2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so cùng kỳ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1% so với cùng kỳ
Bộ Công Thương cho biết, tháng Hai năm 2022 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán với nhiều hoạt động khai xuân, lễ hội nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước |
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai năm 2022 ước đạt 421,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,7%; lương thực, thực phẩm tăng 9,0%; phương tiện đi lại tăng 4,3%; may mặc giảm 8,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 9,1%.
Thị trường hàng hóa 02 tháng đầu năm 2022 chủ yếu tập trung cho các hoạt động phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, công tác chuẩn bị Tết được các địa phương triển khai tích cực cùng với công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Hàng hóa phục vụ Tết tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, giá không có biến động lớn.
Trong hai tháng đầu năm, do có thời gian trùng với các dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên Đán, lễ Rằm tháng Giêng, nhu cầu thực phẩm tăng nên giá một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản) tại một số thời điểm có xu hướng tăng so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, ngay sau đó, nhìn chung hầu hết giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã quay trở lại mức bình thường như tháng thường trước Tết. Giá một số mặt hàng rau, củ tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại và mưa nhiều tại một số tỉnh phía Bắc.
Riêng giá một số mặt hàng rau gia vị (hành, thì là…) hoặc giá một số loại rau củ cuối vụ (súp lơ, su hào) giá tăng nhưng không tăng đột biến do nguồn cung giảm; giá một số loại rau củ, hoa quả được cho là có tác dụng phòng chống dịch bệnh Covid-19 (gừng, sả, tía tô, cam sành…) hiện cũng tăng cao hơn so với ngày thường do tình hình số ca nhiễm tại các tỉnh tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nhu cầu tăng.
Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu cũng có xu hướng có tăng theo xu hướng giá thế giới. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 21/02/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/01/2022 tăng từ 1.570 – 2.562 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 9,59% - 14,04%.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do Nhà nước quản lý
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả.
Ngoài ra, đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị các bộ, ngành thực thi tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, ổn định tiền tệ, lãi suất, đáp ứng nguồn lao động... cho phục hồi sản xuất, thúc đẩy thương mại.
Song song với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa./.
Bình luận