Tiếp theo Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, hôm nay, ngày 21/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất, mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, để sau khi thu hồi đất, thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

4 phương pháp định giá đất hiện có vướng mắc, lúng túng
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường của giá đất

Liên quan đến phương pháp định giá đất, bà Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất, vì trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Về Hội đồng thẩm định giá đất, bà Dung chỉ rõ thực tế, công tác xác định giá đất trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất.

Theo quy định hiện hành, trường hợp giá gói thầu trên 100 triệu đồng, thì phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, nên mất rất nhiều thời gian để chọn đơn vị tư vấn giá. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, bà Dung đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định trong một số trường hợp như không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia thầu hoặc dự án có tính chất đặc thù ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, thì giao cho địa phương thành lập Hội đồng khác và độc lập với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể hoặc đơn vị tư vấn xác định giá đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng tư vấn, xác định giá đất, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện để địa phương chủ động, kịp thời quản lý và triển khai thực hiện các dự án ở địa phương.

Cùng mối quan tâm, Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề xuất, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về phương pháp định giá đất sát với thị trường, để đảm bảo lợi ích giữa các bên như cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức và người sử dụng đất...

4 phương pháp định giá đất hiện có vướng mắc, lúng túng
Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề xuất cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về phương pháp định giá đất sát với thị trường

Về mở rộng đối tượng nhận, chuyển nhượng đất nông nghiệp, bà Thái cho rằng, trong dự án Luật cần có quy định rõ đối tượng nhận chuyển nhượng là cá nhân và tổ chức; nêu rõ về thời hạn chuyển nhượng, tổ chức nhận chuyển nhượng.

Bà còn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án quy định hạn mức nhận chuyển nhượng mức nào thì phải thành lập tổ chức kinh tế, hạn mức bao nhiêu thì không cần phải thành lập, mà chỉ cần đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm pháp luật về đất đai. Bởi đối với cá nhân nhận chuyển nhượng thì sẽ có trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn, mà yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ không phù hợp…/.