Nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt

Tại hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, sau 5 năm, số lượng các bộ, ngành tham gia tăng đều. Đến năm 2018, hầu hết các bộ đã vào cuộc.

“Nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt so với trước, từ phương pháp hoàn toàn mới lấy đánh giá của Ngân hàng Thế giới để áp dụng chứ không tự đánh giá; mục tiêu cụ thể, đo lường được, giám sát được. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các bộ ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động”, ông Cung nhấn mạnh.

Các Nghị quyết đặt mục tiêu cao nhưng khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục.

Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) báo cáo tại Hội thảo

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), từ năm 2014, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2014 chúng ta xếp hạng thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68 và 2018 là 69. Trong đó, hiệu quả logistics được cải thiện nhiều nhất trong thập niên vừa qua, từ xếp hạng 53 năm 2007 lên 39 năm 2018. Đăng ký sở hữu tài sản năm 2018 lần đầu tiên có cải thiện sau 5 năm; giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có sự cải thiện nhờ việc công khai các bản án.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019.

Cụ thể, chỉ số này đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, như vậy tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017. Nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018 thì có 2 cải cách thuộc Chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, gồm: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, thực hiện trong 25,9 ngày.

Tuy nhiên, chưa đạt mục tiêu đề ra

Mặc dù đánh giá rất tích cực về những chuyển biến do Nghị quyết số 19 mang lại, song TS. Nguyễn Đình Cung vẫn thể hiện sự lo lắng, bởi kết quả đạt được vẫn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt trung bình ASEAN 4.

Theo ông Cung, hiện nay, kết quả đạt được không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, các bộ ngành, địa phương.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, kết quả đánh giá của WB cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam không xấu hơn trước, nhưng tiến bộ chưa được như kỳ vọng...

Về cải cách điều kiện kinh doanh, bà Thảo cho rằng, thời gian qua đã có 15 Nghị định được ban hành. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm.

Trong Doing Business 2019, Việt Nam có tới 6 chỉ số bị tụt hạng. Tụt mạnh nhất là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giảm tới 45 bậc; chỉ số xuất nhập khẩu giảm 6 bậc; giải quyết phá sản giảm 4 bậc; cấp phép xây dựng tụt 1 bậc...

Lý giải về việc tụt hạng năm nay của chỉ số thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách thuế, Tổng cục Thuế cho biết còn nhiều cải cách của Việt Nam chưa được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận. Cụ thể: thời gian nộp thuế là 351 giờ, tuy nhiên khi phân tích cho thấy trong đó có đến 334 giờ là dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thực tế, thời gian nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ/năm. Đây là mức rất thấp so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, một loạt chính sách thuế không được WB cập nhật trong báo cáo năm nay như: bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế VAT (đã được bỏ từ tháng 11/2014). Trong khi đó, báo cáo WB đánh giá thời gian để DN lập bảng kê hóa đơn mất 90 giờ...

Còn theo ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tư vấn thuế, vẫn còn nhiều quy định chồng chéo hay chính sách thuế thay đổi quá thường xuyên, quá nhiều, đến mức “ngay cả những người có chuyên môn cũng khó tra cứu và nắm bắt thông tin”.

Cần nỗ lực hơn nữa

“Mình tụt hậu không phải do không có cải cách mà cải cách của các nước tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Các nước xung quanh cũng quyết tâm mà chúng ta chỉ quyết tâm như những năm trước thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Quyết tâm của chúng ta phải gấp 3, 4, 5 lần so với trước, khi đó mới đạt được mục tiêu”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cho rằng, thời gian qua, bộ ngành đã bị áp lực trong thực hiện Nghị quyết 19, nay nếu cải thiện vượt trội để vượt qua các nước khác sẽ là thách thức không hề nhỏ.

Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nhiều lần những gì đang làm, cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

“Duy trì nỗ lực đã khó, đòi hỏi nỗ lực ấy gấp nhiều lần càng khó hơn. Nhưng tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cần thấy rằng đây là cơ hội không cải cách lần này thì cơ hội cải cách mất đi, chi phí làm lại sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều bởi thời gian làm lại rất dài và lợi ích sẽ giảm dần”, Phó Viện trưởng CIEM nhận định.

Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay. Bộ Tài chính cần bảo đảm chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành.

Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh.

“Về lâu dài, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục Đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh, việc liên thông điện tử này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường”, bà Trần Thị Hồng Minh nói.

Bà Hoàng Thị Lan Anh cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về chính sách và Luật Quản lý thuế, thực hiện thuế dựa trên rủi ro.

“Cần sửa đổi chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; đồng thời, mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cho các đối tượng khác; triển khai thực hiện dịch vụ hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực”, bà Lan Anh nói.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế cho rằng, cần hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế; phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…/.