23 xã thuộc tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang được công nhận là "xã đảo"
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Kiên Giang và tỉnh Khánh Hòa là xã đảo.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 17 xã, thị trấn thuộc 4 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Kiên Giang là xã đảo. Trong đó, huyện Phú Quốc có 10 đơn vị gồm các thị trấn: An Thới, Dương Đông; các xã: Thổ Châu, Hòn Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm. Huyện Kiên Hải có 4 đơn vị gồm các xã: Hòn Tre, An Sơn, Lại Sơn, Nam Du. Huyện Kiên Lương có 2 đơn vị gồm các xã: Sơn Hải, Hòn Nghệ và xã Tiên Hải thuộc thị xã Hà Tiên.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: xã Cam Bình thuộc thành phố Cam Ranh; xã Vạn Thạnh thuộc huyện Vạn Ninh; phường Vĩnh Nguyên thuộc thành phố Nha Trang; xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là xã đảo.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đảo phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí: 1- Có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19 Luật biển Việt Nam năm 2012; 2- Có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo.
Đồng thời, đơn vị hành chính cấp xã được công nhận là xã đảo phải có 1 trong 3 điều kiện sau: 1- Là đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã được công nhận là huyện đảo; 2- Có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo; 3- Có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển (xã có đảo ở trên biển) và trên đảo có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân.
Các xã đảo được công nhận theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có xã đảo căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 để xây dựng Dự án phát triển kinh tế - xã hội của xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và ngân sách của địa phương; đồng thời được thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với xã đảo.
Trước đây, tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé đã cho biết, khi thành lập hai huyện đảo Phú Quốc (có 8 xã, 2 thị trấn) và Kiên Hải (có 4 xã), tỉnh Kiên Giang bỏ sót chữ “đảo” nên đến nay xem lại thì chỉ có quyết định thành lập huyện như các địa phương trên đất liền.
Việc không được công nhận huyện đảo, xã đảo trước mắt ảnh hưởng tới chính sách bảo hiểm y tế và chính sách khám chữa bệnh miễn phí của gần 125.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới các chính sách ưu đãi khác của Chính phủ dành cho xã đảo.
Đến thời điểm này, Bảo hiểm xã hội Kiên Giang còn kẹt 900 thẻ bảo hiểm y tế ở xã Thổ Châu (Phú Quốc). Tháng 5/2015, UBND tỉnh Kiên Giang cấp 34 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế cho dân ở một số đảo cũng đã phải thu hồi vì vướng quy định công nhận huyện đảo, xã đảo.
Theo quy định, tỉnh phải hoàn thành 17 đĩa DVD, thời lượng 15 phút/đĩa, để chuyển Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị thẩm định rồi trình Thủ tướng ra quyết định công nhận 17 xã đảo trên.
Để hoàn thành 17 đĩa DVD nói trên, UBND tỉnh phải cấp kinh phí 1,4 tỷ đồng rồi giao Đài truyền hình Kiên Giang quay ròng rã mất hai tháng, sau đó còn điều chỉnh hơn một tháng mới xong.
“Vì Việt Nam đã có vệ tinh rồi, muốn biết có phải là xã đảo hay không thì nhìn vào ảnh chụp vệ tinh là biết. Huống chi đó là vùng đất hiển hiện trên thực tế, người dân sinh sống ở đây đã lâu, ai cũng biết.
“Hội đồng xét duyệt công nhận xã đảo của Bộ Nội Vụ phải xem hết các thước phim rồi mới công nhận thì có cần thiết không?” - Bà Bé đặt câu hỏi.
Đại biểu Bé cho rằng nếu biết tiết kiệm thì hãy đem tiền làm phim đó đi xây nhà cho người nghèo, mua tập vở, đồng dùng học tập cho trẻ em thì thiết thực hơn!
Bình luận