Chiều 26/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3 kịch bản tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030
Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới, đi cùng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp. Ảnh: VGP

3 kịch bản tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030

Quy hoạch đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng: thấp, lựa chọn và cao.

Kịch bản 1 - Tăng trưởng thấp

Về tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021-2030 dự báo đạt 6,48%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng 5,22%/năm, giai đoạn 2026-2030 khoảng 7,74%/năm. Thời kỳ 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 6,85%/năm.

Về chất lượng tăng trưởng: Trong thời kỳ 2021-2030, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 49,1%; tăng trưởng năng suất laođộng đạt bình quân 5,83%/năm.

Về thu nhập bình quân đầu người: Dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 12.300 USD; đến năm 2050 đạt hơn 40.000 USD. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển:

Dự kiến khoảng 11,7 triệu tỉ đồng giai đoạn 2021 - 2030, gấp 2,2 lần giai đoạn 2011-2020. Tỉ lệ vốn

đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 27%.

Kịch bản 2- kịch bản lựa chọn

Về tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo cả thời kỳ 2021-2030 đạt bình quân 8,07%/năm; trong đó trong giai đoạn 2021-2025 đạt 5,97%/năm (trong đó ba năm 2021-2023: 3,88%/năm; hai năm 2024-2025: 9,18%/năm); đạt bình quân 10,2%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 7,6%/năm.

Về chất lượng tăng trưởng: Trong giai đoạn 2021 - 2030, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 58,4%; tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 7,4%/năm.

Về thu nhập bình quân đầu người: Dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 14.500 USD; đến năm 2050 đạt 54.000 USD. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển, quy hoạch đưa mức dự kiến khoảng 15,7 triệu tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2030, gấp 2,9 lần giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 32%.

Kịch bản 3: Kịch bản cao

Về tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021-2030 dự báo đạt 9,22%/năm, trong đó giai đoạn 2021- 2025 tăng 6,24%/năm, giai đoạn 2026-2030 khoảng 12,3%/năm. Thời kỳ 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 8,2%/năm.

Về chất lượng tăng trưởng, trong thời kỳ 2021-2030, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 58,5%; tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 8,56%/năm.

Về thu nhập bình quân đầu người, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 16.000 USD; đến năm 2050 đạt khoảng 67.000 USD.

Về nhu cầu vốn đầu tư phát triển, Quy hoạch đưa ra dự kiến khoảng 17,7 triệu tỉ đồng giai đoạn 2021 - 2030, gấp 3,3 lần giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 34%.

Với việc lựa chọn kịch bản 2, Quy hoạch đưa ra giả thuyết đó là: Bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến tích cực, tạo điều kiện cho xuất khẩu nhanh chóng hồi phục. Vùng có một số cơ chế, chính sách ưu đãi và được phân cấp, phân quyền mạnh để phát triển mạnh kết cấu hạ tầng. Các công trình hạ tầng quy mô lớn được triển khai và đưa vào vận hành đúng tiến độ, tạo ra hệ thống giao thông kết nối vùng hiện đại, giảm chi phí logistics.

Liên kết giữa đô thị trung tâm TP. Hồ Chí Minh với các đô thị ở Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh trong vùng ngày càng rõ nét, hình thành các hành lang kinh tế, đẩy nhanh tốc độ và chất lượng đô thị hóa. Phát triển được các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp mới dựa trên các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các KCN, KKT cửa khẩu.

Số lượng các start-up công nghệ tăng nhanh, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm có thu nhập cao. TP. Hồ Chí Minh tiến nhanh trên lộ trình trở thành trung tâm tài chính quốc tế, giữ vai trò quan trọng cho huy động các nguồn vốn, phát triển các dịch vụ tài chính cao cấp. Thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, có liên kết với các doanh nghiệp nội địa.

3 kịch bản tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030
Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng.

Quy hoạch phải mở và vận dụng linh hoạt, không vướng mắc khi có biến động lớn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, đến nay đã hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; cảm ơn các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn và khả thi.

Báo cáo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phản ánh sự cố gắng, quyết tâm rất lớn của các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu để bảo đảm cả về chất lượng và tiến độ lập quy hoạch; thể hiện rõ nét quan điểm, mục tiêu phát triển và phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ.

Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt, bám sát và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; kết nối với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Tinh thần chung là kiến tạo phát triển và liên kết vùng. Quy hoạch phải mở và vận dụng linh hoạt, không vướng mắc khi có biến động lớn. Có nguồn lực thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn để thực hiện một cách khả thi, bài bản, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình xây dựng Quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của vùng. Với tiềm năng rất đặc biệt về con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa, vùng có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước.

Tuy nhiên, tiềm năng của vùng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược chưa tương ứng để phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận, tư duy đột phá chứ không tịnh tiến, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử. Con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa – lịch sử là động lực.

Việc huy động nguồn lực phải rất đa dạng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Kết hợp nguồn lực Trung ương và địa phương, Nhà nước và tư nhân. Cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực.

Lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới, đi cùng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp.

Về cơ cấu kinh tế, vùng phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, chia sẻ. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch là trọng tâm; phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối, Thủ tướng nêu rõ, bao gồm kết nối kinh tế, kết nối giao thông, kết nối an ninh quốc phòng, kết nối các nguồn tài nguyên. Về giao thông, cần phát triển mạnh cả 5 phương thức, lấy giao thông hàng không và hàng hải để đẩy mạnh kết nối quốc tế, các phương thức còn lại (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) để kết nối trong nước.

Kết nối kinh tế vùng với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ mang tính bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau; kết nối với cả nước; kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, ASEAN; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Kết nối về an ninh quốc phòng với Lào, Campuchia và các nước ASEAN, chú ý kết nối trong bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tiểu vùng Mekong.

Về các dự án lớn, Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng một trung tâm logistics lớn của vùng và cả nước gồm cả cảng Cái Mép-Thị Vải và cảng Cần Giờ (nằm hai bên bờ của một dòng sông), trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Các chương trình, dự án lớn khác của vùng là phát triển trung tâm tài chính quốc tế; hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt; các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa…

Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng, các bộ, ngành, các vùng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn. Tổ chức thực hiện quy hoạch bài bản, lớp lang, với các chế tài phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh./.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ 2021-2030: Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ 2021-2030: "Mở đường” và tạo ra các động lực, không gian phát triển mới
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ họp tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ họp tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030