ trưởng Vụ quản lý nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi cho biết, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 87,5%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 49% cư dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo Quy chuẩn QC 02/BYT của Bộ Y tế. Hiện cả nước mới có 43,5% dân số được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, còn 56,5% phải sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó mới chỉ có 4 địa phương có tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sach nông thôn đạt 100% gồm: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Hà Nội, tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; tuy nhiên, mới chỉ khoảng 41% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch theo QC 02/BYT.
Ông Đỗ Văn Thành cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa đạt mục tiêu mong muốn là do hoạt động của các công trình cấp nước tập trung chưa cao. Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, trong tổng số 16.342 công trình cấp nước tập trung chỉ có 33,5% số công trình hoạt động bền vững, công trình hoạt động ở mức trung bình là 37,8%. Đặc biệt, có tới 16,7% số công trình hoạt động kém hiệu quả và 12% số công trình hiện đang ngừng hoạt động. Đứng đầu trong số các vùng miền có số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả là Bắc Trung bộ (29,7%), tiếp đến là Nam Trung bộ (28%), miền núi phía Bắc (19,6%), Đông Nam bộ (17,2%)…
Đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó, có 55% được tiếp cận nước sạch theo QC 02/BYT, theo ông Đỗ Văn Thành thời gian tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, cơ chế chính sách. Tăng cường đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước các các công trình. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa điều hành, kiểm soát chất lượng nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, ông Lương Văn Anh cho rằng cần thúc đẩy xã hội hoá, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp để tăng số lượng công trình nước sạch cho khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, triển khai một số dự án thí điểm về PPP nước sạch để rút kinh nghiệm và nhân rộng cách làm này. Đồng thời kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình triển khai thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn. Nâng cấp, mở rộng sửa chữa các công trình cấp nước tập trung hiện có. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp quản lý vận hành Chương trình cấp nước nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được những công trình nước sạch. Đồng thời tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Đặc biệt, đã có nhiều doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang đe doạ nghiêm trọng về nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng.
Thứ trưởng cho rằng, thời gian tới cần ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho 21 tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2016-2018 và những năm tiếp theo.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung Chiến lược cấp nước nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng mong muốn các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ nước sạch trong khu vực nông thôn./.
Bình luận