Nhiều lo ngại

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 24/06/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015. Với tốc độ tăng này, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 sẽ đạt 20%. Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2015 mặc dù tín dụng chỉ tăng hơn 6,3%, nhưng cả năm 2015 vẫn đạt tới 18%.

Điều làm các chuyên gia lo ngại là trong bối cảnh hiện nay, việc nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh vốn ra nền kinh tế có thể “kích” lạm phát tăng cao trở lại. Tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 14/07/2016, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, về lý thuyết, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, mà lại còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Vì nếu kinh tế bất trắc, luồng tiền khi đó có thể lại đổ vào thị trường tài sản, như: chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ…, chứ không đổ vào sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam" do World Bank công bố ngày 19/07/2016, WB cũng dự báo triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam được đánh giá là tích cực nhưng vẫn chịu nhiều tác động và rủi ro bất lợi. Năm 2016, GDP dự báo sẽ tăng khoảng 6,0% với mức lạm phát cao hơn năm ngoái (dự báo lạm phát cả năm 2016 là 4,0%) và cán cân thanh toán vãng lai sẽ thặng dư ở mức tối thiểu (0,1%).

Từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng

Còn tại Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2016 tổ chức ngày 07/07/2016, các chuyên gia kinh tế nhận định, không loại trừ lạm phát năm 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ. Bởi, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, như: việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương cơ bản, độ trễ của tăng cung tiền, áp lực tỷ giá...

Theo đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng qua đã hơn 80.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng lạm phát. Giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi, ngay cả sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung gây thiệt hại về kinh tế…cũng là những yếu tố tác động đến chỉ số giá từ nay đến cuối năm.

Cùng quan điểm này, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, khó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% nếu tính so với tháng 12/2015.

"Dự báo 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm (ở mức từ 2,7-3%) do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, giá dầu thô có thể đạt 60 USD, giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình. Khả năng tăng trường tín dụng 2016 hơn 20%, đổ vào khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản đẩy giá lên cao. Do đó, dự báo CPI cả năm 2016 sẽ ở mức 5%-5,5%", TS. Phương cho hay.

Cẩn trọng trong điều hành

Liên quan đến vấn đề tín dụng, dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trên Báo Đầu tư điện tử khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Như vậy, với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, khả năng chính sách tiền tệ thời gian tới vẫn sẽ giữ ở mức độ ổn định, có dư địa cần thiết để đối phó với lạm phát.

Còn theo khuyến cáo của TS. Nguyễn Đức Thành thì, Chính phủ nên thắt chặt bớt chính sách tiền tệ và tài khóa để tránh gây áp lực lên lạm phát, từ đó tạo mầm mống bất ổn.

Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra, các chuyên gia tại Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2016 cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách; kiểm soát chặt bội chi ngân sách nhà nước. Đồng thời điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, khuyến cáo: "Kiểm soát lạm phát dưới 5% như mục tiêu đặt ra thì phụ thuộc vào điều hành giá dịch vụ giáo dục và y tế từ nay đến cuối năm. Trường hợp có những biến động về địa chính trị, biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá, thì Chính phủ cần lưu ý thị trường tiền tệ, ổn định được thị trường tiền tệ sẽ hạn chế được vấn đề tăng giá. Ngoài ra, bội chi chắc chắn phải kiểm soát vì đang ở mức rất cao rồi, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải giảm bội chi ngân sách nhà nước".

Trong khi đó, tại Họp báo công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê vào ngày 24/06/206, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê gia, Tổng cục Thống kê, thì CPI 6 tháng cuối năm sẽ không phải không có áp lực. Bởi, theo kế hoạch, giá y tế, giáo dục và xăng dầu sẽ tăng trở lại trong các tháng cuối năm.

Vì vậy, theo đại diện Tổng cục Thống kê, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baodautu.vn/noi-tin-dung-se-cham-ngoi-lam-phat-d48698.html

http://vov.vn/kinh-te/wb-tiep-tuc-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-con-60-nam-2016-531933.vov