Sáng 16/11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển kinh tế thế giới (UNU-WINDER) tổ chức tọa đàm công bố ma trận hạch toán xã hội năm 2012 và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

Ma trận hạch toán xã hội là hạt nhân phân tích “sức khỏe” nền kinh tế của mỗi quốc gia

Ứng dụng SAM hữu ích cho gợi ý chính sách kinh tế - xã hội

Theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM, ma trận hạch toán xã hội (SAM) là nghiên cứu quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhằm nhận định, đánh giá thực trạng, những tồn tại cùng giải pháp, khuyến nghị cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nghiên cứu đã chỉ ra những thuộc tính, thực tế hoạt động của một số ngành/lĩnh vực cụ thể và đóng góp vào nền kinh tế. Thông qua các số liệu và nhận định, các cơ quan chức năng cũng có thể nhận được sự gợi ý, tìm kiếm định hướng chính sách để đáp ứng cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững kết hợp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Ma trận hạch toán xã hội (SAM) chính là bộ số liệu mô tả các luồng chu chuyển của sản phẩm và tiền tệ, phản ánh quá trình phân phối lần đầu và phân phối lại theo ngành và theo khu vực thể chế của toàn bộ nền kinh tế trong một năm nhất định. Việc xây dựng bộ số liệu SAM sẽ cung cấp bức tranh tổng thể về nền kinh tế, cho thấy những đặc điểm của nền kinh tế trong một thời điểm nhất định. Bên cạnh đó, SAM còn là số liệu đầu vào của một số mô hình như mô hình số nhân, mô hình cân bằng tổng thể nhằm phân tích và đưa ra những khuyến nghị về chính sách.

TS. Đặng Thị Thu Hoài (CIEM) lý giải thêm, thời gian qua, Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ từ khi tham gia hội nhập quốc tế. Dù tăng cường thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu từ năm 2011, nhưng kết quả giai đoạn 2011-2015 chưa mấy khả quan vì cứ 10 năm thì tăng trưởng của Việt Nam lại giảm 1%.

Qua phân tích, một số chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, giá trị gia tăng/giá trị sản xuất hàng hóa trong những năm gần đây đã có sự sụt giảm, từ 41,4% (năm 2000) xuống còn 32,7% (năm 2012). Tổng thặng dư/giá trị gia tăng cũng giảm mạnh, từ 45% (năm 2000) xuống 34,3% (năm 2012), trong khi chi phí lao động/giá trị gia tăng lại tăng từ 55% lên 65,7%. Điều này cho thấy lao động không còn là yếu tố tạo ra giá trị cho hàng hóa. Đồng thời, nhập khẩu/tổng cung cũng nhích từ 19,4% lên 19,8%, phản ánh “độ mở” của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, xét về tỷ trọng theo ngành thì xuất nhập khẩu có sự thay đổi đáng kể, xuất khẩu của ngành điện tử có sự thay đổi rõ rệt, tuy nhiên cũng có sự gia tăng tương ứng nhập khẩu. Đối với ngành nông nghiệp, năm 2000 nhập khẩu chỉ là 1,5%, đến năm 2012 lên tới 8,3%. Chi tiêu hộ gia đình cho nhóm hàng hóa phi thực phẩm cũng gia tăng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.Chẳng hạn, biểu hiện rõ là sự sụt giảm GDP và việc làm của ngành nông nghiệp trong khi ngành công nghiệp chế biến tăng lên. Nhưng ngành chế biến nông sản và dệt may có sự gia tăng mạnh về việc làm nhưng tỷ trọng GDP của ngành chế biến nông sản lại giảm. Ngành thép cũng có sự gia tăng đáng kể trong đóng góp vào GDP nhưng tạo việc làm không đáng kể.

Số liệu cho thấy tăng tỷ trọng chi phí lao động và giảm tỷ trọng thặng dư có nghĩa là tăng trưởng theo hướng gia tăng số lượng lao động và mở rộng vốn sẽ đem lại tốc độ tăng trưởng giảm dần. Tăng trưởng có đóng góp lớn từ định hướng xuất khẩu.

Qua phân tích của SAM cũng chỉ ra thực tế về sự liên kết giữa các ngành trong nền kinh tế. Chẳng hạn, ngành chế biến thực phẩm, nông nghiệp có sự gia tăng đáng kể về hệ số nhân liên kết ngược. Nhưng tăng trưởng của ngành dệt may lại không có tác động lan tỏa nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Ngành điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng lại không có nhiều mối liên kết với các ngành khác của nền kinh tế. Nguyên nhân của thực tế ngành điện tử được chỉ ra là do vấn đề chính sách, và sự kém phát triển của ngành công nghệ thông tin trong nước nên đòi hỏi phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ nước ngoài. Riêng ngành chế biến thực phẩm và hóa chất có sự tác động lan tỏa tới nền kinh tế rất lớn. Lợi thế này được đánh giá là có thể trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

“Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành du lịch tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, ngành du lịch hiện tại đang khó khăn trong công tác thống kê, do đặc thù của ngành là khó tính toán vì đan xen với các ngành khác. Thông thường, khách du lịch đến nước ta ngoài nhu cầu về lưu trú, ăn uống thì còn sử dụng các dịch vụ khác, như: y tế, bảo hiểm, giặt là.. Do đó, việc lưu trú sẽ tác động đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và tác động đến xây dựng. Hy vọng, ma trận hạch toán xã hội sẽ góp phần thống kê số liệu đầy đủ hơn, chính xác hơn để thấy được sự đóng góp của ngành du lịch đối với nền kinh tế nước nhà”- TS. Đỗ Cầm Thơ (Tổng cục Du lịch Việt Nam).

Số liệu từ SAM cũng cho thấy tác động của tăng trưởng kinh tế đối với thu nhập hộ gia đình nông thôn là cao hơn so với khu vực thành thị, phản ánh tương đối rõ thành tích của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân ở nông thôn.

Đáng chú ý là sự thay đổi giữa 2000 và 2012 là tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế đối với hộ nông thôn không còn nhiều như trước, tuy nhiên, có một số ngành có sự gia tăng là thương mại, xây dựng và dệt may.

Bên cạnh đó, thu nhập tăng, chi tiêu hộ gia tăng theo kéo theo tăng trưởng của 1 số ngành công nghiệp. Duy chỉ có ngành thực phẩm lại giảm so với năm 2000.

Cần kiên trì mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, nền kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chẳng hạn những ngành như du lịch, chế biến nông sản thực phẩm có tiềm năng tốt có thể thúc đẩy phát triển. Theo đó, hai ngành này cần chú trọng gia tăng đầu tư về công nghệ cũng như nguồn nhân lực để tăng thêm giá trị gia tăng trong sản phẩm, hướng tới lợi nhuận cao hơn trong tương lai. Đây cũng là phương thức hướng tới tăng trưởng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành hệ thống chế biến nông sản, thực phẩm với khoảng 6.000 doanh nghiệp tham gia và duy trì đà tăng trưởng 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này trong năm 2013 đạt hơn 8 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2005, thu hút 1,5 triệu lao động tham gia.

Tuy nhiên, qua phân tích của SAM cũng cho gợi ý rằng, ngành du lịch cần khai thác tốt, hợp lý tiềm năng thiên nhiên kết hợp với tinh thần sáng tạo, nâng cao chất lượng phục vụ; hướng tới mục đích gia tăng nguồn thu và khẳng định được vai trò của ngành dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ.

Nhìn bao quát toàn bộ nền kinh tế, thì nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần có những nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc để tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp đối với doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, tránh tình trạng dàn trải, manh mún. Cần tiếp tục tập trung thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và khắc phục tồn tại là tốc độ chuyển đổi diễn ra chậm trong những năm qua. Quá trình phát triển kinh tế cần bám sát, dựa vào những trụ cột mới, hợp lý là năng suất, chất lượng và hiệu quả để bứt phá và hình thành nền tảng sản xuất trên cơ sở công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời có giá trị gia tăng cao.

GS. Finn Tarp, đại diện Đại học Liên hợp quốc đánh giá, hiện tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch, thay đổi mô hình tăng trưởng nên từ đó xác định rõ những chủ trương, chính sách phù hợp trong bối cảnh hội nhập toàn diện vào đời sống kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần tìm cách thức tiếp cận mới, phù hợp và có giá trị thiết thực để đáp ứng yêu cầu phát triển theo định hướng nhanh, hiện đại./.