Phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp nhựa niêm yết ở Việt Nam trong bối cảnh thực thi quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)
Phạm Thị Thùy Vân
Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Email: pttvan@uneti.edu.vn
Tóm tắt
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về EPR (Extended Producer Responsibility) – trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024, theo đó, quy định trách nhiệm bắt buộc việc tái chế lượng rác từ sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất thay vì chỉ theo tinh thần tự nguyện. Nội dung của bài viết sẽ tập trung phân tích đặc điểm của các doanh nghiệp nhựa niêm yết tại Việt Nam và quy định EPR, từ đó, đề xuất các chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp này trong bối cảnh EPR có hiệu lực.
Từ khóa: doanh nghiệp nhựa niêm yết, phân tích, hiệu quả kinh doanh, EPR
Summary
According to the Environmental Protection Law of 2020, regulations on EPR (Extended Producer Responsibility) officially take effect from the beginning of 2024, accordingly, stipulating mandatory responsibility for recycling waste from products of manufacturing enterprises instead of voluntary. The content of the article focuses on analyzing the characteristics of listed plastic enterprises in Vietnam and EPR regulations, thereby proposing indicators to analyze business performance at these enterprises in the context that EPR takes effect.
Keywords: listed plastic enterprises, analysis, business performance, EPR
ĐẶT VẤN ĐỀ
Phân tích hiệu quả kinh doanh (HQKD) trong doanh nghiệp là một hoạt động cần thiết bởi nó cho phép thu thập, xử lý các thông tin kế toán và các thông tin khác trong quản lý nhằm đánh giá HQKD của doanh nghiệp. Ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới HQKD trên khía cạnh kinh tế, mà còn cả về mặt xã hội với mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, phân tích HQKD trong doanh nghiệp cũng góp phần đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội, giúp cho các nhà quản trị đưa ra các quyết định quản lý phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp mình.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, từ 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp (Mạnh Hùng, 2022). Nguyên nhân chính là do chế tài xử lý về việc vi phạm quy định về tái chế rác thải sản phẩm hầu hết mới dừng lại ở tinh thần tự nguyện của các công ty. Khi quy định EPR – trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất có hiệu lực từ thời điểm 01/01/2024, đây sẽ được xem là một văn bản pháp quy chính thống về việc xử lý rác thải sản phẩm. Ngành nhựa với đặc thù có lượng rác thải vô cùng lớn, việc xử lý rác thải sản phẩm sẽ tốn kém chi phí lớn, tuy nhiên, rác thải từ sản phẩm nhựa cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất của các doanh nghiệp nhựa. Do đó, việc thực thi EPR sẽ có tác động rất lớn tới các doanh nghiệp nhựa ở Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhựa niêm yết. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và các doanh nghiệp nhựa niêm yết nói riêng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là năng lực quản trị, quan tâm đến mục tiêu xử lý rác thải sản phẩm của ngành nhằm tạo ra giá trị ra tăng cho ngành và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế cũng như mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, việc phân tích HQKD cũng cần có những chỉ tiêu phản ánh những thông tin về thực thi EPR, để giúp các nhà quản trị của các doanh nghiệp nhựa nói chung và các doanh nghiệp nhựa niêm yết nói riêng có những định hướng phát triển trong dài hạn cho doanh nghiệp, cũng như có những thông tin thực tế để báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực thi EPR. Thông tin từ hoạt động phân tích HQKD sẽ giúp các nhà quản trị có căn cứ để đánh giá và đưa ra những quyết định phù hợp. Do đó, việc nghiên cứu về phân tích HQKD tại các doanh nghiệp nhựa niêm yết ở Việt Nam trong bối cảnh EPR có hiệu lực là vô cùng cần thiết.
TỔNG QUAN VỀ EPR
Tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được tiếp cận trên góc độ chính sách môi trường, theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý, như: phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm: tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, EPR cho thấy, trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở trách nhiệm đối với sản phẩm, mà còn mở rộng tới quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý, thay vì là việc của Chính phủ như trước đây. Cơ chế hoạt động của EPR được thể hiện ở Hình.
Nguồn: Nguyễn Thi, 2024 |
Trong cơ chế này, Tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất hay đơn vị tái chế là trung tâm của hệ thống. Tổ chức này thay mặt nhà sản xuất để tổ chức việc thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến trách nhiệm tái chế, như: đăng ký, báo cáo kết quả tái chế, thực hiện việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn…
THỰC TRẠNG VÀ ĐẶC ĐIỂM NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỰA NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM
Nếu so sánh với những ngành công nghiệp khác ở Việt Nam, như: may mặc, cơ khí, điện tử…, thì nhựa là một trong những ngành công nghiệp mới đang có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10%-12% mỗi năm. Doanh thu ngành năm 2022 cũng đã đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021 (Ngọc Hải, 2023). Với tốc độ phát triển nhanh, ngành nhựa đang được coi là một ngành kinh tế triển vọng, các sản phẩm từ nhựa phục vụ cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau, như: điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp... Tuy nhiên, ngành nhựa của nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: không chủ động được nguồn nguyên liệu và các hóa chất đầu vào, sản phẩm chất lượng còn chưa cao, sự cạnh tranh khốc liệt của những quốc gia có ngành nhựa phát triển. Đồng thời, rác thải từ các sản phẩm nhựa đang là một vấn đề nhức nhối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong nền kinh tế hội nhập, với việc Việt Nam gia nhập hàng loạt các tổ chức thương mại, tổ chức kinh tế trong khu vực và trên thế giới, cũng như ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã giúp các doanh nghiệp nhựa tăng trưởng và phát triển mạnh. Ngoài ra, việc tham gia vào thị trường chứng khoán để thu hút và huy động vốn đầu tư, mở rộng sản xuất và khẳng định giá trị đang được nhiều doanh nghiệp nhựa hướng tới. Hiện nay, có tổng cộng 21 doanh nghiệp nhựa niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) (Bảng).
Bảng: Danh sách các doanh nghiệp nhựa niêm yết
TT | Tên doanh nghiệp | TT | Tên doanh nghiệp |
1 | Công ty Cổ phần (CP) Nhựa An Phát Xanh | 12 | Công ty CP VICEM bao bì Bút Sơn |
2 | Công ty CP Nhựa Bình Minh | 13 | Công ty CP VICEM bao bì Bỉm Sơn |
3 | Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á | 14 | Công ty CP VICEM bao bì Hải Phòng |
4 | Công ty CP Kỹ nghệ Thành Đô | 15 | Công ty CP bao bì và In Nông nghiệp |
5 | Công ty CP An Tiến Industries | 16 | Công ty CP Nhựa Thiến niên Tiền Phong |
6 | Công ty CP In và Bao bì Mỹ Châu | 17 | Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam |
7 | Công ty CP Rạng Đông Holding | 18 | Công ty CP Bao bì Đạm Phú Mỹ |
8 | Công ty CP Bao bì Biên Hòa | 19 | Công ty CP Nhựa Tân Phú |
9 | Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng | 20 | Công ty CP Nhựa Bao bì Vinh |
10 | Công ty CP Nhựa Đồng Nai | 21 | Công ty CP Cáp - Nhựa Vĩnh Khánh |
11 | Công ty CP Nhựa Đà Nẵng |
|
|
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Các doanh nghiệp nhựa niêm yết ở Việt Nam nhìn chung có đặc điểm ngành nghề kinh doanh như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhựa niêm yết hiện nay đều sản xuất các sản phẩm nhựa và chế phẩm nhựa đa dạng và được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tiêu dùng, sản phẩm từ nhựa được sử dụng làm bao bì đóng gói các loại, các vật dụng bằng nhựa dùng trong gia đình, văn phòng phẩm, đồ chơi… Trong các ngành kinh tế khác, các sản phẩm từ nhựa cũng được sử dụng ngày càng phổ biến; đặc biệt, trong một số ngành, như: xây dựng, điện - điện tử…, nhựa còn trở thành nguyên liệu thay thế cho các nguyên liệu truyền thống. Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa dùng một lần, như: túi nilon, cốc nhựa…, còn chiếm tỷ lệ lớn trong các sản phẩm của những doanh nghiệp này, do đó, cũng tương tự như các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung, sản phẩm của các doanh nghiệp nhựa niêm yết vẫn góp phần làm cho lượng rác thải nhựa ở nước ta hiện này tăng lên rất nhiều.
Thứ hai, cũng như các doanh nghiệp nhựa ở Việt Nam, doanh nghiệp nhựa niêm yết hầu như không chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Hiện nay, mỗi năm, ngành nhựa cần nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, như: PE, PP, PS..., chưa kể hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác nhau. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất của ngành bị phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu và các bán sản phẩm từ nước ngoài. Thêm vào đó, hiện nay, các doanh nghiệp nhựa niêm yết cũng nhập khẩu hàng triệu tấn nhựa tái chế từ nước ngoài về để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết đối với các doanh nghiệp nhựa là cần có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Thứ ba, quy trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp nhựa niêm yết có mức độ áp dụng khoa học công nghệ chưa hiện đại, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt số lượng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, 60% máy móc sản xuất là máy móc cũ nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, cũng như giá thành sản phẩm niêm yết, từ đó, tác động tới HQKD. Do vậy, vấn đề tiếp theo đặt ra hiện nay đối với các doanh nghiệp nhựa niêm yết là cần quan tâm và đầu tư cho việc xử lý rác thải nhựa sử dụng một lần.
Đồng thời, các sản phẩm từ nhựa và bao bì của các doanh nghiệp nhựa niêm yết, cũng như các doanh nghiệp nhựa nói chung ở Việt Nam chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Vì vậy, để có thể tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp nhựa niêm yết đang phải đối mặt với bài toán chuyển đối quá trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu này.
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÂN TÍCH HQKD TẠI CÁC DOANH NGHIỆP NHỰA NIÊM YẾT
Đặc điểm ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa niêm yết ở Việt Nam có ảnh hưởng lớn tới việc phân tích HQKD. Do đó, khi phân tích HQKD các doanh nghiệp nhựa niêm yết, sẽ liên quan đến việc phân tích các chỉ tiêu về mặt kinh tế và mặt xã hội. Trên khía cạnh kinh tế, cần chú trọng đến hiệu quả sử dụng chi phí, vì yếu tố nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp nhựa niêm yết còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trên khía cạnh xã hội, cần phân tích các chỉ tiêu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là mức độ đầu tư xử lý chất thải, trong đó, chú trọng tới tiêu chí có biện pháp thu gom và tái chế rác thải nhựa trong nước theo bộ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu - GRS và theo quy định của EPR, thay vì nhập khẩu nhựa tái chế ở nước ngoài về sản xuất.
Để tiến hành đánh giá thực trạng phân tích HQKD tại các doanh nghiệp nhựa niêm yết ở Việt Nam, tác giả đã tiến hành thu thập, tổng hợp dữ liệu từ các báo cáo phân tích, báo cáo quản trị và báo cáo thường niên của các doanh nghiệp này trong các năm từ năm 2023. Kết quả tổng hợp từ dữ liệu của các báo cáo trên của các doanh nghiệp nhựa niêm yết cho thấy, trong tổng số 21 doanh nghiệp mà tác giả thực hiện nghiên cứu và tổng hợp, thì có tới 100% các doanh nghiệp đều tiến hành phân tích HQKD nhằm phục vụ quản trị doanh nghiệp trên khía cạnh kinh tế với các chỉ số tài chính cơ bản, bao gồm các chỉ số về: tình hình tăng trưởng, cơ cấu tài sản, chi phí, nguồn vốn, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời.
Bên cạnh đó, có 3/21 doanh nghiệp không có các thông tin về các chỉ tiêu HQKD trên khía cạnh xã hội với mục tiêu phát triển bền vững (PTBV), chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, bao gồm: Công ty CP Nhựa Đà Nẵng, Công ty CP Vicem Bao Bì Bỉm Sơn, Công ty CP Vicem Bao Bì Hải Phòng. Còn lại, 18 doanh nghiệp có các chỉ tiêu và thông tin về HQKD trên khía cạnh xã hội và PTBV, nhưng cũng chưa đầy đủ. Cụ thể, theo kết quả tổng hợp của tác giả từ Báo cáo thường niên của các doanh nghiệp nhựa niêm yết năm 2023, số lượng doanh nghiệp thực hiện các báo cáo phân tích như sau: Báo cáo thống kê về mức độ đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN) có 18 doanh nghiệp; Báo cáo thống kê và thu thập dữ liệu về chỉ số về mức độ đầu tư cho hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động có 12 doanh nghiệp; Báo cáo thống kê các chỉ số về phân tích mức độ đầu tư cho xử lý chất thải, đầu tư cho thu gom và tái chế rác thải nhựa có 10 doanh nghiệp. Đáng chú ý, các chỉ số về mức tiết kiệm năng lượng (điện, nước) cũng được 10 doanh nghiệp này đưa ra dữ liệu, nhưng các dữ liệu mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin.
TÁC ĐỘNG TỪ VIỆC THỰC THI EPR TỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHỰA NIÊM YẾT
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa vào quy định về EPR và chính thức có hiệu lực ở nước ta từ đầu năm 2024. Theo đó, việc tái chế lượng rác từ sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất thay vì chỉ theo tinh thần tự nguyện như trước đây, thì bây giờ sẽ là trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất. Như vậy, có thể thấy, khi doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện EPR, thì sẽ tăng trách nhiệm tái chế với sản phẩm, nhờ đó, ngày càng nhiều phụ phẩm được thu gom mang đi tái chế, góp phần tạo ra giá trị kinh tế mới.
Tại Việt Nam, ERP đã được quy định tại Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường và được quy định chi tiết thi hành tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ về việc quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 01/01/2024. Nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.
Do đặc thù của ngành nhựa là có lượng chất thải từ sản phẩm ra môi trường rất lớn, nên việc thực thi EPR được đánh giá là sẽ có tác động lớn tới HQKD các doanh nghiệp nhựa nói chung và doanh nghiệp nhựa niêm yết nói riêng. Nó đòi hỏi các nhà quản trị của các doanh nghiệp này cần có giải pháp cụ thể để thực hiện quy định của EPR, đồng thời phải nắm được hiệu quả và cách thức thức triển khai cụ thể của các biện pháp này. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, quản lý chất thải sau tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng hướng sản xuất và HQKD của các doanh nghiệp, đòi hỏi các nhà quản trị doanh nghiệp phải có các biện pháp để tuân thủ các quy định của EPR. Những biện pháp này khi thực hiện cần phải có sự đánh giá, để từ đó có sự điều chỉnh hợp lý, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh vừa tuân thủ pháp luật.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHÂN TÍCH HQKD TẠI CÁC DOANH NGHIỆP NHỰA NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH EPR CÓ HIỆU LỰC
Từ việc phân tích thực trạng, đặc điểm ngành nghề và HQKD tại các doanh nghiệp nhựa niêm yết, cũng như tác động từ việc thực thi quy định EPR nói trên, tác giả đề xuất một vài hàm ý quản trị nhằm góp phần triển khai thực thi EPR có hiệu quả, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhựa niêm yết có giải pháp phù hợp trong định hướng sản xuất và thực hiện phân tích, báo cáo HQKD toàn diện cả về mặt kinh tế và xã hội trong bối cảnh EPR có hiệu lực.
Theo đó, bên cạnh các chỉ tiêu phân tích HQKD trên khía cạnh kinh tế mà các doanh nghiệp đang thực hiện, cần bổ sung các chỉ tiêu phân tích HQKD trên khía cạnh xã hội liên quan trực tiếp tới trách nhiệm của nhà sản xuất. Cụ thể như sau:
Một là, bổ sung chỉ tiêu Mức đầu tư cho xử lý chất thải sản xuất tính theo công thức sau:
Chỉ tiêu này cho biết, trong 1 đồng tài sản của các doanh nghiệp nhựa niêm yết, thì có bao nhiêu đồng được dùng cho việc xử lý chất thải sản xuất phục vụ góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Hai là, bổ sung chỉ tiêu Mức đầu tư cho thu gom và tái chế rác thải nhựa tính theo công thức sau:
Chỉ tiêu này cho biết, trong 1 đồng tài sản của các doanh nghiệp nhựa niêm yết, thì có bao nhiêu đồng được dùng cho việc thu gom và tái chế rác thải nhựa.
Ba là, bổ sung chỉ tiêu Tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm tái chế tính theo công thức sau:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mạnh Hùng (2022), Rác thải nhựa ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/bao-ve-moi-truong/-/2018/826009/rac-thai-nhua-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx.
2. Ngọc Hải (2023), Ngành nhựa có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12% mỗi năm, truy cập từ https://thoibaonganhang.vn/nganh-nhua-co-toc-do-tang-truong-binh-quan-tu-10-12-moi-nam-140373.html.
3. Nguyễn Thi (2024), Chuyển từ mô hình EPR tự nguyện sang EPR bắt buộc, truy cập từ https://quanly.moitruongvadothi.vn/29/24322/Chuyen-tu-mo-hinh-EPR-tu-nguyen-sang-EPR-bat-buoc.aspx.
4. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường 2020, luật số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
Ngày nhận bài: 05/4/2024; Ngày phản biện: 10/4/2024; Ngày duyệt đăng: 16/4/2024 |
Bình luận