Hoàng Trọng Nghĩa

Email: nghiaht@vnu.edu.vn

Nguyễn Văn Huấn

Email: huannguyen@vnu.edu.vn

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt

Giáo dục đại học ứng dụng chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội học tập với chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn so với trước đây do các trường học sẽ phải tốn ít chi phí hơn để chi trả cho các vấn đề liên quan đến mặt bằng, cơ sở vật chất, thiết bị… Bài viết này nhằm thảo luận các cấp độ chuyển đổi số và khung chuyển đổi số, phân tích chuyển đổi số trong giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng trên thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra một số hàm ý cho các cơ sở GDĐH ở Việt Nam.

Từ khóa: đại học, chuyển đổi số, giáo dục đại học, Việt Nam

Summary

The application of digital transformation in higher education will open up opportunities for learning at lower costs and more effectively than before because schools will have to spend less on issues related to premises, facilities, equipment, etc. This article aims to discuss the levels of digital transformation and the digital transformation framework and analyze digital transformation in education in general, higher education in particular in the world, and Vietnam, thereby giving some implications for higher education institutions in Vietnam.

Keywords: university, digital transformation, higher education, Vietnam

GIỚI THIỆU

Chuyển đổi số là khái niệm khá mới mẻ xuất hiện cùng với khái niệm công nghiệp 4.0 và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó, bản thân chuyển đổi số cũng được định nghĩa, được hiểu và áp dụng theo các cách tiếp cận không hoàn toàn thống nhất. Young và Rogers (2019) cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình thay đổi bắt nguồn từ dữ liệu, kết nối và ra quyết định hiện diện khắp nơi, giúp chuyển đổi sản phẩm, quy trình và cấu trúc tổ chức. Theo Wikipedia, chuyển đổi số là quá trình áp dụng và triển khai công nghệ số của một tổ chức nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động mới hoặc sửa đổi các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động hiện có bằng cách dịch các quy trình kinh doanh sang định dạng số[1]. Trong khi đó, IBM cho rằng, chuyển đổi số là sáng kiến ​​này đánh giá và hiện đại hóa các quy trình, sản phẩm, hoạt động và công nghệ của tổ chức để cho phép đổi mới liên tục, nhanh chóng và do khách hàng thúc đẩy[2]. Trong GDĐH, Mohamed Hashim và cộng sự (2022) cho rằng, chuyển đổi số được coi là một cách để thu hút sinh viên thượng lưu, cải thiện trải nghiệm của sinh viên, cung cấp tài liệu giảng dạy chất lượng và cung cấp hình thức học tập kết hợp.

Ở Việt Nam, theo định nghĩa nêu tại Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý chuyên ngành về công nghệ thông tin, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số[3].

Như vậy, chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức, doanh nghiệp truyền thống sang tổ chức, doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa tổ chức, doanh nghiệp. Với việc tác động khá toàn diện vào đời sống hiện nay, khái niệm chuyển đổi số được sử dụng không thống nhất, điều này khiến khái niệm chuyển đổi số bị nhầm lẫn với những khái niệm khác như: số hóa và ứng dụng số hóa . Hình 1 cho thấy, việc định nghĩa ra 3 cấp độ của chuyển đổi số sẽ giúp làm rõ phạm vi và mức độ của các hoạt động liên quan. Cụ thể như sau:

Hình 1: Các cấp độ của chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Cấp độ 1: Số hóa (Digitazation) là việc biến đổi các thực thể (đối tượng trên thực tế) từ dạng tự nhiên, dạng vật lý sang dạng số, tức là tạo ra phiên bản số của các thực thể. Ví dụ đơn giản nhất của số hóa là các tài liệu, giấy tờ được lưu trữ dưới dạng giấy sẽ được quét (scan) và nhận dạng (hoặc nhập liệu) để hình thành dữ liệu số.

Cấp độ 2: Khai thác cơ hội số (Digitalization) là dùng công nghệ số và dữ liệu vào quy trình hoạt động của tổ chức. Đây chính là việc ứng dụng công nghệ số khi các cơ hội số xuất hiện ngày càng nhiều. Bản chất của cấp độ này là thích ứng và các tổ chức phải luôn đổi mới mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh để nắm bắt được các cơ hội này.

Cấp độ 3: Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc trên môi trường số, với các công nghệ số. Bản chất của chuyển đổi số là sự sáng tạo.

Như vậy, mặc dù có các định nghĩa, phân loại không đồng nhất, nhưng chúng ta có thể thấy một số điểm chính liên quan đến chuyển đổi số, sẽ làm tham chiếu trong quá trình xác định, đề xuất chuyển đổi số cho bất kỳ tổ chức nào. Tựu chung lại có 3 điểm chính là nội hàm của hoạt động chuyển đổi số: (1) Ứng dụng công nghệ số; (2) Thay đổi mô hình kinh doanh/mô hình hoạt động; (3) Tạo ra giá trị mới, dịch vụ mới.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRÊN THẾ GIỚI

Chuyển đổi số trong giáo dục nói chung, hay cụ thể hơn là đối với các tổ chức giáo dục, hoạt động chuyển đổi số cũng sẽ phải được triển khai từ các định nghĩa, cách tiếp cận như trình bày ở phía trên. Điểm riêng biệt của mỗi tổ chức sẽ được làm rõ khi trả lời các câu hỏi: (1) Tổ chức đó cung cấp những dịch vụ gì? (2) Khách hàng của tổ chức là những ai? Họ tham gia sử dụng những dịch vụ gì? (3) Các hoạt động quản trị, vận hành của tổ chức để đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ cho khách hàng?

Qua tìm hiểu thông tin về hiện trạng hay kế hoạch chuyển đổi số của các Trường đại học hàng đầu thế giới và khu vực như các trường đại học tại Mỹ (Harvard, Standford, Viện Công nghệ Massachusetts), Trường Đại học Quốc gia Singapore, có rất ít thông tin về kế hoạch hay hoạt động triển khai chuyển đổi của các trường này. Điều này có thể giải thích là, các trường đại học lớn đã triển khai ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong việc dạy, học và cung cấp các dịch vụ, tiện ích trong một thời gian dài. Bản thân khái niệm chuyển đổi số là mới được đưa ra, trong khi nội hàm các công việc chuyển đổi số đã được các trường trên thế giới áp dụng thực tế từ trước đó. Các trường đều cung cấp các khóa học đại chúng (MOOC) cho người học có thể đăng ký và tham dự học miễn phí. Tuy nhiên, chỉ những cá nhân đóng phí mới được kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ có giá trị, được công nhận toàn cầu. Hay như hệ edX là nền tảng học trực tuyến của Harvard, Udacity là nền tảng học trực tuyến của Standford đã được triển khai, thu hút số lượng lớn người học.

Một số hãng công nghệ lớn cũng đầu tư và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục và đã đề xuất thành mô hình khung làm cơ sở tham chiếu khi áp dụng. Điển hình là Hãng công nghệ Microsoft đã đưa ra Khung chuyển đổi số áp dụng riêng cho giáo dục (Hình 2).

Hình 2: Khung chuyển đổi số trong giáo dục được định nghĩa từ Microsoft

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam
Nguồn: https://learn.microsoft.com/en-us/training/educator-center/

Mô hình chuyển đổi số trong giáo dục của Microsoft đề ra bao gồm:

(1) Lãnh đạo và chính sách: Tầm nhìn cho sự thay đổi; Sự hòa nhập và khả năng tiếp cận; Hoạch định chiến lược và đảm bảo chất lượng; Quan hệ đối tác và nâng cao năng lực trong Trường.

(2) Dạy và học hiện đại: Phát triển năng lực giảng dạy cho giáo viên và kỹ năng lãnh đạo; Phát triển các chương trình giảng dạy và công cụ giảng dạy; Phát triển môi trường tự học, tự nghiên cứu; Trải nghiệm học tập liên tục.

(3) Môi trường học tập thông minh: Định hướng mục đích cho không gian học tập dễ tiếp cận tới người học; Thiết kế môi trường bền vững và đáp ứng cho người học: Môi trường thông minh và được tích hợp bảo mật: Quản lý cơ sở vật chất.

(4) Thiết kế công nghệ mới: Quản lý vận hành và Công nghệ Thông tin; Thiết bị học tập; Thông tin chi tiết cho hướng dữ liệu; Nền tảng học tập hợp tác.

Như vậy, Microsoft đưa ra mô hình chuyển đổi số trong giáo dục theo hướng tiếp cận Khung tham chiếu chuyển đổi số, để từ đó tham chiếu và cụ thể hóa áp dụng cho từng đơn vị, tổ chức giáo dục riêng biệt. Microsoft có nhấn mạnh đến yếu tố lãnh đạo, tầm nhìn của lãnh đạo và trọng tâm vào hai nội dung chính là hiện đại hóa môi trường học tập và dạy, học hiện đại.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Chính sách và kết quả chuyển đổi số trong GDĐH

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020), trong đó giáo dục đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Trong đó chỉ ra 3 trụ cột chính của chuyển đổi số trong giáo dục gồm: Chuyển đổi số trong các hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá; Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục và quản lý ngành giáo dục; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/01/2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở GDĐH (theo Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT, ngày 30/12/2022).

Theo Báo cáo sơ kết công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024), ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Trong đó, cơ sở dữ liệu về GDĐH (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đối với dữ liệu cơ sở giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26,000 cơ sở giáo dục; gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh. Đối với cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập, gần 500 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em.

Ngành giáo dục đã xác định hoạt động chuyển đổi số của GDĐH sẽ có những đặc trưng như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi số mang lại hiệu quả cho chính cơ sở GDĐH, sẽ khuyến khích nhà trường xem xét lại mọi quy trình, quá trình của mình từ các ý tưởng về quản trị, vận hành phòng ban giảng dạy như thế nào, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý để sao cho gia tăng được hiệu quả trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong nhà trường. Như vậy, chuyển đổi số mang lại giá trị tích cực cho các bên liên quan, đặc biệt người học được hưởng lợi nhiều nhất.

Thứ hai, khi cơ sở giáo dục thay đổi từ phương thức truyền thống sang việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm để cùng tạo dựng nên một cơ sở dữ liệu GDĐH đã được số hóa thì cũng là một sự đóng góp rất lớn hỗ trợ không chỉ công tác quản trị trong nhà trường, mà còn hỗ trợ cho cả quản lý nhà nước về GDĐH nói chung. Bởi vì, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như vậy, theo thời gian tích lũy thành nguồn, thành kho dữ liệu, sẽ giúp có được một cái nhìn tổng thể để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn, với nhu cầu của thị trường lao động, của nền kinh tế xã hội, bắt kịp với sự thay đổi, sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Như vậy, công tác quản lý nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn.

Thứ ba, khi hệ thống GDĐH gia tăng được mức độ chuyển đổi số thì cũng góp phần nâng cao được năng lực và chất lượng đào tạo, góp phần tạo ra những sản phẩm đóng góp vào những lĩnh vực khác nhau trong nên kinh tế quốc dân, sẽ lan tỏa chuyển đổi số sang những ngành nghề khác, đồng thời góp phần thực hiện những mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới của Việt Nam.

Chuyển đổi số tại một số trường đại học

Đại học Bách Khoa Hà Nội

Chuyển đổi số tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đang được Ban lãnh đạo nhìn nhận và triển khai với những phương châm chính sau:

Một là, những thành tố quan trọng để triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong giáo dục là con người - thầy và trò; phương thức dạy và học; kỹ thuật và hạ tầng công nghệ. Trong cả 3 thành tố trên, con người thực sự đóng vai trò then chốt, đó là quyết tâm của lãnh đạo các cấp, thay đổi nhận thức của thầy và trò.

Hai là, coi chuyển đổi số là cơ hội để sinh viên làm chủ các kỹ năng làm việc trong môi trường số tốt hơn, sẽ học tập các kiến thức chuyên ngành tốt hơn thông qua sự thay đổi trong phương thức học tập, kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn.

Ba là, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Bốn là, chuyển đổi số là thay đổi tư duy, tái cấu trúc lại dịch vụ và sản phẩm, tạo đột phát về môi trường trải nghiệm, tối ưu hóa quy trình, hệ thống hiện tại.

Năm là, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng eHUST (https://e.hust.edu.vn/) và ứng dụng trên molibe làm trung tâm cho hoạt động chuyển đổi số, từ đó bổ sung dần các ứng dụng, tiện ích và tiến tới khai thác dữ liệu, nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định.

Như vậy, với cách nhìn nhận và định hướng chuyển đổi số của Đại học Bách Khoa Hà Nội, có thể rút ra một số điểm nhấn cần tham khảo như: “Quyết tâm của lãnh đạo các cấp”, “Thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo”, “Thay đổi tư duy, tối ưu hóa quy trình, tái cấu trúc lại dịch vụ và sản phẩm”, “Phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định”.

Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh

Hình thành từ Viện Đào tạo mở rộng trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý Đại học – Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề từ năm 1990, ngày 26/7/1993 Trường Đại học Mở Bán công TP.HCM chính thức được thành lập. Ngày 22/6/2006 đánh dấu mốc quan trọng với việc trường chuyển thành trường đại học công với tên gọi là Trường Đại học Mở Bán công TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là thời điểm trường bắt đầu tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ và người học được chủ động đăng ký môn học trực tuyến trên mạng internet. Việc quản lý lớp học, lịch học, thời khóa biểu và các thông tin tổng thể khác của người học cũng đã được cập nhật vào hệ thống dữ liệu chung, giúp khâu quản lý học tập và giảng dạy được ổn định hơn.

Năm 2016, các chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến tại trường chính thức được triển khai sau một quá trình dài chuẩn bị, cùng với việc trường thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến. Các chương trình đào tạo trực tuyến này đã đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội và cũng đánh dấu sự chuyển đổi số trong đào tạo của trường. Hệ thống học tập trực tuyến hiện đại – LMS 3.5, cùng với chương trình đào tạo được trường thiết kế theo chuẩn chất lượng quốc tế của tổ chức Quality Matters – Hoa Kỳ đã và đang giúp người học theo đuổi khát vọng học bất cứ khi nào, ở bất kỳ nơi đâu.

Đến hết năm 2023, 100% các môn học đều sử dụng LMS trong quá trình dạy và học của trường. Với nền tảng và công nghệ đào tạo trực tuyến có từ trước, từ năm 2019, Trường đã bắt đầu thí điểm mô hình đào tạo kết hợp (blended learning) cho sinh viên đại học chính quy tập trung. Đó là lý do Nhà trường đã ứng phó một cách kịp thời trong đại dịch Covid-19, vẫn đảm bảo việc học và dạy không bị gián đoạn. Giảng viên có thể chuyển sang dạy - học trực tuyến qua LMS và các phần mềm video conference đối với các nhóm lớp có sự đồng thuận của người học. Đặc biệt năm 2021, tiếp tục sứ mạng phục vụ lợi ích cộng đồng, với tinh thần luôn cầu thị và đổi mới sáng tạo, trường đã nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng hệ thống VMOOCs (Vietnam Massive Open Online Courses), cung cấp miễn phí các khóa học trực tuyến mở đại chúng Việt Nam. Đây còn là một “nền tảng số”, hưởng ứng mục tiêu của Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa”, được Chính phủ triển khai từ năm 2018. Năm 2023, Trường đã có hơn 15.000 học viên trên khắp cả nước và các quốc gia lân cận, như: Malaysia, Philippines…, tham gia chương trình cử nhân trực tuyến với 15 ngành đào tạo: Marketing, ngôn ngữ Anh, luật học, luật kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực, kinh doanh quốc tế, kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Trung Quốc, Quản lý xây dựng, Du lịch, Xã hội học, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Trường sẽ tiếp tục triển khai các khóa học online ngắn hạn, như: khóa luyện thi TOEIC, luyện thi TOPIK tiếng Hàn, luyện thi đầu vào kiểm toán viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của xã hội (CTV, 2023).

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà trường luôn nhận thức tầm quan trọng và cách thức mà quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến nhiều khía cạnh, từ phương thức quản trị đại học đến phong cách giảng dạy, học tập và nhận thức của giảng viên và sinh viên. Tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo” tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 27/03/2024, Lãnh đạo Nhà trường cho rằng, chuyển đổi số không chỉ cần được chú trọng trong hoạt động dạy - học, mà cả trong các khâu quản lý đào tạo, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Và quan trọng nhất là xây dựng các chiến lược số trọng tâm để từng bước thay đổi căn bản và toàn diện phương thức quản lý và quản trị nhà trường, tạo môi trường làm việc và học tập hiện đại, sẵn sàng thích ứng với những thách thức và cơ hội của một thế giới số hóa. Trên cơ sở đó, đội ngũ các nhà quản lý, các chuyên viên, giảng viên và sinh viên Nhà trường cần được trang bị các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ việc quản lý đào tạo, giảng dạy và học tập.

Qua tìm hiểu các thông tin trong giai đoạn vừa qua, Trường đã triển khai được các hệ thống sau:

Một là, hệ thống đào tạo trực tuyến đã được trường triển khai cùng với mô hình lớp học đảo ngược và học kết hợp.

Hai là, hệ thống quản lý đào tạo đã được triển khai tại trường để hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động đào tạo.

Ba là, đã được triển khai tại Nhà trường để hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động đào tạo như “không gian thật”, triển khai tại trường để hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động đào tạo như “không gian thật” với 3 trường quay hiện đại phục vụ.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nhà trường đã nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo, quản lý khoa học và dịch vụ… để kịp thời, đem đến những lợi ích tối ưu cho người dạy và người học trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trường đã đưa ra một loạt phương pháp học tập mới như lớp học trực tuyến E-learning, học tập thông qua dự án, bằng ứng dụng thực tế ảo. Điều này giúp cá nhân hóa việc học cho từng sinh viên, nâng cao được hiệu quả học và giảng dạy lên vượt trội. Ngoài ra, phòng học được trang bị hệ thống thiết bị điện tử thông minh để trở thành các phòng học thông minh, có những phần mềm về quản lý sẽ giúp giảng viên có thể nắm được tiến trình học tập của sinh viên. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình vận hành trường học, như: quy trình đăng ký học các môn theo hình thức đăng ký tín chỉ online, quy trình luân chuyển công văn, giấy tờ điện tử, quy trình quản lý các dịch vụ chung, quy trình hỗ trợ, tư vấn cho người học.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những tiện ích mang lại giúp cho việc học và dạy trở nên nhẹ nhàng và thông minh hơn, thì chuyển đổi số trong giáo dục đại học vẫn gặp khá nhiều trở ngại và thách thức, như sau:

Thách thức chiến lược: Các trường đại học còn chưa xây dựng và triển khai được chiến lược chuyển đổi số trong dài hạn nhằm giá trị mang tới cho người học từ người dạy và hệ thống đào tạo. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn và quan điểm hành động của ban lãnh đạo nhà trường, không nên coi chuyển đổi số chỉ là các sáng kiến kỹ thuật số ngắn hạn, như: triển khai các phần mềm ứng dụng, mà phải xác định và truyền thông đây là một chiến lược dài hạn của Trường.

Thách thức về chi phí đầu tư: Thực tế, đầu tư vào chuyển đổi số mang bản chất của đầu tư công nghệ, mang tính rủi ro cao, đây cũng là xu thế chung đang phát triển nên các tiêu chí đánh giá vẫn chưa rõ ràng và rất khó lượng hóa. Chuyển đổi số có rất nhiều chi phí ẩn, ngoài một chi phí hiển nhiên là chi phí phần mềm thì các chi phí về thời gian, đào tạo, vận hành... cũng là một khoản rất đáng kể.

Do đó, tính toán chi phí, đánh giá khả năng sinh lời và huy động vốn thực hiện đầu chuyển đổi số là bài toán khó đối với bất kỳ đơn vị nào, kể cả các trường đại học. Trong khi, đầu tư vào chuyển đổi số nhất là tại các trường đại học tại Việt Nam là một khoản khổng lồ và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc vào đối tác cung cấp nền tảng, sự phát triển của khoa học và công nghệ, cũng như sự phù hợp với đặc thù của mỗi trường.

Thách thức về nguồn lực công nghệ: Để giáo dục trực tuyến, toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần phải số hóa để thực hiện quy trình quản lý người học và thực hiện đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập. Hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học). Bên cạnh đó, do đa phần các trường mang đặc thù giáo dục đào tạo, nên đều thiếu nguồn lực, đặc biệt bộ phận công nghệ thông tin, cũng là trở ngại lớn đối với các trường đại học Việt Nam trong triển khai chuyển đổi số.

Thách thức về nguồn nhân lực triển khai ở 3 góc độ tại các trường đại học Việt Nam: (i) Liên quan đến việc các cán bộ và nhân viên quản lý và trong các bộ phận hỗ trợ thiếu hoặc không đủ khả năng triển khai sử dụng các nền tảng số; (ii) Trình độ kỹ thuật số thấp của đội ngũ giảng viên, đặc biệt đội ngũ trung niên, có nhiều kinh nghiệm nhưng tiếp xúc hạn chế với công nghệ; (iii) Khoảng cách thế hệ giữa các học viên được coi là thành thạo công nghệ số và các giảng viên, học viện phải thích ứng và học cách sử dụng công nghệ. Sự chênh lệch thế hệ này tạo ra những rào cản đáng kể về tâm sinh lý đối với các bên tham gia trong truyền tải và tiếp nhận kiến thức.

Thách thức thay đổi phương pháp sư phạm và chương trình giảng dạy: Chuyển đổi số không chỉ giới hạn trong tài liệu số, giảng dạy trực tuyến, mà cần sự tham gia sáng tạo của đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu trong xây dựng và triển khai các các mô hình và môi trường dạy và học mới; nói cách khác là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Công việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý học thần kinh, trí tuệ nhân tạo vào thiết kế nội dung cũng như công cụ thực hiện giảng dạy, tận dụng thế mạnh của công nghệ để thực hiện cá nhân hoá chương trình giáo dục, điều không thể thực hiện được khi đào tạo trực tiếp truyền thống với sĩ số học sinh đông (50-60 học sinh/lớp) như ở các thành phố lớn ở Việt Nam.

Thách thức về bảo mật dữ liệu và các vấn đề pháp lý liên quan: Công nghệ số kết nối vạn vật mang lại nhiều lợi ích, thời cơ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh mạng. Thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.

MỘT SỐ HÀM Ý

Từ thực trạng nói trên, tác giả rút ra một số hàm ý trong chuyển đổi số GDĐH ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các trường đại học trong việc chuyển đổi số nhằm xây dựng văn hóa số trong GDĐH. Để có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong quản trị trường đại học, trong dạy và học, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người từ lãnh đạo nhà trường đến giảng viên, nhân viên và người học.

Thứ hai, văn hóa nhà trường cũng là một trong những thành phần giúp cho quá trình chuyển đổi số của trường đại học đạt hiệu quả cao. Để nhà trường vận hành có hiệu quả trong chuyển đổi số, thì trường đại học phải xây dựng được văn hóa làm việc từ xa thay cho văn hóa làm việc trực tiếp, như: truyền thống; xây dựng được quy tắc ứng xử chuẩn mực của cán bộ viên chức, sinh viên khi làm việc trên không gian mạng; xây dựng được văn hóa học tập suốt đời trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên và thúc đẩy sự liêm chính về học thuật khi mà các dữ liệu được khai thác dễ dàng qua internet.

Thứ ba, trong đào tạo cần thực hiện chuyển đổi số qua nhiều khía cạnh, trong đó có việc rút ngắn quy trình tuyển sinh bằng cách sử dụng các công cụ số, tổ chức giảng dạy trên môi trường số để sinh viên có thể học tập ở bất cứ địa điểm nào có kết nối internet, mà không phải đến trường. Hơn nữa, đào tạo từ xa cần thông qua các nền tảng Microsoft Teams, Zoom, Google Meets và một vài nền tảng khác. Xây dựng các video bài giảng quay sẵn để đăng tải lên các website. Kết nối các phương thức thanh toán điện tử cùng việc đăng ký học trực tuyến. Các trường đại học cần triển khai nền tảng quản trị tổng thể đại học EMS (Education Management System) trong việc quản lý, điều hành, quản trị tổng thể hoạt động, từ cơ sở vật chất, nhân lực, đến sinh viên, hội sinh viên, lớp và hoạt động quản lý đào tạo. Các tương tác giữa người học, giảng viên, cán bộ quản lý được thực hiện thông qua nền tảng quản trị số.

Muốn thực hiện có hiệu quả việc giảng dạy này, các trường đại học phải xây dựng hệ thống học liệu trực tuyến một cách có hệ thống để người học có tài liệu học tập từ xa qua mạng Internet, có bài giảng trực tuyến để tự học, có hệ thống đánh giá trực tuyến để sinh viên có thể tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân trong quá trình đào tạo. Đại học sử dụng LMS (Learning Management Systems) - Hệ thống quản lý đào tạo để thay đổi hoàn toàn phương thức từ đào tạo, đánh giá và làm nền tảng số để cung cấp các dịch vụ đào tạo, hướng đến cá nhân hóa đào tạo. Cùng với LMS, sử dụng LCMS (Learning Content Management Systems) có sự sáng tạo bài giảng trong đội ngũ giảng viên. Cần thời gian rất lớn thay đổi trong giáo án cũng như cách giảng dạy.

Thứ tư, các trường đại học cần chuyển đổi số mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đây là một trong những trụ cột quan trọng của một trường đại học, vì vậy quá trình chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà trường. Chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học trước hết phải giúp giảng viên, sinh viên có điều kiện tham gia nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế được thực hiện trên môi trường số. Giảng viên và sinh viên phải được tiếp xúc, khai thác các tài liệu khoa học trên môi trường số phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học như: các sách chuyên khảo, các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học của trường đại học trong quá trình chuyển đổi số cũng được thực hiện theo định hướng giúp thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp.

Thứ năm, chú trọng đào tạo nhân sự đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đội ngũ phải được đào tạo đầu tiên là giảng viên, vì giảng viên quyết định chất lượng đào tạo của trường và giảng viên là nhân tố chủ chốt vận hành hệ thống đào tạo, hằng ngày tiếp xúc với sinh viên trên môi trường số. Giảng viên phải được đào tạo để có thể sử dụng các công cụ số trong giảng dạy trực tuyến, đánh giá sinh viên trực tuyến và hỗ trợ sinh viên học tập trực tuyến. Giảng viên cũng phải là người thành thạo trong việc khai thác các tài nguyên trực tuyến cho công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên của các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ quản lý nhà trường bằng các công cụ số. Đội ngũ này phải được đào tạo để sử dụng thành thạo các nghiệp vụ trên nền tảng số, như: quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài nguyên số…/.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022), Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT, ngày 30/12/2022 ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở GDĐH.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024), Báo cáo sơ kết công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, ngày 09/7/2024.

3. CTV (2023), Những dấu ấn chuyển đổi số tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, truy cập từ https://dangcongsan.vn/giao-duc/nhung-dau-an-chuyen-doi-so-tai-truong-dai-hoc-mo-tp-ho-chi-minh-644782.html.

4. Mohamed Hashim, M., Tlemsani, I., Matthews, R. (2022), Higher education strategy in digital transformation, Education and Information Techonologies, 27, 3171-3195.

5. Pham Thi To Loan (2023), Digital transformation in global higher education: A review of literature and implications for Vietnamese universities, Dong Thap University Journal of Science, 12(7), 3-11.

6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/01/2022 phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

8. Young, A., Rogers, P. (2019), A review of digital transformation in mining, Mining, Metallurgy & Exploration, 36, 683–699, https://doi. org/10.1007/s42461-019-00103-w.

Ngày nhận bài: 29/11/2024; Ngày phản biện: 06/12/2024; Ngày duyệt đăng: 24/12/2024

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_transformation

[2] https://www.ibm.com/topics/digital-transformation

[3] https://mic.gov.vn/cam-nang-chuyen-doi-so-197152588.htm