Nên coi phát triển bền vững là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp
Thưa ông, ông có thể cho biết đâu là những nút thắt trong quá trình phát triển bền vững và cách thức NVL biến các nút thắt đó thành động lực tạo giá trị cho Tập đoàn?
Tôi cho rằng một trong những thách thức căn bản nhất của PTBV là nhiều doanh nghiệp coi PTBV là chi phí. Tuy nhiên, với chúng tôi, PTBV là một khoản đầu tư. Khi theo đuổi mục tiêu PTBV, chúng tôi tìm mọi cách để kết nối giữa tính bền vững và động lực cốt lõi của người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định. Ví dụ, khi chúng tôi chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy cho toàn bộ sản phẩm MILO uống liền, việc chuyển đổi này tất nhiên sẽ làm tăng chi phí, nhưng làm cách nào để người tiêu dùng trân trọng và tin tưởng vào sự chuyển đổi vì mục tiêu bền vững này? Chúng tôi đã hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và thực hiện một chiến dịch trực tuyến với hiệu ứng lan tỏa cao. Từ đó, ngày càng có nhiều người tiêu dùng đã tự nguyện và hào hứng với việc sử dụng ống hút giấy thay cho ống hút nhựa. Đây chỉ là một ví dụ và chúng tôi đã làm tương tự với các sản phẩm cà phê, dinh dưỡng, nước...
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Vietnam, đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh doanh nghiệp cần nhìn nhận PTBV là một khoản đầu tư thay vì là chi phí |
Như vậy có thể thấy cách mà NVL biến những trở ngại về tính bền vững thành động lực tạo ra giá trị chính là: thay đổi cách tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy hợp tác đa bên.
Ông vui lòng chia sẻ cách thức NVL đánh giá mức độ thành công của các sáng kiến về PTBV của công ty và những ảnh hưởng của các sáng kiến đó đối với kết quả hoạt động của toàn công ty?
Trước tiên, tôi cho rằng PTBV là việc chúng ta bắt buộc phải làm và chúng tôi tin vào tầm quan trọng của việc đo lường và đánh giá các nỗ lực bền vững của mình để đảm bảo trách nhiệm giải trình và cải thiện liên tục. Chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu và chỉ số KPI rõ ràng để theo dõi tiến độ của mình. Ví dụ, chúng tôi cần phải đánh giá mức độ giảm phát thải khí nhà kính, giảm lượng nhựa nguyên sinh sử dụng, tiết kiệm và tuần hoàn nước sử dụng mỗi năm là bao nhiêu... Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sáng kiến PTBV đối với người tiêu dùng là như thế nào, mức độ quan tâm đến các vấn đề môi trường của từng nhãn hàng như thế nào và đánh giá của người tiêu dùng đối với những nỗ lực về PTBV của nhãn hàng. Việc đo lường và đánh giá một cách thường xuyên không chỉ giúp chúng tôi giảm thiểu dấu chân carbon mà chúng tôi còn giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng với vai trò là công ty tiên phong về bền vững. Điều này đã củng cố khả năng cạnh tranh của chúng tôi và đóng góp vào hiệu suất kinh doanh tổng thể của công ty.
NVL đã làm gì để bảo đảm rằng PTBV luôn được ưu tiên trong toàn bộ tổ chức, từ lãnh đạo cấp cao đến các nhân viên tuyến đầu?
Đảm bảo ưu tiên phát triển bền vững trong toàn tổ chức là điều rất quan trọng. Với Nestlé, PTBV phải xuất phát từ tư duy của người lãnh đạo. Đội ngũ lãnh đạo phải đóng vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn tích cực thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến bền vững. Chúng tôi tổ chức các cuộc họp với toàn thể nhân viên mỗi tháng và tại những cuộc họp đó chúng tôi chia sẻ và cập nhật tới nhân viên để họ thấy được rằng PTBV là ưu tiên hàng đầu của công ty. Theo đó, mỗi nhân viên của Nestlé đều hiểu rất rõ 3 lĩnh vực mà công ty luôn tập trung gồm đổi mới sáng tạo, PTBV và chuyển đổi số.
Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích sự tham gia và trao quyền cho nhân viên. Chúng tôi cung cấp các chương trình đào tạo và giáo dục để nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực. Nhân viên của chúng tôi được khuyến khích đóng góp ý tưởng và đề xuất các thực hành bền vững, để tăng cường tính tự chủ và cam kết.
Ông có lời khuyên nào dành cho các công ty khác cũng đang mong muốn bắt tay vào hành trình PTBV tương tự như NVL?
Tôi cho rằng chúng ta không nên coi PTBV là chi phí, là gánh nặng, ngược lại đó là một khoản đầu tư và có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thứ hai, bền vững phải được dẫn dắt và thúc đẩy từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Thứ ba, các công ty phải tìm mọi cách để người tiêu dùng có thể ghi nhận, đánh giá đúng về các giải pháp bền vững của mình, biến bền vững trở thành một tuyên bố về giá trị bằng cách làm bền vững phù hợp với người tiêu dùng. Tiếp theo, hãy là người dẫn đầu về PTBV, đừng đợi đối thủ cạnh tranh của bạn bắt đầu trước.
Cuối cùng, vì PTBV là một hành trình và đòi hỏi sự học hỏi và cải thiện liên tục, hãy cởi mở với hợp tác với nhiều đối tác vì không một doanh nghiệp nào có thể giải quyết các thách thức về PTBV một mình. Bằng cách thúc đẩy hợp tác đa bên, chúng ta có thể tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả./.
Bình luận