Sáng 20/1/2021, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Vệt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do đại dịch COVID-19

Năm 2020, nông nghiệp giữ vai trò “tấm nệm”, hỗ trợ duy trì tăng trưởng

Tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do đại dịch COVID-19 đã gây ra. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm năm 2020 và cho đến nay nhiều nước vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với dịch bệnh. Có thể nói, đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2009.

“Trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc”, Thứ trưởng lưu ý.

Như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi COVID-19. Tăng trưởng GDP năm 2020 giảm còn 2,91% so với con số 6,5-7% được dự báo trước COVID-19. Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành.

Dẫn chứng hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9/2020) đều cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực, Thứ trưởng Phương khẳng định, các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại.

Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang bị tác động mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp từ rất sớm,

“Mặc dù vậy, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, COVID-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

“Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nêu rõ hơn về bức tranh kinh tế 2020, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF chỉ rõ, kinh tế Việt Nam 2020 chịu cú sốc mạnh từ hai phía cung và cầu. Tăng trưởng GDP năm 2020 giảm còn 2,91% so với con số 6,5-7% được dự báo trước COVID-19. Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành.

“Dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu tốt nhờ đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì các hoạt động kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Tăng trưởng dương trong khi hầu hết các chỉ số kinh tế, tài chính vĩ mô được kiểm soát khá tốt”, ông Đức Anh đưa nhận định.

Do COVID-19, nhiều ngành kinh tế bị tác động tiêu cực. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tốc độ tăng trưởng giảm sâu còn 2,34%. Du lịch (với các dịch vụ đi kèm như dịch vụ lưu trú và ăn uống) và vận tải, kho bãi (đặc biệt là ngành hàng không) là các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc và phong tỏa đường biên tại nhiều quốc gia.

Công nghiệp – xây dựng tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm. Nhóm chế biến, chế tạo giảm mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng và suy giảm của cầu thị trường. Các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất xe có động cơ.

Trong gian khó, một lần nữa ngành nông nghiệp lại trở thành cứu cánh của nền kinh tế, mức tăng trưởng khá (đạt 2,68%), thậm chí cao hơn năm 2019 (2,01%).

Nông nghiệp “giữ vai trò “tấm nệm”, hỗ trợ duy trì tăng trưởng (đóng góp khoảng 13,5% trong tăng trưởng năm 2020 so với 5-6% trong giai đoạn 2015-2019)”, ông Đức Anh dẫn chứng.

Một số ngành khác cũng vững vàng trước dịch bệnh, duy trì được tăng trưởng khá như hóa chất, dược phẩm, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học. Bên cạnh đó, thương mại điện tử, dịch vụ số và một số ngành, lĩnh vực có liên quan cho thấy tiềm năng phát triển trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc.

Từ phía cầu, tăng trưởng kinh tế được giữ bởi đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để cân bằng lại nguồn lực bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tính toán cho thấy việc thúc đẩy đầu tư công năm 2020 có thể hỗ trợ GDP tăng thêm 0,45% so với kịch bản cơ sở. Tính toán của NCIF, mức tăng đầu tư công 7% - tương đương mức của năm 2019 được lấy làm giả định của kịch bản cơ sở.

Đầu tư tư nhân, gắn liền với hoạt động của các doanh nghiệp, giảm thấp đáng kể, chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, so với mức tăng 17,3 năm 2019, 18,5% năm 2018 và và 16,5% năm 2017. Số doanh nghiệp ở trạng thái không thể mở rộng đầu tư tăng cao.

FDI vào Việt Nam cũng giảm song chậm hơn so với mức chung toàn cầu và khu vực. Có sự dịch chuyển vốn FDI trong các ngành, đặc biệt là từ các ngành chế biến, chế tạo sang các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt.

“Trong bối cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, COVID-19 là chất xúc tác thúc đẩy quá trình dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam diễn ra nhanh hơn. Việc tăng nhanh năng lực sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ của một số mặt hàng một phần cho thấy xu hướng này”, ông Đức Anh phân tích.

Một yếu tố khác hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo ông Đức Anh là do thói quen tiết kiệm và cơ cấu tiêu dùng của người Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại

Thay mặt nhóm nghiên cứu của NCIF, TS. Nguyễn Đức Anh cho biết, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với 2 kịch bản chủ yếu:

Kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế.

Theo ông Đức Anh, ở kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3-3,5%; kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%. Giá dầu giữ ở mức thấp, tương ứng năm 2020 là 45 USD/thùng. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Kịch bản khả quan: Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 3,5%. Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%. Các yếu tố khác không đổi so với kịch bản cơ sở.

Ông Đặng Đức Anh cũng nhấn mạnh rằng, những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn sau thời gian đại dịch COVID-19.

Về các giải pháp ngắn hạn, TS. Đặng Đức Anh cho rằng trong năm 2021 Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, như: giảm chi phí sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường.

Cụ thể, để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, ông Đức Anh cho rằng, nên thực hiện sớm chính sách miễn, giảm các loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuất khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi…

Về thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường, ông Đức Anh chỉ rõ, cần tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm các công trình giao thông có quy mô lớn; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh…./.