Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các thời điểm công ty phát hành thêm cổ phiếu hay chia cổ tức cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư lớn tìm cách đẩy giá lên để kinh doanh chênh lệch giá. Nguyên nhân là do điều kiện thị trường Việt Nam chưa thực sự minh bạch thông tin. Vì thế, việc nghiên cứu ảnh hưởng qua lại của hoạt động tài chính công ty lên cấu trúc vi mô của thị trường là hết sức cần thiết. Điều đó sẽ được giải đáp phần nào trong bài "Tác động của cấu trúc vi mô thị trường chứng khoán lên các quyết định tài chính của công ty" của tác giả Trần Chung Thủy.

Trong bối cảnh hội nhập tài chính đang gây thách thức không nhỏ đối với các NHTM trong nước, bao gồm cả NHTM niêm yết. Tuy nhiên, sự gia tăng sức ép cạnh tranh sẽ tác động đến ngành ngân hàng như thế nào còn phụ thuộc một phần vào khả năng thích nghi và hiệu quả hoạt động của chính các NHTM niêm yết trong môi trường mới này. Tính hiệu quả trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tồn tại của NHTM niêm yết trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, song các nhân tố nào ảnh hưởng điều đó? Bài viết "Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại niêm yết Việt Nam" của tác giả Trần Quốc Thịnh và Hoàng Yến Nhi sẽ giải đáp phần nào.

Hệ thống điện của nước ta hiện nay chủ yếu sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch là than và dầu khí gây phát thải khí nhà kính lớn, còn các nguồn năng lượng tái tạo, như: thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… mới sử dụng ở một tỷ lệ rất nhỏ, trong khi chúng ta có tiềm năng rất lớn về các nguồn này. Với thực trạng đó, một sự mở rộng hợp lý vai trò của năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng nói chung, hệ thống điện nói riêng, là điều thiết yếu trong mục tiêu phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia. Với bài "Điện từ năng lượng tái tạo vì mục tiêu quốc gia về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh", tác giả Phạm Thị Thanh Mai đã sử dụng mô hình LEAP để tính toán, nghiên cứu xây dựng các kịch bản và phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo đến năm 2030 phù hợp với mục tiêu quốc gia về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Giảm phát thải khí nhà kính đang được nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam - một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - hết sức quan tâm. Để xem xét khả năng giảm phát thải khí nhà kính ở các ngành tương ứng, cần thiết phải có một công cụ định lượng để xác định các biện pháp giảm phát nào sẽ có ý nghĩa về mặt lượng phát thải, cũng như có chi phí giảm phát thải ít nhất. Tác giả Nguyễn Hoàng Lan và Trần Văn Bình với bài "Xây dựng mô hình phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong ngành năng lượng và lâm nghiệp" đã đề xuất một mô hình kết hợp mới trong tính toán phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong ngành năng lượng và lâm nghiệp để có thể áp dụng vào điều kiện Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Tiết kiệm điện luôn là vấn đề thiết thực không chỉ đối với mỗi quốc gia, mỗi địa phương mà trong mỗi gia đình càng trở nên quan trọng. Tiết kiệm điện vừa có tác dụng giảm chi phí, đồng thời góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong điều kiện nguồn năng lượng chỉ có hạn. Qua bài "Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng điện tiết kiệm của người dân tại TP. Hồ Chí Minh", tác giả Trương Đức Nga đã đưa ra một số khuyến nghị để vận động người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Cùng với các bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau như về hành vi tiêu dùng, chất lượng dịch vụ y tế, lao động... sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích với bạn đọc./.