Tình trạng cát cứ thông tin còn đang phổ biến tại Việt Nam
Nhu cầu lớn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCSEIF) cho biết, trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, thông tin được coi là một yếu tố đầu vào của quá trình nghiên cứu, hoạch định chính sách, cũng như của quá trình sản xuất, kinh doanh.
Kết quả “Điều tra xác định nhu cầu thông tin và nội dung các vấn đề cần được dự báo phục vụ hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô” do NCSEIF thực hiện cho thấy, nhu cầu thông tin dự báo trong lĩnh vực kinh tế- xã hội chiếm tỷ lệ lớn (kinh tế vĩ mô: 68,4%).
Nhu cầu thông tin dự báo chỉ liên quan đến một lĩnh vực do bộ, ngành quản lý là 16,07% (trừ 2,46% số phiếu trả lời và có ý kiến khác).
“Như vậy, có tới 81,48% cơ quan, đơn vị có nhu cầu thông tin nhiều hơn 1 lĩnh vực của mình, tức là có nhu cầu thông tin dự báo từ 13 lĩnh vực khác, cũng có nghĩa là 81,84% các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng thông tin dự báo từ các cơ quan khác”, bà Hoàng Kim Dung, Trưởng ban Nguồn và Phát triển Thông tin (NCSEIF) cung cấp thông tin.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế quản lý nền kinh tế đã có nhiều thay đổi. Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế chủ yếu thông qua các công cụ chính sách kinh tế. Thực tiễn đó đòi hỏi chính sách kinh tế không chỉ phải được ban hành đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, và có tính khả thi cao, mà còn phải luôn được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, cũng như quốc tế.
Thông tin phục vụ phân tích và dự báo chưa thống nhất
Hiện nay, thông tin phục vụ phân tích và dự báo ở Việt Nam còn manh mún, phân tán và không đồng bộ, đầy đủ. Các cơ sở dữ liệu ở các bộ, ngành hiện còn rất ít và chủ yếu được dựa trên mô hình quan hệ, nhằm phục vụ công tác điều hành tác nghiệp.
“Chưa có bộ, ngành nào xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích và dự báo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành đó. Ngay đối với Tổng cục Thống kê là cơ quan chịu trách nhiệm về thông tin số liệu thống kê kinh tế -xã hội của cả nước và địa phương cũng không tránh khỏi tình trạng này”, ông Đỗ Văn Thành – Phó Giám đốc NCSEIF chỉ rõ.
Thông tin phục vụ phân tích và dự báo ở nước ta chưa thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn nhau. Việc tin học hóa các nguồn thông tin nói chung còn phiến diện, cắt khúc, gây khó khăn và ảnh hưởng đến niềm tin vào tính xác thực thông tin của các đối tượng sử dụng.
“Chưa có bộ, ngành nào xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích và dự báo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành đó. Ngay đối với Tổng cục Thống kê là cơ quan chịu trách nhiệm về thông tin số liệu thống kê kinh tế -xã hội của cả nước và địa phương cũng không tránh khỏi tình trạng này”, ông Đỗ Văn Thành – Phó Giám đốc NCSEIF chỉ rõ. |
Tình trạng cát cứ thông tin phục vụ phân tích và dự báo đang diễn ra phổ biến, gây ra những lãng phí lớn về sử dụng nguồn lực thông tin; làm hạn chế chất lượng công tác phân tích dự báo, dẫn đến làm giảm chất lượng, hiệu quả của các chính sách kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng và bộ, ngành ban hành.
Đầu tư cho công tác dự báo kinh tế - xã hội còn khá khiêm tốn. Các mô hình dự báo định lượng ở Việt Nam hầu hết được xây dựng nhờ sự tài trợ về tài chính, và/hoặc hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài. Nhiều mô hình sau khi được xây dựng và ứng dụng trước đây đều không được tiếp tục duy trì, mở rộng và khai thác sử dụng sau nay.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu đầu tư để tiếp tục duy trì, ước lượng lại trên bộ số liệu được thu nhận, bổ sung mới và có những biến động lớn liên quan đến những vấn đề được dự báo, phân tích, thì xem xét, loại bỏ những yếu tố không phù hợp và bổ sung những yếu tố mới vào mô hình dự báo.
Cần nguồn thông tin trực tuyến mở rộng kết nối và chia sẻ
Trên thực tế, các nguồn lực thông tin còn phân tán và chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm kết nối chia sẻ các nguồn lực thông tin. Trong bối cảnh đó, việc hợp tác, phối hợp, chia sẻ các nguồn lực thông tin giữa các tổ chức là vô cùng hữu ích và cần thiết, để tiết kiệm chi phí và tập trung nguồn lực để phục vụ nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách.
Vì thế, ông Tạ Đình Xuyên cho rằng, rất cần thiết phải xây dựng và tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác và chia sẻ với các đơn vị nghiên cứu, các nhà cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu trong và ngoài nước. Một trong những tổ chức có nguồn thông tin nghiên cứu đáng tin cậy được xếp hàng đầu thế giới đó là OECD.
Bà Yumiko Murakami, Giám đốc Trung tâm Tokyo OECD cho biết, OECD là một tổ chức độc lập được thành lập năm 1961, có Trụ sở chính Paris-France, gồm 34 quốc gia thành viên. Nguồn thông tin dữ liệu của OECD rất phong phú, đa dạng và đáng tin cậy cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Đại diện kinh doanh xuất bản phẩm của OECD khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Kelvin Poh cho hay, tất cả dữ liệu của OECD được đệ trình bởi chính phủ các quốc gia thành viên và không thành viên của OECD.
OECD xuất bản các kết quả nghiên cứu và dữ liệu của họ dưới các hình thức truyền thông sau: Tài liệu in (sách, tạp chí, báo cáo…); PDF files; CSDL thống kê.
Tại OECD iLibrary - thư viện trực tuyến của OECD có chứa các tài liệu, như: sách, tạp chí, báo cáo, kết quả nghiên cứu, số liệu thống kê… và là cổng thông tin kết nối tới các phân tích và dữ liệu của OECD.
Về phía Việt Nam, ông Đỗ Văn Thành cho biết, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định phê duyệt dự án: Xây dựng hệ thống thông tin phân tích và dự báo Kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia tại Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia.
Hệ thống này được xây dựng nhằm phục vụ triển khai các hoạt động phân tích và dự báo trong lĩnh vực kinh tế để phát hiện ra những thông tin tri thức mới cung cấp cho các quá trình điều hành quản lý và ra quyết định chính sách kinh tế, nên nó thực chất nhằm phục vụ quá trình khai phá tri thức từ dữ liệu kinh tế - xã hội.
Thông tin dữ liệu của hệ thống thông tin được xác định và thu thập từ Tổng cục Thống kê (chiếm khoảng 40%-50%); từ các đơn vị chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (dữ liệu được hình thành trong quá trình tác nghiệp của các đơn vị trong Bộ); từ các bộ, ngành khác (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…); từ các cơ quan thống kê và các tổ chức quốc tế.
Để có thể đáp ứng nhu cầu phục vụ thông tin dự báo kinh tế - xã hội và hoạch định chính sách, NCSEIF rất cần sự tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác và chia sẻ với OECD, cũng như các đơn vị nghiên cứu, các nhà cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu trong và ngoài nước khác.
Đồng tình với quan điểm này của phía NCSEIF, bà Yumiko Murakami hy vọng rằng đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho hợp tác song phương giữa OECD và NCSEIF./.
Bình luận