ThS. Tạ Thị Hiệp

Nguyễn Việt Cường

Trường Đại học Văn Lang

Tóm tắt

Bài nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của các sự kiện và nhân tố tác động lên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới ngành BĐS nói riêng và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói chung. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố bao gồm: P (Giá cổ phiếu); EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu); PE (Giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu); NAVPS (Giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu); SIZE (Quy mô doanh nghiệp); CPI (Tỷ lệ lạm phát); GDP (Tăng trưởng kinh tế), COVID-19 (dịch Covid-19 tác động lên TTCK) ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho các nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp kinh doanh BĐSngười quan tâm đến TTCK Việt Nam hiểu rõ hơn về các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong lĩnh vực BĐS và đưa ra quyết định đầu tư có hiệu quả; đồng thời, chủ động có chiến lược linh hoạt để ứng phó với biến động thị trường sắp tới.

Từ khóa: cổ phiếu bất động sản, thị trường chứng khoán Việt Nam, giá cổ phiếu bất động sản, dịch Covid-19, quản trị rủi ro, xu hướng đầu tư

Summary

The research aims to evaluate the short-term and long-term impacts of various events and determinants of stock prices of listed real estate enterprises. The study focuses on the significant period of the global crisis caused by the COVID-19 pandemic, which specifically impacted the real estate sector in particular and the Vietnamese stock market in general. The result indicates that P (Stock Price), EPS (Earnings Per Share), PE (Price to Earnings Ratio), NAVPS (Net Asset Value Per Share), SIZE (Company Size), CPI (Inflation Rate), GDP (Economic Growth), and COVID-19 (Impact of COVID-19 on the stock market) all affect real estate stock prices. This can help investors and business managers prepare and develop flexible strategies to respond to upcoming market fluctuations. From the finding, the authors provide valuable information for investors, business managers, and those interested in Vietnam stock market, helping them gain a better understanding of factors affecting stock prices in the real estate sector and make effective investment decisions as well as have flexible strategies to respond to upcoming market fluctuations.

Keywords: real estate stocks, Vietnam stock market, real estate stock prices, Covid-19 pandemic, risk management, investment trends

GIỚI THIỆU

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022, TTCK trên thế giới nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng đã trải qua nhiều chuyển biến quan trọng dưới tác động nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm: (1) Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010; (2) Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cùng với sự xuất hiện của các công ty công nghệ lớn; (3) Các biện pháp quản lý và quy định mới được áp dụng để nâng cao tính minh bạch và ổn định của TTCK, cùng với đó, Chính phủ đã triển khai các chương trình cải cách kinh tế và TTCK để thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; (4) Các sự kiện toàn cầu, như: đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra biến đổi lớn trên các TTCK toàn cầu, cũng như TTCK trong nước và dẫn đến các trái ý kiến chiều về tác động và cơ hội đầu tư.

Theo Tổng cục Thống kê, trong những năm qua, đóng góp của hoạt động BĐS đối với GDP có xu hướng tăng (ngành kinh doanh BĐS khoảng 3,6%; ngành xây dựng khoảng 10,6% (Lưu Thị Thủy, 2024). Giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng. Tính trung bình, đóng góp của ngành xây dựng và BĐS các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó, ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5% đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Mặc dù thị trường BĐS thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và có nhiều tiềm năng phát triển. BĐS vẫn được xem là một kênh đầu tư hiệu quả. Thị trường BĐS đã và đang tiếp tục thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với đa dạng các sản phẩm hướng đến nhiều phân khúc khác nhau trên thị trường. Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS vẫn tăng trưởng ổn định, các nhà đầu tư liên tục rót vốn vào Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam rất hấp dẫn và đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào chứng khoán trong lĩnh vực BĐS. Trong bối cảnh TTCK Việt Nam trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và ngành BĐS luôn được coi là một trong những ngành "nóng" nhất thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, đặc biệt là nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngành BĐS vẫn còn hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu về vấn đề này là rất cần thiết nhằm góp phần lấp đầy khoảng trống thông tin, cung cấp cái nhìn khoa học và thực tiễn vào hoạt động của thị trường BĐS và mối liên hệ của nó với thị trường tài chính, từ đó giúp nhà đầu tư dự đoán những yếu tố tác động đến giá cổ phiếu BĐS trong tương lai để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bài viết tập trung xác định các nhân tố từ việc phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu niêm yết các công ty BĐS, như: Chỉ số tiêu dùng, giá trị tài sản, tỷ lệ chia cổ tức, quy mô doanh nghiệp và Covid-19 tác động đến giá cổ phiếu. Đồng thời, xác định mức độ tác động của các nhân tố đó tới giá thị trường của cổ phiếu công ty BĐS, đánh giá các nhân tố, gồm: Cảm nhận rủi ro; Xu hướng đầu tư và Kỳ vọng thị trường là các nhân tố tâm lý của nhà đầu tư có thể tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiếu.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu về giá cổ phiếu bao gồm các lý thuyết và phương pháp xác định đa dạng. Trong số đó, những lý thuyết sau đây đóng vai trò quan trọng và đã được các nhà đầu tư cũng như thị trường lựa chọn trong nhiều năm qua.

Lý thuyết triển vọng (Prospect Theory)

Lý thuyết triển vọng được khởi xướng bởi Daniel Kahneman và Amos Tversky vào năm 1979. Lý thuyết này chỉ ra rằng, cá nhân đưa ra quyết định dựa trên các kết quả tiềm năng, cân nhắc lợi ích được nhận thức so với rủi ro. Lý thuyết triển vọng gợi ý rằng, mọi người bị ảnh hưởng bởi cả xác suất của các kết quả khác nhau và các lợi ích hoặc tổn thất tiềm năng liên quan đến những kết quả đó. Các nhà đầu tư có xu hướng tránh rủi ro khi đối mặt với lợi ích, nhưng lại chấp nhận rủi ro khi cố gắng tránh tổn thất. Lý thuyết này giúp giải thích hành vi của nhà đầu tư trên TTCK, đặc biệt là trong các giai đoạn biến động của giá cổ phiếu BĐS. Nó có thể được sử dụng để làm cơ sở lý thuyết trong việc phân tích các nhân tố tâm lý ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Học thuyết Thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis - EMH)

EMH được phát triển bởi Eugene Fama vào những năm 1960 (Fama, 1970). Nó đặt ra giả thuyết giá cổ phiếu sẽ phản ánh toàn bộ thông tin thị trường có sẵn và có liên quan một cách nhanh chóng và chính xác. EMH giả định rằng, các nhà đầu tư không thể thu được lợi nhuận bất thường, bởi vì giá cổ phiếu luôn phản ánh toàn bộ thông tin có sẵn. Thị trường được chia thành 3 hình thái: thị trường hiệu quả yếu, bán mạnh và mạnh. Trong đó, ngay cả trong thị trường hiệu quả mạnh, không ai có thể vượt qua thị trường thông qua thông tin nội bộ hoặc phân tích kỹ thuật. Với cơ sở lý luận này, EMH có thể được sử dụng để phân tích mức độ hiệu quả của TTCK Việt Nam, đặc biệt là trong việc phản ánh giá cổ phiếu của các công ty BĐS niêm yết.

Tổng quan nghiên cứu

Liên quan vấn đề này, nghiên cứu của Faris Nasif AL- Shubiri (2010) tập trung vào các ngân hàng thương mại ở Jordan và sử dụng các biến, như: NAVPS (Giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu), DIV (Tỷ lệ chi trả cổ tức), EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu), lãi suất, lạm phát và GDP để phân tích tác động đến giá cổ phiếu. Muhammad và Amanullah (2012) nghiên cứu về các nhân tố và mức độ tác động của các nhân tố đến giá cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Karachi sử dụng các biến, như: GDP, lãi suất, DPS (Cổ tức trên mỗi cổ phiếu), B/M ratio (Giá trị sổ sách so với giá trị thị trường) và P/E ratio (Giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu). Trong khi đó, Taimur Sharif và cộng sự (2015) khi nghiên cứu tại Sở giao dịch chứng khoán Bahrain đã sử dụng các biến, như: ROE (Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu), BVS (Giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu), EPS, DPS, DY (Lợi suất cổ tức), PE (Giá trên thu nhập cổ phiếu), DA (Nợ/Tổng tài sản), Log MCAP (Quy mô công ty) để đánh giá. Tương tự, Shafiqul Alam và cộng sự (2016) nghiên cứu về trường hợp các công ty xi măng niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Dhaka đã sử dụng các biến, như: EPS, NAVPS, P/E, GDP, CPI (Lạm phát) và lãi suất để đánh giá.

Ở trong nước, Trương Đông Lộc (2014) nghiên cứu đánh giá các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với các biến, như: EPS, GDP và lạm phát. Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp (2016) nghiên cứu tại TTCK Việt Nam sử dụng các biến, như: NAVPS, DIV, EPS, lạm phát và GDP để đánh giá. Nghiên cứu của Lê Tấn Phước (2016) sử dụng các biến: EPS, GDP để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu niêm yết.

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu sử dụng trong bài viết là dữ liệu thứ cấp được thu thập và tính toán dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán công bố trên website của 50 công ty BĐS niêm yết trên TTCK Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2022. Các dự liệu tạo ra 600 quan sát phục vụ việc phân tích và đánh giá của bài viết. Các chỉ số được sử dụng để nghiên cứu bao gồm: Tổng tài sản; Vốn cổ phần; Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp; Số lượng cổ phiếu; Giá cuối kỳ (nghìn đồng); Thu nhập ròng… Đồng thời, kết hợp sử dụng phần mềm Excel và SPSS để chạy dữ liệu.

Quá trình phân tích dữ liệu được tiến hành theo trình tự gồm 2 bước chính. Thứ nhất, phân tích tần suất các biến phân loại để có thống kê chung về tổng thể mẫu và nhận xét về tính đại diện của mẫu. Thứ hai, phân tích nhân tố cho các biến thuộc phần thông tin thứ hai (về các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu) nhằm tìm ra nhóm các nhân tố tác động đến giá cổ phiếu của nhà đầu tư. Riêng các câu hỏi về sự thay đổi của giá cổ phiếu khi có thay đổi về các nhân tố cơ bản sẽ được dùng trong phân tích mô tả để tìm hiểu chiều tác động của chúng lên giá cổ phiếu. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích FEM, REM, OLS-pooled để xác định các nhân tố và mức độ tác động của chúng và kiểm định các giả thuyết đưa ra (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa các lý thuyết và tổng quan nghiên cứu kết hợp với quan sát thực tiễn của TTCK Việt Nam dựa trên số liệu thu thập, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết như sau (Hình):

Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Trong đó:

Pit: Giá cổ phiếu;

EPSit​: Thu nhập trên mỗi cổ phiếu;

PEit​: Giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu;

SIZEit​: Quy mô doanh nghiệp;

NAVPSit​: Giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu;

COVIDit​: Tác động của Covid-19;

GDPt​: Tăng trưởng kinh tế;

CPIt​: Tỷ lệ lạm phát;

Tính mới của mô hình nghiên cứu này là đưa ra những khám phá, phân tích, đánh giá và giải pháp mới về nhân tố dịch Covid-19, dựa trên cơ sở lý luận và số liệu mới nhất. Từ đó, nhóm tác giả có thể so sánh được tình hình thay đổi của các cổ phiếu trước và sau đại dịch Covid -19. Sử dụng biến COVID-19 làm giả thuyết, các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

H0: Đại dịch Covid-19 không tác động đến giá cổ phiếu (áp dụng cho giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, 2019 trở về trước); β5 = 0.

H1: Đại dịch Covid-19 có tác động đến giá cổ phiếu (áp dụng cho giai đoạn từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2019 trở về sau); β5 ≠ 0.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến nghiên cứu

Biến

Số quan sát

Giá trị trung bình

Sai số chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

P

672

53,844.03

1,169,502

0

3,03E+07

EPS

672

1,972.568

13,213.22

-55,706

332,300

PE

672

2.12E+07

1.02E+08

-9.88E+07

1.83E+09

NAVPS

672

0.0437202

0.0339347

0

0.45

SIZE

672

5.527381

1.149025

0

9.08

GDP

672

0.0583711

0.0152251

0

0.0802

CPI

672

0.0580048

0.0413953

0

0.1868

COVID19

600

.2307692

.4216431

0

1

Nguồn: Trích xuất từ Stata

Bảng 1 cho thấy, giá cổ phiếu BĐS trung bình đạt mức 53,844 VNĐ. Biến COVID có các số liệu sau: Giá trị trung bình đạt 0.2307692, giá trị nhỏ nhất là 0, lớn nhất là 1, độ lệch chuẩn là 0.4216431.

Kiểm định các khuyết tật của mô hình

Trước khi tiến hành phân tích hồi quy, tác giả kiểm định các khuyết tật của mô hình hồi quy OLS, bao gồm: kiểm định Hausman, kiểm định Lagrange, kiểm định đa cộng tuyến và kiểm định hiện tượng tự tương quan.

Kết quả hồi quy

Bảng 2: Mô hình ước lượng sai số chuẩn vững

Biến

Hệ số hồi quy

(Coef.)

Giá trị z

Giá trị P-value

(P>|z|)

EPS

1.676892

2.10

0.035

PE

-2.48e-06

-1.46

0.145

NAVPS

110,273.8

2.30

0.021

SIZE

1,929.976

4.55

0.000

GDP

-171,157.1

-4.17

0.000

CPI

-21,113.58

-1.90

0.058

COVID

3,588.058

2.75

0.006

Cons

10,796.95

3.04

0.002

Số quan sát

600

Wald-chi2

150.37

Prob > chi2

0.0000

Nguồn: Trích xuất từ Stata

Kết quả kiểm định cho ra các biến không có ý nghĩa thống kê là PE, GDP, CPI, nên loại ra khỏi mô hình (Bảng 2). Vậy, kết quả mô hình nghiên cứu có phương trình như sau:

Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến giá cổ phiếu

Các nhân tố có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các công ty BĐS gồm: PE (Giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu), NAVPS (Giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu), SIZE (Quy mô doanh nghiệp), CPI (Tỷ lệ lạm phát), GDP (Tăng trưởng kinh tế), COVID-19 (Covid-19 tác động lên thị trường chứng khoán)

Mối quan hệ giữa EPSit (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu) với giá cổ phiếu

Kết quả phân tích cho thấy, có sự tác động cùng chiều giữa EPSit với Pit. Cụ thể, khi biến EPSit thay đổi 1 đơn vị, thì giá cổ phiếu tăng 1.68 đơn vị trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Kết quả này tương tự với kết quả của Faris Nasif AL-Shubiri (2010) và nghiên cứu của Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp (2016) và đúng với kỳ vọng ban đầu của nhóm tác giả. Hiện nay, các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK đều phải công bố thông tin định kỳ theo quý và 6 tháng (có soát xét) trong năm. Vì vậy, cổ đông hay NĐT đều có thể theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của công ty BĐS. Theo lý thuyết về đầu tư tài chính và thực tế phân tích đầu tư, EPS luôn được NĐT quan tâm khi đưa ra quyết định đầu tư. Vì EPS cao hoặc tăng trưởng đều qua các năm chính là bằng chứng cho thấy, công ty BĐS hoạt động hiệu quả, triển vọng của các công ty này trong tương lai được đánh giá cao, nên NĐT sẵn sàng trả giá cao cho các cổ phiếu này. Do phần lớn EPS được giữ lại để tái đầu tư, nên các doanh nghiệp có EPS cao thường được NĐT săn đón, vì kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai, từ đó, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Đó cũng là lý do thể hiện EPS là nhân tố tác động mạnh nhất đến giá cổ phiếu theo kết quả mô hình.

Mối quan hệ giữa NAVPSit (Giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu) với giá cổ phiếu

Theo lý thuyết, giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu càng cao chứng tỏ quy mô công ty lớn, NAVPSit tăng khiến giá cổ phiếu tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, NAVPSit tác động tích cực đáng kể đến P. Khi biến NAVPSit thay đổi 1 đơn vị, thì biến P thay đổi cùng chiều, trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Kết quả này là phù hợp với nghiên cứu của Faris Nasif AL- Shubiri (2010), Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp (2016) là NAVPSit tác động tích cực đến giá chứng khoán. Liên hệ với số liệu thực tiễn của các công ty mà tác giả nghiên cứu cho thấy, những công ty có NAVPSit bình quân trong kỳ nghiên cứu cao, thì có giá cổ phiếu cao như: Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hà Đô (HDG), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D), CTCP Xây dựng số 5 (SC5) và CTCP Tập đoàn Vingroup…

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế GDPt (Tăng trưởng kinh tế) với giá cổ phiếu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự tác động cùng chiều giữa GDPt với P. Cụ thể trong mô hình nghiên cứu cho kết quả khi biến GDPt thay đổi 1%, thì giá cổ phiếu thay đổi cùng chiều, trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Kết quả này trùng với kết quả của Faris Nasif AL-Shubiri (2010). Muhammad Numan Khan và Amanullah (2012), Lê Tấn Phước (2016). Khi một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển, đồng nghĩa với rất nhiều tác động tích cực lên TTCK. Do đó, khi GDPt tăng, các NĐT có xu hướng lạc quan với thị trường và mở rộng đầu tư.

Mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp SIZEit (Quy mô doanh nghiệp) với giá cổ phiếu

Kết quả phân tích cho thấy, có sự tác động cùng chiều giữa biến SIZEit với Pit. Cụ thể, khi biến SIZEit thay đổi 1 đơn vị, thì giá cổ phiếu thay đổi cùng chiều, trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Kết quả này tương tự với kết quả của Faris Nasif AL-Shubiri (2010) và nghiên cứu của Phạm Hữu Hồng Thái và Lê Dũng Hiệp (2016) và phù hợp với kỳ vọng ban đầu của nhóm tác giả.

Mối quan hệ giữa COVID-19 (Covid-19 tác động lên TTCK) với giá cổ phiếu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự tác động cùng chiều giữa biến COVID19it với Pit. Cụ thể, khi biến COVIDit thay đổi 1 đơn vị, thì giá cổ phiếu thay đổi cùng chiều, trong điều kiện các nhân tố khác không đổi.

So sánh kết quả hồi quy giữa hai thời kỳ trước và sau dịch Covid-19

Lần lượt chạy kết quả hồi quy OLD, kiểm định đa cộng tuyến và kiểm định phương sai sai số giữa 2 thời kỳ trước và sau dịch Covid-19 để có kết quả hồi quy hiệu chỉnh. Mô hình đã hiệu chỉnh (robust) sau khi kiểm định có hiện tượng phương sai sai số thay đổi trong thời kỳ 2010-2019 (trước dịch Covid -19) như tại Bảng 3

Bảng 3: Hồi quy các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu giai đoạn 2010-2019

P

Hệ số hồi quy (Coef.).

z

Mức ý nghĩa

(P > |t|)

EPS

0.8983

2.19

0.029

NAVPS

57,429.05

3.25

0.001

SIZE

-36.7708

-0.07

0.947

GDP

642,312.7

10.63

0

CPI

-41,414.1

-8.07

0

Hằng số

-36,892

-6.94

0

Nguồn: Trích xuất từ Stata

EPS: Hệ số hồi quy là 0.8983 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0, ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến giá cổ phiếu P.

NAVPS: Hệ số hồi quy là 57,429.05 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0.001, thể hiện sự ảnh hưởng tích cực mạnh mẽ đến giá cổ phiếu P.

SIZE (Quy mô công ty): Hệ số hồi quy là -36.7708 và không có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0.947, cho thấy quy mô công ty không có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu P.

GDP: Hệ số hồi quy là 642,312.7 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0, cho thấy GDP có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến giá cổ phiếu P.

CPI (Chỉ số giá tiêu dùng): Hệ số hồi quy là -41,414.1 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0, cho thấy CPI có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến giá cổ phiếu P.

Mô hình đã hiệu chỉnh (robust) sau khi kiểm định có hiện tượng phương sai sai số thay đổi thời kỳ 2020-2022 (sau Covid-19) như tại Bảng 4.

Bảng 4: Hồi quy các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu giai đoạn 2020-2022

P

Hệ số hồi quy (Coef.)

z

Mức ý nghĩa

(P>|t|)

EPS

1.128583

2.04

0.043

NAVPS

180,145.8

2.53

0.013

SIZE

3,819.79

3.09

0.002

GDP

-285,156

-4.27

0

CPI

-679,456.5

-3.75

0

Hằng số

30,946.22

2.68

0.008

Nguồn: Tác giả trích xuất từ Stata

EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu): Hệ số hồi quy là 1.128583 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0.043. Điều này cho thấy, EPS tiếp tục có ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến giá cổ phiếu P.

NAVPS (Giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu): Hệ số hồi quy là 180,145.8 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0.013, thể hiện sự ảnh hưởng tích cực mạnh mẽ đến giá cổ phiếu P.

SIZE (Quy mô công ty): Hệ số hồi quy là 3,819.79 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0.002, cho thấy quy mô công ty chuyển sang có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu P.

GDP (Tổng sản phẩm quốc nội): Hệ số hồi quy là -285,156 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0, cho thấy GDP có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến giá cổ phiếu P.

CPI (Chỉ số giá tiêu dùng): Hệ số hồi quy là -679,457 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa (P>|t|) = 0, cho thấy CPI có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến giá cổ phiếu P.

So sánh 2 kết quả hồi quy cho thấy, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu P. Trong đó, đáng chú ý là sự thay đổi ảnh hưởng của 2 biến GDP và CPI từ tích cực sang tiêu cực, và quy mô công ty từ không ảnh hưởng sang ảnh hưởng tích cực. Các biến EPS và NAVPS tiếp tục giữ vai trò ảnh hưởng tích cực và ngày càng tăng lên đối với giá cổ phiếu P.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê của các nhân tố thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPSit), quy mô doanh nghiệp (SIZEit), giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu (NAVPSit) và tăng trưởng kinh tế (GDPt). Đặc biệt, nhân tố dịch Covid-19 (COVID) ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS có độ tin cậy 99%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ rõ sự thay đổi về mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến giá cổ phiếu của các công ty BĐS niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh qua 2 thời kỳ trước và sau dịch Covid-19. Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất một số gợi ý hàm ý quản trị đối với các NĐT tài chính, người quan tâm đến các cổ phiếu BĐS niêm yết trên TTCK và nhà quản lý doanh nghiệp BĐS như sau:

Đối với NĐT và người mua cổ phiếu

NĐT nên mua cổ phiếu của những công BĐS có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao vượt xa ngành. Thực tế cho thấy, những công ty có doanh thu ổn định và tăng trưởng đều có thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao và cổ tức ổn định. NĐT cần xem xét giá trị nội tại của cổ phiếu ĐS và xác định rõ ràng mục tiêu đầu tư, mức lợi nhuận mong muốn và ngưỡng rủi ro có thể chấp nhận được thay vì quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp BĐS

Các doanh nghiệp BĐS nên tích cực thu hút dòng ngoại tệ mạnh mẽ và mở rộng hoạt động kinh doanh để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng niềm tin của NĐT. Đồng thời, doanh nghiệp BĐS nên kiểm soát chi phí và tăng doanh thu để nâng cao thị giá của cổ phiếu trên thị thị trường./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Faris Nasif AL-Shubiri (2010), Analysis the Determinants of Market Stock Price Movements: An Empirical Study of Jordanian Commercial Banks, International Journal of Business and Management, 5(10), 137-147.

2. Fama, E. F. (1970), Efficient Capital Markets: A Review of Theory and Empirical Work, Journal of Finance, 25(2), 383-417.

3. Daniel Kahneman and Amos Tversky (1979), Prospect Theory: An Analysis of Decision under Risk, Econometrica, 47(2), 263-291.

4. Lê Tấn Phước (2016), Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu niêm yết, Tạp chí Tài chính, 1(8), 2016.

5. Lưu Thị Thủy (2024), Thị trường bất động sản Việt Nam & Tiềm năng phát triển, truy cập từ https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/78607/thi-truong-bat-dong-san-viet-nam-tiem-nang-phat-trien.aspx.

6. Muhammad Numan Khan and Amanullah (2012), Determinants of share prices at Karachi stock exchange, International Journal of Business and Management Studies, 4(1), 1309-8047.

7. Muzammal Ilyas Sindhu, Syed Muzammil Hussain Bukhari and Amjad Hussain (2014), Macroeconomic Factors do influencing Stock Price: A Case Study on Karachi Stock Exchange, Journal of Economics and Sustainable Development, 5(7), 114-124.

8. Ngô Thị Xuân Bình (2010), Nghiên cứu lý thuyết hành vi trong việc ra quyết định đầu tư tài chính, Tạp chí Ngân hàng, số 21, tháng 11/2010.

9. Nidhi Malhotral and Kamini Tandon (2013), Determinants of Stock Prices: Empirical Evidence from NSE 100 Companies, International Journal of Research in Management & Technology, 3(3), June 2013; ISSN: 2249-9563.

10. Nisa and Nishat (2011), The Determinants of Stock Prices in Pakistan, Asian Economic and Financial Review, 1(4), 276-291.

11. Phạm Hữu Hồng Thái, Lê Dũng Hiệp (2016), Yếu tố quyết định giá cổ phiếu niêm yết và hàm ý chính sách, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1(8/2016).

12. Shafiqul Alam, Md. Rubel Miah and Md. Abdul Karim (2016), Analysis on factors that affect stock prices: a study on listed cement companies at Dhaka stock exchange, Research Journal of Finance and Accounting, 7(18), 2016; ISSN: 2222-1697.

13. Taimur Sharif, Harsh Purohit and Rekha Pillai (2015), Analysis on factors affecting stock prices: a study on listed cement companies at Dhaka stock exchange, Research Journal of Finance and Accounting, 7(18), 2222-1697.

14. Trương Đông Lộc (2014), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi giá cổ phiếu: Các bằng chứng từ sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 33(2014), 72-78.

15. Vân, P. N. (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của những doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Journal of Science and Technology-IUH, 51(03).

Ngày nhận bài: 27/5/2024; Ngày phản biện: 04/6/2024; Ngày đuyệt đăng: 17/6/2024