Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ
Tóm tắt
Đông Nam Bộ là hạt nhân nòng cốt của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Để bảo đảm giữ vững tốc độ phát triển ổn định và bền vững của Vùng, đòi hỏi các tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam Bộ phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ (KHCN), đáp ứng với nhu cầu phát triển trong tương lai. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề phát triển thị trường KHCN, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa cấp thiết cả trước mắt và lâu dài.
Từ khóa: khoa học, công nghệ, thị trường KHCN, tăng trưởng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ
Summary
The Southeast region is the core element of the Southern Key Economic Zone, playing an important role in the overall development of the country. To ensure the stable and sustainable development of the region, it is required that the provinces and cities of the Southeast region continue to increase investment to promote the science and technology market for future development. Therefore, studying the science and technology market development, thereby creating a driving force for socio-economic growth in the Southeast region is of urgent significance both in the short and long term.
Keywords: science, technology, science and technology market, socio-economic growth, Southeast region
CƠ SỞ LÝ LUẬN
Khái niệm thị trường KHCN
Thị trường KHCN là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán sản phẩm KHCN và dịch vụ liên quan đến hoạt động KHCN... giữa các tổ chức, cá nhân, với sự hỗ trợ của các tổ chức trung gian; các chế tài, quy định của pháp luật và sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về KHCN.
Cấu trúc của thị trường KHCN bao gồm những yếu tố sau: sản phẩm và dịch vụ KHCN; chủ thể tham gia thị trường KHCN; luật lệ, thể chế và hoạt động cơ quan quản lý về KHCN.
Phát triển thị trường KHCN
Phát triển thị trường KHCN là hoạt động của các chủ thể nhằm làm gia tăng số lượng, chất lượng cung - cầu về hàng hóa, dịch vụ KHCN, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức dịch vụ trung gian, hoạt động môi giới và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đảm bảo cho sự vận hành thông suốt của thị trường KHCN.
Nghiên cứu quan niệm trên có thể thấy rằng, chủ thể phát triển thị trường KHCN là nhà nước và các chủ thể khác tham gia vào thị trường KHCN (tổ chức KHCN, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các nhà sáng chế độc lập). Bên cạnh các chủ thể nói trên, cần phải có các yếu tố cần thiết cho thị trường KHCN vận hành hiệu quả, đó là: thực thi nghiêm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy luật kinh tế như quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị.
Đối tượng phát triển thị trường KHCN là các doanh nghiệp, các tổ chức KHCN, các hộ kinh doanh cá thể, các nhà sáng chế độc lập. Mục tiêu của phát triển thị trường KHCN là làm gia tăng hơn nữa về số lượng, chất lượng và hoàn thiện các yếu tố cấu thành của thị trường KHCN. Công cụ phát triển thị trường KHCN là hệ thống cơ chế, chính sách của nhà nước; hoạt động đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp, tổ chức KHCN, hộ kinh doanh cá thể và nhà sáng chế độc lập.
Các yếu tố tác động đến việc phát triển thị trường KHCN
Một là, nguồn nhân lực KHCN
Nhân tố con người luôn giữ vai trò quyết định đối với mọi hoạt động. Do đó, sự phát triển KHCN và thị trường KHCN phải dựa vào trình độ phát triển của nguồn lực con người trong lĩnh vực này. Những quốc gia nào có chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN tốt (đủ về số lượng, tốt về chất lượng, hợp lý về cơ cấu) sẽ tạo ra được đội ngũ nhân lực KHCN dồi dào đáp ứng cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai, do đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường KHCN. Bài học thành công của Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã chứng minh điều đó.
Hai là, hoạt động của doanh nghiệp trong đầu tư nghiên cứu và phát triển
Thực tiễn cho thấy, tại các nước phát triển, vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngày càng gia tăng. Tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp trong tổng chỉ tiêu nghiên cứu phát triển tại các nước này thường lớn hơn tỷ trọng đầu tư của nhà nước. Ở những nước này, do phía cầu là hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp luôn có chiều hướng gia tăng, nên đã tạo sức ép từ phía cung, buộc các tổ chức KHCN phải đầu tư mạnh cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ KHCN, do đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường KHCN.
Ba là, vai trò của các tổ chức KHCN công lập
Các tổ chức KHCN công lập bao gồm: viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, trung tâm thực nghiệm... Các tổ chức KHCN công lập có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thị trường KHCN. Vai trò này được thể hiện ở chức năng dẫn dắt các tổ chức KHCN khác trong tham gia nghiên cứu phát triển KHCN. Tuy nhiên, mô hình quản lý của các tổ chức KHCN công lập sẽ quyết định hiệu quả thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ KHCN.
Bốn là, hiệu lực pháp lý về sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ chính là một trong những thể chế hỗ trợ quan trọng nhất cho sự hoạt động và hoạt động có hiệu quả của thị trường KHCN. Nó đảm bảo các sản phẩm KHCN có thể trở thành hàng hóa; đảm bảo lợi ích chính đáng cho người mua, lợi ích chính đáng cho người bán, từ đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động của thị trường KHCN. Vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động của thị trường KHCN được thể hiện ở việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mà thực chất là sàng lọc những công nghệ và tri thức khoa học để bảo hộ; thúc đẩy, kích thích việc tạo ra công nghệ, tri thức khoa học mới...
Năm là, mô hình tổ chức chợ công nghệ, sàn giao dịch công nghệ
Mô hình tổ chức của các chợ công nghệ, sàn giao dịch công nghệ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường KHCN, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức trung gian, hoạt động môi giới. Nếu mô hình tổ chức các chợ công nghệ, sàn giao dịch công nghệ theo hướng chào bán - kết nối - thương mại hóa sản phẩm, thì sẽ thúc đẩy thị trường KHCN phát triển.
Sáu là, nguồn thông tin trên thị trường KHCN
Trên thị trường KHCN, để kết nối cung - cầu hiệu quả, thì phải tránh những thông tin bất cân xứng từ cả hai phía. Nếu thông tin đầy đủ và rõ ràng, giao dịch giữa bên mua và bên bán sẽ diễn ra nhanh chóng, xác định được giá trị thực của giao dịch, thông qua đó làm số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa và dịch vụ KHCN ngày càng trở nên phong phú, đa dạng.
THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHCN Ở VÙNG ĐÔNG NAM BỘ TRONG NHỮNG NĂM QUA
Đông Nam Bộ bao gồm 6 địa phương là: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ đóng vai trò là hạt nhân nòng cốt của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Tính đến năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn Vùng tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005, đóng góp 32% tổng thu nhập quốc dân của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Vùng cao nhất cả nước (Nha Mẫn, 2022). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, KHCN, đổi mới và sáng tạo lớn nhất của Vùng và của cả nước.
Qua nghiên cứu sự phát triển của KHCN nói chung, thị trường KHCN của vùng Đông Nam Bộ nói riêng, có thể nhận thấy, hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KHCN của vùng Đông Nam Bộ đã được hoàn thiện về cơ bản. Bên cạnh những văn bản pháp lý từ phía Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Vùng cũng đã cụ thể hóa nhiều chương trình, nghị quyết, quyết định quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2019-2021, đã có 99 văn bản được các địa phương trong Vùng ban hành. Trong đó: tỉnh/thành ủy ban hành 2 văn bản; HĐND ban hành 6 văn bản; còn lại 91 văn bản do UBND tỉnh/thành phố ban hành (Bộ KHCN, 2021).
Hoạt động KHCN của các tỉnh, thành phố trong Vùng cũng được quan tâm đầu tư tương xứng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2019, hoạt động KHCN của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng. Theo đó, Vùng đã có 1.090 nhiệm vụ, dự án KHCN cấp tỉnh được triển khai. Các địa phương trong Vùng đã dành khoảng 65%-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70%-75% (Bộ KHCN, 2019). Các kênh kết nối thông tin KHCN đã được hình thành và triển khai hiệu quả trên thực tế ở nhiều địa phương trong Vùng. Nhiều hoạt động được tổ chức, như: chợ công nghệ và thiết bị, các hội thảo khoa học, các buổi trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, công bố kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt được thông tin phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển của thị trường KHCN của Vùng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là, môi trường pháp lý cho thị trường KHCN của nhiều địa phương trong Vùng vẫn chưa hoàn thiện. Chưa có các văn bản hướng dẫn thị trường vận hành như tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động mua bán trên thị trường, hoạt động môi giới, dịch vụ. Thiếu các chế tài về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trên phạm vi thị trường KHCN cấp tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thiếu.
Hơn nữa, vai trò của các tỉnh, thành phố đối với việc đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vẫn chưa phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Cách thức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa đảm bảo được tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn hỗ trợ.
Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thể chế chính sách, nên sự kết nối giữa hai bên cung, cầu gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận các chính sách, thông tin về KHCN còn rất hạn chế. Chủ thể tham gia vào thị trường thiếu đa dạng; chưa có sự đa dạng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động KHCN, nên khả năng cung cấp hàng hóa cho thị trường còn hạn chế. Đầu tư của doanh nghiệp cho KHCN còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng đầu tư cho KHCN, mà chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Dịch vụ tư vấn, giám định, đánh giá công nghệ chậm phát triển. Hoạt động của chợ công nghệ còn thiếu hiệu quả, mang tính hình thức...
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ, mục tiêu dài hạn đến năm 2045 là phấn đấu đưa “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới”. Do đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN của Vùng là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ trong tương lai. Để hiện thực hóa điều này, theo tác giả, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, cải thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định chung của Vùng, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động giao dịch các sản phẩm KHCN và dịch vụ KHCN của Vùng diễn ra suôn sẻ.
Theo đó, cần khẩn trương rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh nhằm khắc phục ngay những quy định không thống nhất trong các văn bản quản lý hành chính; kịp thời xóa bỏ những bất cập về chính sách, quy định pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn còn tồn tại trong suốt thời gian qua.
Đồng thời, thực hiện các chính sách tài chính để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường KHCN, như: thành lập quỹ phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; quỹ phát triển sáng chế; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần kinh phí mua công nghệ... Bổ sung và hoàn thiện các chính sách về nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn vào Vùng, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến, hạn chế đến mức tối thiểu nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng mô hình hoạt động của các sàn giao dịch KHCN, các hội chợ, triển lãm sản phẩm KHCN, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng với nhu cầu củng cố quốc phòng - an ninh, qua đó tạo nên sự gắn kết giữa cung - cầu về các sản phẩm hàng hóa KHCN, thúc đẩy thị trường KHCN trong Vùng phát triển.
Thứ hai, đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường KHCN nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có của cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp vào phát triển KHCN. Tăng cường số lượng các đề tài, số lượng các doanh nghiệp có đề tài nghiên cứu được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để các đề tài này có ý nghĩa khởi đầu, thu hút cho những nghiên cứu tiếp theo của doanh nghiệp. Khuyến khích hợp tác nghiên cứu giữa các trường, các viện với doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ nguồn nhân lực KHCN cho các doanh nghiệp từ các tổ chức nghiên cứu của Nhà nước. Khẩn trương chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, thông qua đó nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức KHCN, tạo điều kiện gắn kết hoạt động nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động KHCN.
Mặt khác, cần quan tâm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KHCN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động của quỹ phát triển KHCN, quỹ đầu tư mạo hiểm ở các tỉnh, thành phố trong Vùng.
Thứ ba, phát triển hệ thống thông tin KHCN và các hoạt động dịch vụ KHCN của Vùng. Tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống mạng thông tin KHCN kết nối các tỉnh, thành phố của Vùng và liên vùng, liên quốc gia theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Điều chỉnh tổ chức hoạt động của các trung tâm thông tin KHCN thuộc cơ quan nhà nước theo hướng cân đối giữa các chức năng, đảm bảo thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ cộng đồng và phục vụ hoạt động kênh thông tin thương mại KHCN. Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu chung về KHCN của Vùng, liên vùng, bảo đảm thông tin sản phẩm và dịch vụ KHCN thường xuyên được cập nhật nhanh chóng và chính xác, kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hơn nữa, cần quan tâm phát triển mạnh các hoạt động tư vấn, giám định, đánh giá công nghệ. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học thành lập các bộ phận chuyên trách để thực hiện đo lường, kiểm tra các thông số kỹ thuật, chất lượng của các sản phẩm KHCN. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình chợ công nghệ, sàn giao dịch KHCN để thúc đẩy việc phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, xúc tiến hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất của xã hội.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực bậc cao của Vùng và cả nước. Cần xây dựng được chiến lược phát triển tổng thể nguồn nhân lực KHCN của Vùng trên cơ sở hiện trạng và nhu cầu của thị trường KHCN của Vùng, xác định các mục tiêu bảo đảm nguồn nhân lực KHCN trong ngắn hạn và dài hạn. Tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động KHCN của các học viện, trường đại học trong Vùng, đặc biệt là các chương trình, dự án KHCN có tính ứng dụng thực tiễn cao. Tạo điều kiện đa dạng hóa các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp sản xuất, qua đó tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng, bảo đảm cho nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng với như cầu thị trường KHCN của Vùng và cả nước trong tương lai./.
BÙI THANH TÙNG
Trường Đại học Tài chính - Marketing
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 - tháng 3/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ KHCN (2019, 2021), Báo cáo Tổng hợp tình hình phát triển KHCN của các địa phương của vùng Đông Nam Bộ năm 2019, 2021.
2. Nguyễn Chiến Thắng (2013), Phát triển thị trường KHCN Việt Nam hướng tới 2020, Nxb Khoa học xã hội.
3. Nguyễn Mạnh Hùng (2012), Thị trường KHCN ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Nha Mẫn (2022), Đông Nam bộ vùng kinh tế đầu tàu, đóng góp 32% GDP của cả nước, truy cập từ https://danviet.vn/dong-nam-bo-vung-kinh-te-dau-tau-dong-gop-32-gdp-cua-ca-nuoc-20221124094339123.htm
5. Phạm Văn Dũng (2010), Phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia.
6. Phạm Văn Dũng (2008), Một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế - Luật, 24, 35-48.
7. Trần Văn Hải (2011), Thương mại hóa kết quả nghiên cứu - Tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 4/2011.
8. Vũ Anh Tuấn (2006), Phát triển thị trường KHCN ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thống kê.
9. Vũ Xuân Nguyệt Hồng (2010), KHCN với thị trường, Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 3/2010.
Bình luận