Kết quả này dựa trên kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2018.

Báo cáo về kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội cho biết, chương trình khảo sát này nhằm nắm bắt thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á, châu Đại Dương. Từ đó, giúp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động thuận lợi tại khu vực này. Khảo sát được thực hiện từ ngày 9/10 đến ngày 9/11 năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng (ngồi giữa) tham dự Họp báo

Kết quả khảo sát 1.532 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, thì có 787 doanh nghiệp phản hồi hợp lệ và cho rằng có sự cải thiện rõ rệt về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, v

Về lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, so với kết quả khảo sát lần trước, tỷ lệ doanh nghiệp "có lãi" chiếm 65,3%, tăng 0,2 điểm so với năm 2017.

Cùng với đó, tỷ lệ có lãi đối với doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên dưới 80%, điều này cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi rất cao và các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, ông Kitagawa Hironobu cũng cho biết thêm, 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm "mở rộng” hoạt động kinh doanh, so với nước khác tỷ lệ này tương đối cao (như: Trung Quốc tỷ lệ này là 48,7%, Philippines là 52,4%, Indonesia là 49,2%...). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh một cách mạnh mẽ vào Việt Nam.

Ngay với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% doanh nghiệp có phương châm mở rộng kinh doanh, Việt Nam tiếp tục có vị thế là điểm đến đầu tư. Lý do chính của việc này là doanh thu tăng, hơn nữa nhiều doanh nghiệp thể hiện kỳ vọng vào tiềm năng và khả năng tăng trưởng cao.

Còn về mặt kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng được cho là những điều kiện thuận lợi giúp cho doanh nghiệp Nhật Bản có niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra cũng phải kể đển những điều kiện thuận lợi khác, như: chi phí nhân công rẻ, tỷ lệ mua nguyên, liệu linh phụ kiện trong nước, tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đạt 36.3%, đây là tỷ lệ có mức tăng cao nhất trong số các quốc gia tham gia khảo sát trong năm 2018.

Một điều đáng ghi nhận nữa đó là, trong việc hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản, thì số ngày làm thủ tục thông quan về tổng thể đã giảm so với năm trước.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, kết quả khảo sát cũng cho thấy, Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo Trưởng đại diện Jetro Hà Nội, có một số rủi ro trong môi trường đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam gặp phải. Cụ thể, trong số 5 hạng mục đứng đầu, thì có 4 hạng mục đã được cải thiện (đó là: giá nhân công, thuế và thủ tục thuế, thủ tục hành chính, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc), còn hạng mục "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch" lại cao hơn năm 2017 là 48,2%, tăng 1,3 điểm.

Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hơn 50% doanh nghiệp nêu khó khăn trong việc tăng lương cho nhân viên; trong thu mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại nước sở tại; và trong việc quản lý chất lượng. Mặc dù vậy, tỷ lệ này so với năm trước đã có cải thiện, đặc biệt là tỷ lệ nội địa hoá có cải thiện đáng kể, đạt 36,3%, tăng cao nhất trong số các quốc gia là đối tượng khảo sát.

Kể từ năm 2010, hằng năm tỷ lệ nội địa hoá đều gia tăng dần, tuy nhiên nếu so với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia thì vẫn ở mức thấp. So với các nước khác, tỷ lệ mua từ các nước khác (ngoài doanh nghiệp nội địa Việt Nam và Nhật Bản) thì cao, nhưng nhìn lại con số mua từ các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam 10 năm trở lại đây với tỷ lệ 14,4% là tương đối thấp và các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện điều này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, họ còn gặp khó khăn với thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng giá, cũng như băn khoăn về sự phức tạp trong thủ tục hành chính, như: xin giấy phép lao động, chính sách bảo hộ ngành công nghiệp ô tô…, hay vẫn thắc mắc vì sao phải nộp quỹ phòng chống thiên tai.

Đánh giá về kết quả khảo sát của Jetro, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kết quả khảo sát đã phản ánh thực tiễn, khách quan các hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, không chỉ cụ thể trong từng ngành, nghề mà còn ở từng vùng miền của Việt Nam. Với số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động có lãi tăng lên hơn 65% cho thấy tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đồng thời, qua đó cũng thấy được các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy công nghiệp phụ trợ bước đầu đã có hiệu quả từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2019, Chính phủ Việt Nam sẽ trình Quốc hội sửa đổi và hoàn thiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Nhật Bản.

Cũng đánh giá về kết quả khảo sát của Jetro, ông Đỗ Nhật Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả có nhiều thông số tích cực cho Việt Nam, những kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam sẽ được Cục ghi nhận, phối hợp với các bộ, ngành làm rõ, tháo gỡ./.