Tuy nhiên, sau cả giai đoạn 2011-2015, với việc quá trình tái cơ cấu đã trải qua được 6 năm, thì việc đánh giá kết quả và cái giá phải trả cần tính đến là rất cần thiết để có thể nâng cao hiệu quả tái cấu trúc giai đoạn mới 2017-2020.

Đây cũng là một nội dung lớn được để cập tại Hội thảo khoa học quốc gia: Triển vọng phát triển kinh tế việt nam và vai trò của nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, diễn ra ngày 16/03/2017.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ ngân hàng BIDV thẳng thắn, không phải bây giờ chúng ta mới tái cơ cấu.

“Tuy nhiên, sau 6 năm thấy một điểm chung đó là chưa thay đổi về chất”, vị chuyên gia này thẳng thắn.

Theo TS. Lực, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2016 vừa qua có vẻ như chậm lại, như liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước so với yêu cầu là chưa đạt mục tiêu. Thâm hụt ngân sách về nợ công, nợ xấu vẫn còn ở mức cao và chưa xử lý được triệt để.

"Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn và đây là những việc mà quốc hội và chính phủ đã quyết tâm đưa vào để kiểm soát trong thời gian tới. Chính phủ phải sớm thành lập Ủy ban về Tái cơ cấu nền kinh tế hoặc ủy ban nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đây là ủy ban là đầu mối cho câu chuyện về tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”, TS. Cấn Văn Lực đề nghị.

Nhận định của TS. Lực cũng tương đồng với quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, người chắp bút cho cả 2 đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Điều đáng tiếc là vì một số lý do nên ông Cung đã không tham dự được hội thảo này để trao đổi rõ hơn về những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu 6 năm qua.

Có quan điểm hơi khác biệt, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2011-2015.

Bởi, theo ông, mặc dù đề án đề ra cho cả giai đoạn 2011-2015, nhưng thực tế năm 2012 mới phê duyệt Đề án. Trong thời gian 3 năm còn lại, việc thực thi cũng chưa được nhiều, nhiều văn bản trong thời gian này cũng mới được ban hành, nên chưa kịp phát huy hiệu quả.

Ông Sang cho biết, tái cơ cấu cần phải tính đến chủ thuyết của Diễn đàn kinh tế thế giới.

“Nền kinh tế phát triển theo 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là tăng trưởng dựa trên tăng các nguyên tố đầu vào và Việt Nam đang bắt đầu về vấn đề này. Theo cách phân loại này, Việt Nam đang chuyển đổi trong chừng mực nào đó từ việc tăng các nhân tố đầu vào như vốn, lao động sang tăng dần hiệu quả của các yếu tố”, ông Sang nói.

Không nhìn quá khứ, mà tập trung vào vấn đề tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2017-2020, PGS.TS Lê Du Phong cho rằng, cần tập trung cho giai đoạn 2017-2018, trong đó tập trung tái cấu trúc khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại.

Bởi, hiện nay ngành công nghiệp của chúng ta vẫn chủ yếu là hàng điện tử, da giày, dệt may… có hàm lượng công nghệ thấp.

Chuyên gia này cũng cho rằng, trong tái cấu trúc nông nghiệp, khu vực kinh tế nền tảng của Việt Nam, nếu chỉ nói tái cấu trúc nông nghiệp chung chung là chưa ổn.

Theo ông, cần tổ chức lại nông nghiệp theo 4 hình thức: thay đổi hình thức sản xuất, cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và công nghệ sản xuất.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh cần chú ý hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.

“Cần các chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân để khu vực này là động lực cho phát triển kinh tế. Hiện nay khu vực tư nhân còn quá nhỏ bé, vì thế phải nâng cao vai trò của khu vực này lên ngang tầm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực FDI”, chuyên gia này nhận định.

Theo PGS. TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, muốn thực hiện được tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phải xác định rõ cái giá chúng ta phải trả.

“Phàm trên đời này không đập bỏ cái cũ thì không xây dựng được cái mới, muốn tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải chấp nhận trả giá”, ông Bá thẳng thắn.

Vì vậy, theo ông Bá, điều cần làm là cần xác định cái giá nào chúng ta chấp nhận được và trả giá.

“Nếu không chấp nhận trả giá, thì không bao giờ thành công trong tái cơ cấu mô hình tăng trưởng”, ông Bá tái khẳng định một cách mạnh mẽ./.