Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Hoàng: “MISA sẵn sàng chia sẻ tri thức, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới”
Viện Đổi mới doanh nghiệp ra đời tháng 4/2021, là cơ hội để đội ngũ gần 2.500 nhân sự của MISA nỗ lực hơn nữa, theo đuổi sứ mệnh của Công ty là phụng sự xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch MISA, Viện trưởng Viện Đổi mới doanh nghiệp |
Chính phủ và nhiều bộ, ngành rất mong muốn thúc đẩy văn hóa, tri thức đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, đến mọi người dân Việt Nam và cần sự chung sức của các doanh nghiệp thành danh như MISA. Vậy xin ông chia sẻ, MISA đang và sẽ làm gì góp sức cho công cuộc này?
Tính từ ngày đầu thành lập cho đến nay, MISA có hành trình 27 năm không ngừng đổi mới sáng tạo. Chúng tôi đổi mới, sáng tạo trong việc đưa những công nghệ mới nhất vào sản phẩm, nhằm mang lại nhiều tiện ích hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng. Cụ thể, MISA liên tục ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất như AI, Big Data, Cloud, Blockchain… vào các nền tảng số, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới phương thức làm việc và chuyển đổi số thành công. Nhờ vậy mà hơn 250.000 khách hàng là đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, hộ cá thể và hơn 2,5 triệu khách hàng cá nhân đang tin dùng các giải pháp của MISA.
Để có các sản phẩm một cách đổi mới, sáng tạo và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, MISA đã áp dụng phương pháp được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới sử dụng là Design Thinking (Tư duy thiết kế). Design Thinking là quá trình tư duy nhằm tiếp cận và giải quyết vấn đề dựa trên tư duy hình ảnh để hữu hình hóa giải pháp. Cho dù vấn đề đơn giản hay phức tạp, đặc biệt là các vấn đề trừu tượng, khó dự tính trong tương lai, Design Thinking vẫn giúp giải quyết được bằng cách hiểu sâu các vấn đề liên quan đến con người, cách tiếp cận thực tế qua tư duy hình ảnh và các phương thức kiểm tra.
Với triết lý lấy khách hàng làm trung tâm dựa trên sự thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn họ đang phải đối mặt, Design Thinking giúp cho MISA nhanh chóng tìm ra các vấn đề, cải tiến một cách thực tế và mang lại lợi ích thiết thực nhất cho khách hàng.
Mô hình quy trình 5 bước của Design Thinking: thấu hiểu, xác định vấn đề, lên ý tưởng, thiết kế mẫu và thử nghiệm |
Được biết, tháng 4 vừa qua, MISA đã thành lập Viện Đổi mới Doanh nghiệp (MIBI). Trên cương vị Viện trưởng MIBI, xin ông chia sẻ mục tiêu hoạt động của MIBI?
Viện Đổi mới Doanh nghiệp - MISA Institute for Business Innovation (MIBI) được thành lập với mong muốn lan tỏa tri thức đổi mới quản trị doanh nghiệp cho cộng đồng. MIBI chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào tháng 4/2021 là một trong những dấu ấn lớn đối với đội ngũ MISA.
MIBI được thành lập xuất phát từ sự thấu hiểu các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tối ưu hóa hoạt động quản trị và chuyển đổi số doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp lớn thường gặp khó khăn khi vận hành một bộ máy cồng kềnh, không tìm được giải pháp hợp lý, dù tốn kém chi phí đầu tư các nền tảng ERP của nước ngoài, nhưng không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, lại gặp nhiều hạn chế hơn như: eo hẹp ngân sách, thiếu nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm về quản trị, chuyển đổi doanh nghiệp…
Vì vậy, sứ mệnh của MIBI là nghiên cứu thu thập, xây dựng nội dung kiến thức, kỹ năng về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ thực hành tốt nhất trên thế giới, xoay quanh đổi mới quản trị doanh nghiệp để phổ biến cho doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức đào tạo kiến thức kỹ năng về đổi mới quản trị doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động đổi mới, sáng tạo có thể ứng dụng hiệu quả các nền tảng, dịch vụ, phần mềm, trong đó có các giải pháp như của MISA, để có thể chuyển đổi số thành công nhanh chóng và tiết kiệm nguồn lực.
Điều ông mong đợi nhất khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo MIBI là gì, thưa ông?
Điều chúng tôi mong nhất là có thể đồng hành cùng doanh nghiệp Việt đổi mới, tạo ra nhiều giá trị mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua các hoạt động thiết thực của MIBI. Từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
MISA nhận thấy thành lập Viện Đổi mới doanh nghiệp MIBI là cấp thiết trong một thị trường đầy biến động như hiện nay. Đây cũng là dấu mốc và là cơ hội để đội ngũ gần 2.500 nhân sự của MISA nỗ lực hơn nữa để theo đuổi sứ mệnh của Công ty là phụng sự xã hội, là tạo ra các sản phẩm tại Việt Nam, bằng trí tuệ Việt và giải quyết bài toán của người Việt.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn một số kết quả đổi mới, sáng tạo mà Công ty đã tạo nên, được áp dụng vào thực tiễn? Tới đây, thông qua Viện Đổi mới doanh nghiệp, MISA sẽ có những đóng góp, chia sẻ cụ thể gì cho cộng đồng?
Cùng với hành trình nỗ lực đổi mới chính mình, MISA đang và sẽ không ngừng lan tỏa tri thức, văn hóa đổi mới đến cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua nghiên cứu thực tiễn phương thức, công cụ đổi mới sáng tạo thành công của các doanh nghiệp trên thế giới, MISA sẽ đúc kết những tri thức và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất đưa vào các sản phẩm của mình để hàng trăm nghìn khách hàng của MISA có thể sử dụng mang lại hiệu quả.
Về một số kết quả cụ thể, tôi tự hào chia sẻ về MISA AMIS - nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất - đang được hơn 12.000 doanh nghiệp ứng dụng để đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số một cách toàn diện doanh nghiệp, từ tài chính - kế toán, kinh doanh - marketing, nhân sự cho tới điều hành - quản lý chung. MISA AMIS không chỉ liên thông dữ liệu, xuyên suốt tất cả các nghiệp vụ trong doanh nghiệp, mà còn kết nối với hàng trăm đối tác bên ngoài như ngân hàng, thuế, bảo hiểm, giao vận, sàn thương mại điện tử… Nhờ đó, doanh nghiệp chỉ cần giao dịch trên một nền tảng duy nhất, giảm tối đa bước nhập liệu chồng chéo.
Mô hình liên kết chặt chẽ hệ thống trong và ngoài doanh nghiệp thông qua MISA AMIS
Một sản phẩm khác - MISA ASP - nền tảng kế toán dịch vụ đầu tiên tại Việt Nam, cũng là thành quả của quá trình đúc kết và mang tri thức đổi mới, sáng tạo đến với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và cộng đồng đại lý thuế, đơn vị kế toán dịch vụ của MISA. Đây là nền tảng kết nối doanh nghiệp chưa có bộ máy kế toán hoàn chỉnh, có nhu cầu sử dụng dịch vụ từ các đơn vị dịch vụ kế toán/thuê. Một doanh nghiệp ở Hà Giang, Yên Bái cũng dễ dàng tìm và thuê được kế toán dịch vụ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Mọi thông tin, báo cáo được trao đổi trực tiếp trên nền tảng giúp thu hẹp khoảng cách số và quản lý dữ liệu dễ dàng hơn bao giờ hết.
Mô hình kết nối của nền tảng MISA ASP
MISA AMIS và MISA ASP là hai nền tảng “Make in Việt Nam” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, tin tưởng lựa chọn để hợp tác triển khai các hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, trong nhiều năm trở lại đây, MISA đã phối hợp với hàng chục đơn vị, cơ quan chuyên môn để tổ chức các chương trình talkshow, chia sẻ tri thức hữu ích, tư vấn, giải đáp trực tiếp khó khăn của nhiều doanh nghiệp trên hành trình chuyển mình để trụ vững và vươn lên trên thương trường.
Tới đây, MISA sẽ tiếp tục chia sẻ hàng loạt tri thức bằng các tài liệu, sự kiện mà MISA thực hiện thông qua Viện Đổi mới doanh nghiệp. Trong tác nghiệp chuyên môn cũng như tương tác với cộng đồng, xã hội, chúng tôi luôn mong muốn lan tỏa tri thức đổi mới, sáng tạo đến các doanh nghiệp và góp sức vào công cuộc thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp Việt Nam./.
Bình luận