Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm

Phân tích về những khó khăn, thách thức đối với thị trường trong nước các tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương dự báo, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Hơn nữa, cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn; căng thẳng chính trị, xung đột Nga - Ucraina tiếp tục kéo dài, đặc biệt là xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu.

Ngoài ra, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, trong thời gian tới cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro về cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác...

Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Trong khi đó, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.

Các nước phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ, để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Gia tăng mặt bằng giá cả trong nước

Trong khi đó, ở trong nước, chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó. Việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 vừa thúc đẩy cầu của nền kinh tế, nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước.

Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ ngày càng rõ nét
Chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó

Công tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng, do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường

Bộ Công Thương đề xuất, từ nay đến cuối năm, để phát triển thị trường trong nước, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Ngoài ra, triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa…, để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho họ.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành Giá./.