Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về ngân hàng xanh: VPBank muốn ghi danh số 1
Trong quá trình hoạt động của mình, Ngân hàng có quan điểm như thế nào đối với vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam? Xin chia sẻ một số hoạt động chính Ngân hàng đã thực hiện để góp sức vào nỗ lực này?
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Kết quả theo dõi trong vòng 10 năm gần đây, những tổn thất và thiệt hại do biến đối khí hậu gây ra ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ tính cấp bách trong việc thực hiện các giải pháp kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải carbon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Theo đó, đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP của Việt Nam giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Trong giai đoạn 2020-2021, VPBank đã huy động thành công các nguồn vốn tín dụng xanh có giá trị 262,5 triệu USD từ đối tác IFC và Proparco, nhằm gia tăng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh |
Trên đây là những mục tiêu đầy thách thức và đòi hỏi có sự tham gia của tất cả ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, phải đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức tín dụng, nơi được xem là những mắt xích quan trọng, thậm chí quyết định, trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển các-bon thấp thông qua việc hướng dòng tiền vào các hoạt động phát triển bền vững. Các tổ chức tài chính sẽ là chìa khoá thúc đẩy quá trình chuyển đổi này bằng cách áp dụng chặt chẽ hơn chính sách đánh giá tác động môi trường và xã hội trong đầu tư, đồng thời, phân bổ nguồn vốn cho hoạt động bền vững.
Để điều chỉnh hoạt động cho vay của ngân hàng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam, VPBank là một trong những ngân hàng sớm áp dụng các nguyên tắc tài chính bền vững, xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và phát triển các giải pháp tài chính xanh để từng bước loại bỏ các dự án không bền vững và khuyến khích các hoạt động đầu tư vào dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2020-2021, VPBank đã huy động thành công các nguồn vốn tín dụng xanh có giá trị 262,5 triệu USD từ đối tác IFC và Proparco nhằm gia tăng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh. Dưới sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế hàng đầu trong phát triển bền vững, VPBank hướng tới trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về ngân hàng xanh, ngân hàng bền vững nhằm mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường cũng như cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, VPBank luôn là thành viên tích cực tham gia vào các chương trình, hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro môi trường và xã hội, kinh nghiệm phát triển bền vững và kết nối tài chính xanh do các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức. Tính đến nay, tổng giá trị giải ngân tín dụng xanh tại VPBank đã đạt khoảng 160 triệu USD (tương đương khoảng 3.660 tỷ đồng).
Trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng ưu tiên vốn tín dụng chảy vào những lĩnh vực nào, thưa bà? Ngân hàng có ưu đãi, hỗ trợ gì cho các dự án liên quan đến phát triển xanh, chẳng hạn phát triển du lịch xanh, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, rác thải…?
VPBank ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực xanh hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại Việt Nam |
Trong chiến lược phát triển bền vững hiện nay, VPBank ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực xanh hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại Việt Nam. Chương trình Tín dụng xanh do VPBank phát triển dựa trên khuôn khổ Nguyên tắc Tín dụng xanh (Green Loan Principles) do Hiệp hội thị trường Tín dụng (Loan Market Association - “LMA”) và Hiệp hội thị trường Tín dụng châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association - “APLMA”) đồng ban hành. Thông qua Chương trình, VPBank sẽ tài trợ cho các dự án thuộc các nhóm lĩnh vực: (i) Năng lượng tái tạo, (ii) Sử dụng năng lượng hiệu quả, (iii) Giao thông sạch, (iv) Thân thiện với môi trường và/hoặc Kinh tế tuần hoàn, (v) Quản lý nước bền vững và xử lý nước thải, (vi) Công trình xanh, (vii) Nông, lâm nghiệp bền vững, (viii) Phòng chống ô nhiễm và (ix) Thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xuất phát từ việc thấu hiểu các khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình xanh hóa, khi chuyển đổi từ các công nghệ truyền thống sang các công nghệ xanh có khả năng tối ưu hóa năng lượng và thân thiện với môi trường hơn, nhưng cũng đồng thời đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài, VPBank đã chủ động xây dựng các cơ chế hỗ trợ khách hàng tham gia sử dụng nguồn vốn xanh. Cơ chế hỗ trợ của VPBank tập trung vào các giải pháp: (1) Áp dụng ưu đãi về lãi suất so với các khoản vay thông thường (mức ưu đãi tối đa lên tới 1,5%); (2) Áp dụng ưu đãi về thời gian vay vốn đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn dài hạn của khách hàng (thời gian vay vốn tối đa lên tới 120 tháng); và (3) Không ngừng nghiên cứu và triển khai các sản phẩm xanh riêng biệt nhằm rút ngắn tối đa thủ tục và thời gian phê duyệt tín dụng xanh (đơn cử như với sản phẩm cho vay các dự án lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà có thời gian phê duyệt tối đa trong vòng 3 ngày).
Liên quan đến bảo vệ môi trường, Ngân hàng có yêu cầu, quy định gì với các khách hàng khi xem xét hồ sơ vay vốn hay không?
Chính sách môi trường và xã hội được VPBank xây dựng trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia và Tiêu chuẩn hoạt động của IFC (IFC’s Performance Standards on Environmental and Social Sustainability, 2012) và đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động quản lý rủi ro tín dụng của VPBank. Ngân hàng cũng đã thành lập phòng ban chuyên trách gồm các nhân sự có chuyên môn trong lĩnh vực môi trường, xã hội để đánh giá điều kiện của các khoản vay.
Tại VPBank, các điều kiện tuân thủ môi trường và xã hội trở thành một giao ước ràng buộc của hợp đồng cho vay mà khách hàng phải cam kết tuân thủ thực hiện và báo cáo kết quả thường xuyên |
Theo quy trình đã được công bố, tất cả các đề xuất tín dụng của khách hàng đều được nhận diện, phân loại mức độ rủi ro về môi trường và xã hội, tiếp theo đó là quá trình thẩm định chặt chẽ, nhằm xác định mức độ tuân thủ của khách hàng và các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp với mức độ rủi ro được nhận diện theo nguyên tắc nhất quán. Các đề xuất tín dụng thuộc Danh sách không cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường và xã hội của ngân hàng hoặc được đánh giá có tồn tại rủi ro đáng kể sẽ không được xem xét cấp tín dụng.
Tại VPBank, các điều kiện tuân thủ môi trường và xã hội trở thành một giao ước ràng buộc của hợp đồng cho vay mà khách hàng phải cam kết tuân thủ thực hiện và báo cáo kết quả thường xuyên cho VPBank để xác nhận sự tuân thủ của Khách hàng. VPBank đồng thời duy trì sự giám sát tuân thủ sau giải ngân đối với khách hàng kết hợp nhận thức về tác động xã hội và môi trường mà họ có để đảm bảo rằng cộng đồng và môi trường được bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực tiềm ẩn./.
Bình luận