Trong cuộc sống thường xuyên nảy sinh rất nhiều vấn đề cần có bàn tay điều chỉnh của Nhà nước để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, khắc phục những khiếm khuyết vốn có của thị trường. Việc triển khai các chính sách vào cuộc sống có hiệu quả sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn. Qua bài “Tản mạn về Chính sách và Cuộc sống”, tác giả Nguyễn Quang Thái đã đưa ra những giải pháp để chính sách bám rễ vào cuộc sống và thực hiện mang lại hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống,

Sau gần 3 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 01/3/2012 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng) giai đoạn 2011-2015, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn lại kết quả thực hiện Đề án, phân tích các nguyên nhân để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là điều cần thiết, khi mà mốc 31/12/2015 đang không còn xa. Đó là nội dung chính mà tác giả Chu Thị Minh Trí đi sâu phân tích qua bài “Kết quả sơ bộ sau 3 năm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng”.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường, nhiệm vụ đặt ra đối với nền tài chính nước ta ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện và đồng bộ để đảm bảo tính ổn định nguồn thu của ngân sách nhà nước, hạn chế thâm hụt ngân sách và sự gia tăng của nợ công. Bài viết “Tính bền vững tài khóa của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của nhóm tác giả Đô Thị Ngọc Lan, Đỗ Đức Kiên, Trần Thị Lan Anh sẽ cho bạn đọc thấy rõ những điểm thiếu tính bền vững trong ngân sách của nước ta. Đồng thời, nhóm tác giả cũng đưa ra một số đề xuất khắc phục.

Qua 4 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, như: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Trong 3 năm qua (2012-2014) lạm phát được kiềm chế ở mức một con số. Việt Nam liệu có thể chuyển xu hướng từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát hay không và phải làm thế nào? Câu hỏi sẽ được giải đáp qua bài “Xu hướng và chính sách kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát trong thời gian tới” của tác giả Hà Thị Thúy Vân.

“Phát triển tài chính: Khái niệm, đo lường và thực trạng ở Việt Nam” là bài viết của tác giả Chu Minh Hội sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn nội hàm của khái niệm phát triển tài chính và những thước đo phổ biến theo thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá chung mức độ phát triển tài chính ở Việt Nam, đặt trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với xu hướng tự do hóa đầu tư, thương mại và tài chính đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với cả hệ thống ngân hàng. Để tồn tại và phát triển, ngân hàng phải quản lý rủi ro và tìm cách quản trị tín dụng, thanh khoản sao cho thật hiệu quả. Thực hiện điều này như thế nào? Bài viết “Phương pháp quản trị rủi ro tín dụng và thanh khoản ngân hàng” của tác giả Trương Văn Khánh và Trẩm Bích Lộc sẽ phần nào giải đáp khúc mắc.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết với các nội dung phong phú, như: Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA trong tình hình mới; Kinh nghiệm đổi mới nông thôn ở Hàn Quốc; Tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững Vùng Đồng bằng sông Hồng... sẽ đem đến cho bạn đọc thêm các thông tin, kiến thức tham khảo./.