Ảnh hưởng của các chỉ số tài chính đến chính sách cổ tức của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Hằng
Trường Đại học Hải Phòng
Tóm tắt
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam có chính sách chi trả cổ tức ổn định và mức chi trả cao, phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn. Nghiên cứu về ảnh hưởng của các chỉ số tài chính đến chính sách cổ tức của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, các yếu tố tài chính như lãi cơ bản trên mỗi cổ phần (EPS), tỷ lệ chi trả cổ tức năm liền trước và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu có tác động đáng kể đến tỷ lệ chi trả cổ tức. Cụ thể, EPS và tỷ lệ chi trả cổ tức năm liền trước có mối quan hệ thuận chiều, trong khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ có tác động ngược chiều với mức chi trả cổ tức hàng năm.
Từ khoá: chính sách cổ tức, công ty bảo hiểm, thị trường chứng khoán Việt Nam
Summary
Many insurance companies in Vietnam have stable dividend payout policies with high payout ratios, making them suitable for long-term investors. Research on the impact of financial indicators on the dividend policies of listed insurance companies in Vietnam has shown that financial factors such as earnings per share (EPS), the previous year's dividend payout ratio, and return on equity (ROE) significantly affect the dividend payout ratio. Specifically, EPS and the previous year's dividend payout ratio have a positive correlation with the current payout, while return on equity (ROE) has an inverse impact on the annual dividend distribution.
Keyword: dividend policy, insurance company, Vietnam stock market
GIỚI THIỆU
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Cổ tức có thể được coi như một khoản thưởng cho các cổ đông khi họ sẵn sàng bỏ vốn và chấp nhận những rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu của công ty cổ phần. Mỗi công ty có chính sách cổ tức riêng dành cho các cổ đông, tuỳ thuộc vào đặc điểm, tình hình hoạt động kinh doanh.
Chính sách cổ tức là một trong những quyết định tài chính quan trọng của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị công ty, quyền lợi của cổ đông và chiến lược phát triển dài hạn. Đối với các công ty bảo hiểm, chính sách cổ tức còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định tài chính, cân đối giữa lợi ích của cổ đông và yêu cầu về vốn theo quy định của cơ quan quản lý. Trong lĩnh vực bảo hiểm, các chỉ số tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng và mức độ chi trả cổ tức. Các chỉ số như tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA), đòn bẩy tài chính, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế,… có thể tác động đáng kể đến chính sách cổ tức của công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của từng chỉ số tài chính vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong bối cảnh đặc thù của ngành bảo hiểm, nơi có yêu cầu dự trữ vốn và quản lý rủi ro cao.
Do đó, nghiên cứu này tập trung phân tích các chỉ số tài chính ảnh hưởng đến chính sách cổ tức của các công ty bảo hiểm. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng chính sách cổ tức tối ưu mà còn cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư trong việc đánh giá và ra quyết định đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu cũng góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc giám sát và điều chỉnh các quy định liên quan đến quản lý vốn và phân phối lợi nhuận trong ngành bảo hiểm.
MÔ HÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu
Kế thừa kết quả nghiên cứu với kết luận rằng, các doanh nghiệp thường duy trì chính sách cổ tức ổn định và quyết định chi trả cổ tức bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận hiện tại cũng như mức cổ tức của năm trước; ROA và ROE có tác động cùng chiều đến chính sách cổ tức hàng năm (Lintner, 1956); Phát hiện ngày càng ít doanh nghiệp trả cổ tức và những doanh nghiệp trả cổ tức thường có quy mô lớn, lợi nhuận cao nhưng cơ hội tăng trưởng thấp (Fama & French, 2001); Nên ưu tiên duy trì mức cổ tức ổn định hơn là thay đổi theo lợi nhuận ngắn hạn (Brav và các cộng sự, 2005); Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) và khả năng sinh lời (ROE) có mối tương quan cùng chiều với chính sách cổ tức của doanh nghiệp Việt Nam; Khi thu nhập và khả năng sinh lời đạt được càng cao, thì càng có nhiều cơ hội lựa chọn và chủ động hơn trong việc ra các quyết định liên quan đến cổ tức (Lê Thảo Vy, 2010); Thu nhập trên mỗi cổ phiếu, khả năng sinh lợi và chính sách cổ tức trong quá khứ có tác động đến chính sách cổ tức (Ngọc và Cường, 2014), tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của các chỉ số tài chính đến chính sách cổ tức của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với lập luận: Các yếu tố lãi cơ bản trên một cổ phần (EPS), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất sinh lời của vốn chủ (ROE), tỷ lệ chi trả cổ tức của năm liền trước (DYt-1), và tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế (ttLNST) có ảnh hưởng đến tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại (Yt).
Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Lãi cơ bản trên một cổ phần (EPS) có tác động cùng chiều với tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại (DYt) của các công ty bảo hiểm niêm yết.
H2: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) có tác động cùng chiều với tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại (DYt) của các công ty bảo hiểm niêm yết.
H3: Tỷ suất sinh lời của vốn chủ (ROE) có tác động cùng chiều với tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại (DYt) của các công ty bảo hiểm niêm yết.
H4: Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế (ttLNST) có tác động cùng chiều với tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại (DYt) của các công ty bảo hiểm niêm yết.
H5: Tỷ lệ chi trả cổ tức năm liền trước (DYt-1) có tác động cùng chiều với tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại (DYt) của các công ty bảo hiểm niêm yết.
Bảng 1: Mô tả quan hệ các biến trong mô hình
STT | Các biến | Chú thích | Quan hệ với biến phụ thuộc |
1 | DYit | Biến phụ thuộc |
|
2 | EPSit | Biến độc lập | Quan hệ cùng chiều (+) |
3 | ROAit | Biến độc lập | Quan hệ cùng chiều (+) |
4 | ROEit | Biến độc lập | Quan hệ cùng chiều (+) |
5 | ttLNSTit | Biến độc lập | Quan hệ cùng chiều (+) |
6 | DYi(t-1) | Biến độc lập | Quan hệ cùng chiều (+) |
Từ giả thuyết nghiên cứu trên, mô hình nghiên cứu được xây dựng như sau:
DYt = f (EPS, ROA, ROE, ttLNST, DYt-1)
Trong đó:
DYt: Tỷ lệ chi trả cổ tức năm hiện tại
EPS: Lãi cơ bản trên một cổ phần thường
ROA: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản
ROE: Tỷ suất sinh lời của vốn chủ
ttLNST: Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế
DYt-1: Tỷ lệ chi trả cổ tức năm liền trước
Trên cơ sở đó, mô hình hồi quy nghiên cứu mối quan hệ của các chỉ số tài chính đến chính sách cổ tức của công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam được xây dựng như sau:
DYit = a0 + a1EPSit + a2ROAit + a3ROEit + a4ttLNSTit + a5DYi(t-1) + eit
Trong đó:
DYit: Tỷ lệ chi trả cổ tức năm hiện tại của công ty i trong năm t.
EPSit: Lãi cơ bản trên một cổ phần thường của công ty i trong năm t.
ROAit: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của công ty i trong năm t.
ROEit: Tỷ suất sinh lời của vốn chủ của công ty i trong năm t.
ttLNSTit: Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế công ty i trong năm t.
DYi(t-1): Tỷ lệ chi trả cổ tức năm liền trước của công ty i trong năm t.
e: là một sai số ngẫu nhiên với phương sai liên tục và có giá trị bằng 0.
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu được tác giả thu thập từ các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên của 07 công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE (BIC, BMI, BVH, PGI) và HNX (PTI, PVI, VNR) trong giai đoạn 2014-2023. Tác giả truy cập vào trang https://finance.vietstock.vn/ và tính toán các chỉ tiêu EPS, ROA, ROE, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm.
Phương pháp nghiên cứu
Để xử lý dữ liệu nghiên cứu, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm kiểm chứng và xác định mối quan hệ giữa các biến số trong mô hình nghiên cứu. Tác giả sử dụng phần mềm STATA 17 để kiểm định mô hình hồi quy bội OLS, mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên REM và mô hình hiệu ứng cố định FEM. Tiếp theo đó, thực hiện kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình phù hợp nhất. Sau khi lựa chọn được mô hình phù hợp, tác giả kiểm tra hiện tượng phương sai đồng nhất và tự tương quan để hiệu chỉnh mô hình nếu cần thiết (bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Thực hiện hồi quy theo mô hình OLS
Hồi quy theo mô hình OLS thu được kết quả: giá trị P-Value của các biến ROA, ttLNST đều > 5%, do đó 2 biến này không có ý nghĩa thống kê trong việc tác động đến tỷ lệ chi trả cổ tức của các công ty bảo hiểm (Bảng 2).
Bảng 2: Mô hình hồi quy Pool OLS
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp phân tích từ phần mềm Stata17 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp phân tích từ phần mềm Stata17
Kết quả Bảng 3 sau khi chạy lại mô hình hồi quy OLS đã loại bỏ 2 biến ROA và ttLNST cho thấy: Hệ số R2 hiệu chỉnh = 51,46%; kiểm định F với giá trị Sig. = 0%, nên mô hình hoàn toàn có ý nghĩa. Bên cạnh đó, hệ số hồi quy Coef của biến ROE mang giá trị âm, nghĩa là biến ROE có tác động ngược chiều đến tỷ lệ chi trả cổ tức. Và ngược lại, các biến EPS, DYt-1 có tác động cùng chiều tới tỷ lệ chi trả cổ tức DYt.
Bảng 3: Mô hình Pool OLS sau khi loại bỏ biến ROA, ttLNST
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata17 |
Bảng 4 cho thấy: Giá trị Mean VIF bằng 3,32 và VIF của các biến EPS, ROE, DYt-1 đều < 5, do đó hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình được đánh giá là không nghiêm trọng.
Bảng 4: Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến mô hình Pool OLS
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata17 |
Tiếp tục thực hiện mô hình hồi quy FEM (Bảng 5) và REM (Bảng 6) để so sánh mức độ phù hợp của các mô hình này so với mô hình hồi quy OLS. Kết quả cho thấy, hệ số Prob>F = 0.0015 (tức 0.15%) < 5%, điều này cho biết mô hình FEM phù hợp hơn mô hình OLS.
Bảng 5: Mô hình hồi quy FEM
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata17 |
Bảng 6: Mô hình hồi quy REM
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata17 |
Bảng 7: Kiểm định Hausman mô hình FEM, REM
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata17 |
Kiểm định Hausman mô hình FEM, REM cho giá trị Prob>chi2 < 5%, cho thấy mô hình FEM phù hợp hơn mô hình REM.
Khi thực hiện kiểm định phương sai đồng nhất và kiểm định sự tự tương quan trong mô hình FEM, kết quả cho thấy giá trị Sig đều < 5%, cho thấy mô hình FEM xuất hiện phương sai đồng nhất và tự tương quan. Do đó, tác giả chạy mô hình GLS để khắc phục phương sai thay đổi và tự tương quan ở mô hình FEM (Bảng 8).
Bảng 8: Mô hình hiệu chỉnh GLS
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata17 |
Kết quả chạy mô hình hiệu chỉnh GLS có giá trị kiểm định P-Value < 5%, cho thấy các biến độc lập EPS, ROE, DYt-1 đều giải thích được sự biến động chính sách cổ tức của các công ty bảo hiểm niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể:
DYt= 3,618 + 0,00412EPS – 0,46ROE + 0,505DYt-1 + eit
Kết quả này được lý giải như sau:
- Tác động của chỉ tiêu lãi cơ bản trên một cổ phần thường (EPS): Với mức ý nghĩa 1%, hệ số Coef dương, cho biết tác động của EPS đến tỷ lệ chi trả cổ tức DYt là cùng chiều. Nghĩa là EPS của doanh nghiệp càng cao, thì mức chi trả cổ tức càng tăng, hay trước khi đưa ra quyết định về chính sách cổ tức thì lãnh đạo doanh nghiệp phải dựa vào mức thu nhập của doanh nghiệp để xác định mức chi trả cổ tức phù hợp. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết đã chỉ ra và tương đồng với nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế.
- Tỷ lệ chi trả cổ tức năm liền trước DYt-1 có mối quan hệ cùng chiều với tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm DYt của doanh nghiệp, cho thấy các công ty bảo hiểm có kết quả kinh doanh tốt và xu hướng duy trì mức chi trả cổ tức ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu trên thế giới về chính sách chi trả cổ tức của doanh nghiệp.
- Tỷ suất sinh lời của vốn chủ (ROE) có tác động ngược chiều đến tỷ lệ chi trả cổ tức của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này lý giải rằng khi công ty bảo hiểm có khả năng tạo ra mức lợi nhuận lớn từ vốn chủ sở hữu thì họ sẽ giữ lại phần lớn lợi nhuận để tiếp tục mở rộng kinh doanh, phát triển sản phẩm mới. Ngược lại khi ROE thấp, khả năng sinh lời của vốn góp bởi chủ sở hữu giảm, thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả mức lợi nhuận cao hơn cho cổ đông để giữ chân nhà đầu tư.
KẾT LUẬN
Tỷ lệ chi trả cổ tức của doanh nghiệp nói chung và các công ty bảo hiểm nói riêng, đều chịu tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là có mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố liên quan đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc duy trì chính sách cổ tức ổn định cũng được coi là hành động hiệu quả để khẳng định uy tín của các công ty bảo hiểm niêm yết với các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Nghiên cứu này còn chứa đựng một số hạn chế, có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu ở các khía cạnh sau:
- Mẫu nghiên cứu còn giới hạn, mới chỉ nghiên cứu được các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách cổ tức của các công ty bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, còn các công ty bảo hiểm chưa niêm yết đã chưa thể tiếp cận số liệu một cách đầy đủ và chính xác.
- Các doanh nghiệp được nghiên cứu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, có nhiều hoạt động kinh doanh phức tạp, không thuần nhất, do đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chính sách cổ tức của những doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn./.
Tài liệu tham khảo
1. Alon Brav (2005), Payout policy in the 21st century, Journal of Financial Economics, 77 (2005) 483-527.
2. Đinh Bảo Ngọc, Nguyễn Chí Cường (2014), Các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Kinh tế phát triển, 290(12), 42-60.
3. Fama, E. F., and French, K. R. (2001), Disappearing Dividends: Changing Firm Characteristics or Lower Propensity to Pay? Journal of Financial Economics, 60, 3-43.
4. HOSE và HNX (2015-2023), Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên của các công ty bảo hiểm niêm yết tại HOSE và HNX các năm, từ năm 2015 đến năm 2023.
5. Lê Thảo Vy, Trần Lan Oanh, Ngô Thị Yến Trang (2010), Các nhân tố tác động đến chính sách cổ tức trong thực tiễn, Nghiên cứu khoa học sinh viên trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
6. Lintner, J. (1956), Distribution of incomes of corporations among dividends, retained earnings, and taxes, The American Economic Review, 46(2), 97-113.
Ngày nhận bài: 18/01/2025; Ngày phản biện: 26/02/2025; Ngày duyệt đăng: 28/02/2025 |
Bình luận