Sáng nay (14/9) tại Hà Nội, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức lễ công bố Khung đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017-2022.

Tại buổi lễ công bố, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có nhiều thành công trong suốt những năm qua.

“Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa – bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi phải tinh chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai,” ông Ousmane Dione nói.

Trước những thách thức về tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế, xóa đói, giảm nghèo và biến dổi khí hậu, Khung đối tác quốc gia giai đoạn 2017-2022 sẽ giúp Việt Nam giải quyết các thách thức. Đồng thời, đề ra cách tiếp cận và tranh thủ sự hỗ trợ của các thành viên khác nhau của Ngân hàng Thế giới, huy động các sản phẩm, dịch vụ khác nhau của nhóm Ngân hàng Thế giới.

“Nhóm Ngân hàng Thế giới vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao” đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định.

Ông Ousmane Dione và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại lễ công bố

Theo ông Ousmane Dione, trong giai đoạn thực hiện Khung đối tác quốc gia giai đoạn 2017-2022, Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược. Mục tiêu chính là thúc đẩy tăng trưởng bền vững về mặt môi trường.

Làm rõ điều này, bà Cia Sjetnan, Nhóm Ngân hàng Thế giới chỉ ra 3 lĩnh vực trọng tâm với 11 mục tiêu chính trong Khung đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017-2022:

(1) Tạo điều kiện tăng trưởng hòa nhập và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Ở lĩnh vực này, tập trung hoàn thiện quản trị kinh tế và thể chế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nông nghiệp. Tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại trong vận tải đa phương thức dịch vụ logistics. Hoàn thiện quy hoạch quản lý xây dựng hạ tầng và dịch vụ đất đai đô thị;

(2) Đầu tư vào con người và tri thức, trong đó tăng cường dịch vụ y tế công và tư nhân, nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội và bảo hiểm y tế, chất lượng giáo dục sau phổ thông và thị trường lao động;

(3) Bảo đảm tính bền vững và sức đề kháng của môi trường: bao gồm năng lượng điện tái tạo, tăng cường tiết kiệm điện, tăng khả năng đề kháng trước biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và an ninh nước.

Về nguồn vốn, vốn mới sẽ tập trung tài trợ Kế hoạch Đầu tư trung hạn của Chính phủ. Việt Nam sẽ được vay vốn hỗ trợ chuyển tiếp IDA (theo điều kiện giống như IBRD – quy trình cho vay lại) là 2,2 tỷ USD giai đoạn 2018-2020. Dự kiến vốn IBRD giai đoạn này là 1,88 tỷ USD.

Ông Ousmane Dione cam kết: “Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể chế, các đối tác và các công cụ sẵn có nhằm tạo đa dạng nguồn vốn, chuyển biến chiến lược, như: cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, hay bảo lãnh”.

Đánh giá về tầm quan trọng của Khung đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017-2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Nếu chúng ta không đi thật nhanh trong một thế giới thay đổi liên tục thì sẽ bị tụt hậu. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về bẫy thu nhập trung bình, từ sự hội nhập quốc tế, về biến đổi khí hậu… Trong đó, thách thức lớn nhất là vượt qua những thách thức và biến thách thức thành cơ hội”.

"Việt Nam đang kiên định nỗ lực thực hiện mục tiêu tạo ra nhiều hơn các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn sinh thái và phát triển bền vững. Tôi tin khung đối tác lần này sẽ hiện thực hóa được mục tiêu, khát vọng phát triển của Việt Nam, không chỉ trong 5 năm mà cả nhiều năm nữa. Khung đối tác lần này sẽ là định hướng quan trọng giúp phát huy cao hơn nữa sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng tin tưởng./.