Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT với 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhiệm vụ giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021. Nguồn: Internet.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 với mục tiêu xuyên suốt là tiếp tục đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể:

(i) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao để tập trung đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục…

(ii) Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm bảo đảm thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề.

(iii) Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức; lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

(iv) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; bảo đảm cơ cấu, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, nhất là giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bảo đảm 100% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ vào năm học 2022-2023…

(v) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trọn gói; xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

(vi) Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; rà soát và bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, trong đó thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định, bảo đảm thực quyền theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học…

(vii) Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý giáo dục của các địa phương và các cơ quan, cơ sở giáo dục đào tạo của nước ngoài...

(viii) Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; hoàn thành các mục tiêu của chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

(ix) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, thực tập và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp….

Bên cạnh 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định 5 nhóm giải pháp cơ bản được duy trì và phát triển theo hướng trọng tâm, chi tiết, gồm:

(i) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục; ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết Luật Giáo dục năm 2019; rà soát các văn bản hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm bảo đảm phù hợp với các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục năm 2019…

(ii) Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đồng thời, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những cơ sở giáo dục đại học không bảo đảm chất lượng, hoạt động không hiệu quả để có phương án xử lý…

(iii) Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

(iv) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp và trình độ đào tạo; kiểm tra việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; thực hiện việc giám sát, đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định…

(v). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông, nâng cao hiệu quả việc phân tích và xử lý thông tin đáp ứng yêu cầu truyền thông của ngành.

Căn cứ Chỉ thị và tình hình thực tiễn, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.

Đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm kế hoạch năm học.

Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021; thực hiện các giải pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19…/.