Được tổ chức thường niên từ năm 2014, VCSF tiếp tục khẳng định vị thế là nền tảng đối thoại hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp ở quy mô quốc gia về phát triển bền vững (PTBV) tại Việt Nam. Xuyên suốt 2 hội thảo chuyên đề song song vào buổi sáng và Phiên toàn thể vào buổi chiều cùng ngày, Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm tham gia đông đảo của trên 400 đại biểu tham dự trực tiếp, hàng nghìn lượt theo dõi trực tuyến, cùng các chia sẻ, thảo luận sôi nổi với gần 30 diễn giả uy tín về những nội dung không chỉ có ý nghĩa chiến lược, mà còn rất thực tiễn để thúc đẩy doanh nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như chung tay hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero 2050).

Nhiều thách thức cho mục tiêu chuyển đổi xanh

Tại COP26, bên cạnh những cam kết nổi bật về tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2050. Biến cam kết thành hành động, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Đồng thời, Đảng, Nhà nước đã cập nhật các chiến lược quốc gia hướng tới tăng trưởng xanh, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ ngành, cơ quan từ cấp trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng và ban hành hệ thống các quy định, nghị định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến cắt giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, phân loại xanh.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
VCSF lần thứ 11 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi”

Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi xanh, đi tới Net Zero 2050 đặt ra rất nhiều thách thức cho các quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Theo đó, những băn khoăn, quan ngại về khả năng hiện thực hóa mục tiêu Net Zero luôn được đặt ra. Để củng cố niềm tin, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero, chuyển đổi xanh, cần thực hiện chuyển đổi đồng bộ - từ nhận thức tới hành động, với sự vào cuộc, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan. Đây cũng chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề được trình bày và thảo luận tại Diễn đàn VCSF 2024.

Khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, siêu bão Yagi với sức tàn phá ghê gớm ở cả cấp độ, cường độ và phạm vi đã gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề ở các tỉnh miền Bắc là một minh chứng nữa cho thấy sự nóng lên của Trái đất, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài người. Hơn lúc nào hết, phát triển bền vững, làm chậm quá trình tăng nhiệt của Trái Đất đã trở thành mục tiêu toàn cầu tối quan trọng và cấp thiết. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững cũng là mục tiêu, là yêu cầu chiến lược đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay.

Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã đưa ra cam kết và tích cực, chủ động, nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tác nhân chính của sự nóng lên toàn cầu. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước ta đã xác định ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên xây dựng đồng thời 2 lộ trình: Thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu; Giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử các - bon trong quá trình tăng trưởng thông qua việc cắt giảm theo lộ trình phù hợp lượng phát thải và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần tiêu thụ các nguồn năng lượng thâm dụng các-bon, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp

Theo Chủ tịch VCCI, để thực hiện thành công các lộ trình này, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Những yêu cầu, đòi hỏi phải hành động mang tính sống còn của loài người và mục tiêu cũng như lộ trình trung hòa các-bon của Việt Nam đã được xác định rõ. Tuy nhiên, hàng loạt những câu hỏi, băn khoăn cũng đang được đặt ra, như: Việc triển khai thực hiện liệu có dễ dàng? Đâu là những khó khăn, thách thức mà chúng ta gặp phải? Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 liệu có khả thi? Làm sao để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng của một quốc gia đang phát triển với nguồn lực có hạn như Việt Nam với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính?

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Diễn đàn

“Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, xuất phát từ thực tiễn, từ hơi thở của hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có nhiều cơ hội để được cùng nhau chia sẻ, trao đổi, đối thoại và mở ra các cơ hội hợp tác để cùng làm sáng tỏ và tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Chính vì lẽ đó, 11 năm trở lại đây, VCSF luôn là một sự kiện thường niên quan trọng và được mong đợi đối với không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, mà còn cả với các nhà hoạch định, xây dựng chính sách và cơ quan quản lý nhà nước. Diễn đàn cũng luôn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của lãnh đạo Chính phủ, của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững.

Qua 10 lần tổ chức, VCSF đã đóng vai trò tạo không gian đối thoại và phổ biến chính sách, xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, phản ánh thực tiễn đời sống sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ giải pháp, sáng kiến và mở ra cơ hội hợp tác hướng tới sự phát triển bền vững, bắt kịp với các xu thế phát triển mới trên thế giới”, ông Công cho biết.

Trong xu thế này, Chủ tịch VCCI chia sẻ, khi quyết định lựa chọn chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi” cho VCSF năm nay, VCCI-VBCSD mong muốn Diễn đàn sẽ là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay khẳng định niềm tin và những nỗ lực của doanh nghiệp trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. “Niềm tin đó đang được đắp bồi và từ đó tạo ra những xung lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi đồng bộ: chuyển đổi về nhận thức; chuyển đổi về tư duy và chuyển đổi về hành động. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ và tin tưởng rằng, những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự định hướng, đồng hành, chung tay hỗ trợ của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Đồng bộ nền tảng khung khổ chính sách và cơ chế cho chuyển đổi xanh

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu được chia sẻ nhiều thông tin cập nhật từ đại diện các bộ, ngành về các nội dung liên quan đến cập nhật các định hướng tăng trưởng xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh, tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam, các chính sách quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và thế giới, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu; chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp phát thải thấp.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Diễn đàn

Thông tin về các cơ chế và chính sách từ phía Nhà nước nhằm tạo khung khổ nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; chuyển đổi tư duy hoạch định xây dựng chính sách, tư duy quản lý, tư duy giám sát hướng tới đưa chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp theo đuổi thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tập trung nỗ lực để dẫn dắt doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế xanh thông qua đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn cho phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối với khu vực và thế giới; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, tăng tỷ trọng vốn tín dụng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các chính sách để hướng cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội thay đổi tư duy trong lối sống, chuyển từ tiêu dùng “xám” sang “xanh” thông qua việc thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hướng tới sử dụng năng lượng bền vững và tiết kiệm năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường; đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường để có khả năng vốn hóa các nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Các đại diện doanh nghiệp và diễn giả trao đổi, chia sẻ tại phiên tọa đàm

Từ phía đối tác quốc tế, đại diện lãnh đạo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) cũng mang đến Diễn đàn những thông tin hữu ích từ góc nhìn quốc tế về xu hướng chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu trên hành trình chuyển đổi xanh, khuyến nghị về cách DN có thể đóng góp hiệu quả hơn vào các nỗ lực kiến tạo chuyển đổi đồng bộ hướng tới mục tiêu Net Zero.

Doanh nghiệp cần tiếp cận phát triển bền vững là động lực tạo ra giá trị

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh “Chúng ta nên nhìn bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi xanh, tất nhiên vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức. Một trong những điểm nghẽn đó là kết nối câu chuyện bền vững với các động lực cốt lõi trong việc đưa ra quyết định lựa chọn nhãn hàng hay thương hiệu. Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cân và kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đa bên thông qua những nền tảng đối thoại như VCSF, để thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh hướng đến hiện thực hóa cam kết Net Zero”.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh cần nhìn bền vững là động lực tạo giá trị

Ông Binu Jacob cho biết, ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn lối sống xanh và lựa chọn sản phẩm xanh dựa trên phát triển bền vững nhưng chỉ số ít mới hiện thực hóa được lựa chọn của mình. Theo đó, có tới 97% người tiêu dùng toàn cầu mong muốn có một lối sống xanh bền vững, 80% người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm dựa trên tiêu chí phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 17% người tiêu dùng có thể thực hiện được và tại Việt Nam tỷ lệ này là 2% theo đuổi lối sống xanh, lựa chọn sản phẩm xanh. Nhưng có tới 29% người tiêu dùng sẵn sàng và đánh giá cao phát triển bền vững và trong thời gian tới, tỷ lệ này không chỉ dừng lại ở 29% mà có thể tăng lên đến 50%.

Tổng Giám đốc Nestle Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững và lợi nhuận giống như 2 mặt của một đồng xu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí và làm giảm lợi nhuận, bởi nếu phát triển bền vững đúng cách, sẽ gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp về lâu dài. Vì vậy, muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần được bảo trợ, định hướng ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất” ông Binu Jacob nêu vấn đề.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Trà My – đồng sáng lập Tập đoàn PAN cũng cho rằng: Để phát triển bền vững, người đứng đầu doanh nghiệp, công ty có vai trò vô cùng quan trọng và cần kiên định với mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Bà Milly Cheng, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững

Tiếp cận hành trình chuyển đổi xanh thông qua đẩy mạnh yếu tố đa dạng, bao trùm và tăng cường sự tham gia của nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà Milly Cheng, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam cho biết, chiến lược phát triển bền vững “Lựa chọn hôm nay, Định hình tương lai” với ba trụ cột chính gồm: Sản phẩm, Hành tinh và Con người là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển của công ty trong dài hạn. Với hành trình gần 10 năm bền bỉ hỗ trợ cộng đồng qua dự án EkoCenter, Coca-Cola Việt Nam không ngừng đổi mới để tạo nên những cộng đồng tiên tiến và vững mạnh trong thời đại số thông qua các chương trình giáo dục về STEAM, tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử, các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cũng như chống biến đổi khí hậu tại các Trung tâm hỗ trợ cộng đồng của công ty trên toàn quốc.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero 2050
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu Net Zero là một mục tiêu rất cấp bách

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu Net Zero là một mục tiêu rất cấp bách, cần sự chung tay thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ của tất cả các bên. Doanh nghiệp không chỉ là nhân tố đóng góp vào sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững mà còn thụ hưởng thành quả về uy tín thương hiệu, tăng trưởng dài hạn từ chính chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, ông cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, xây dựng và thực hiện phát triển bền vững tích hợp mô hình ESG nói chung, áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) nói riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính DN trong dài hạn./.

VCSF 2024 bao hàm nhiều nội dung đa dạng từ các bài chia sẻ và tọa đàm trong phiên chuyên đề và phiên toàn thể về các thông lệ tốt của những doanh nghiệp tiêu biểu trong kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Qua đó, VCSF 2024 góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh bền vững, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng quản trị, lãnh đạo điều hành cấp cao trong việc xây dựng và lan tỏa tư duy lãnh đạo tích hợp ESG; chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển nguồn vốn con người trong chiến lược PTBV doanh nghiệp nói riêng và phục vụ mục tiêu Net Zero nói chung; khuyến khích doanh nghiệp hành động mạnh mẽ hơn thông qua việc chia sẻ các sáng kiến chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau. Những khuyến nghị từ Diễn đàn sẽ được VBCSD-VCCI tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững, là đầu vào cho việc hoạch định các chính sách mới tạo thuận lợi cho PTBV và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.