2016-2020 chỉ tập trung đầu tư cho 9 KKT cửa khẩu trọng điểm
Dàn trải không hiệu quả
Từ năm 1996, Chính phủ tiến hành thí điểm xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), trong đó thông qua việc phê duyệt một số cơ chế ưu đãi liên quan đến hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế.
2 năm sau đó, Chính phủ tiến hành thí điểm ở quy mô rộng hơn với việc phê duyệt thành lập, kèm theo các chính sách ưu đãi cho các Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị). Kể từ đây, nhiều địa phương trên cả nước bước vào giai đoạn phát triển nóng khu kinh tế cửa khẩu.
Theo Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 khu.
Tuy nhiên, đến nay theo thống kê, cả nước đang có 21 tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu tại biên giới với khoảng 25 cửa khẩu được quy hoạch làm khu kinh tế cửa khẩu. Cộng thêm các cửa khẩu phụ hoặc cửa khẩu tiểu ngạch, Việt Nam hiện có hơn 30 cửa khẩu đang hoạt động.
Điều đáng nói là, các khu kinh tế cửa khẩu hiện nay đều có cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển. Nguyên nhân là do nguồn vốn ngân sách quá eo hẹp của Trung ương đã bị chia nhỏ, đầu tư cho rất nhiều khu kinh tế trên cả nước.
Vì thế, hầu hết cửa khẩu thiếu hệ thống kho bãi và các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa.
Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều khu kinh tế cửa khẩu đã rơi vào tình trạng đìu hiu, hoạt động không hiệu quả.
Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai nằm trong 9 khu được Trung ương tập trung đầu tư trong giai đoạn 2016-2020
Tập trung đầu tư vào 9 khu kinh tế cửa khẩu
Để tránh tình trạng sốt nóng, đầu tư dàn trải, ngày 30/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1531/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, đồng thời thay thế Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008.
Trên cơ sở rà soát, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi lựa chọn 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, 9 khu kinh tế cửa khẩu trên gồm: Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh; Cha Lo, tỉnh Quảng Bình; Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh; Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung phân bổ vốn đầu tư cho 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm trên tối thiểu bằng 70% tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016-2020 cho các KKT cửa khẩu.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch hàng năm và 5 năm 2016-2020 cho các KKT cửa khẩu, tuân thủ nguyên tắc tập trung cho các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn và theo đúng các quy định hiện hành, trong đó ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình có nhu cầu cấp thiết của từng khu để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển các khu này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và là đầu mối theo dõi quá trình triển khai việc tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được lựa chọn, báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong quý IV/2020, tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuân thủ nguyên tắc tập trung đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đã được lựa chọn; sử dụng vốn ngân sách Trung ương được phân bổ theo đúng mục đích và quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ giải ngân và xây dựng công trình.
Đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Bình luận