Bài học mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công
Lý do mua sắm công xanh quan trọng cho mục tiêu Net Zero
Mua sắm công xanh (GPP) được định nghĩa trong Communication (COM, 2008) của Liên minh châu Âu (EU) là: "Mua sắm công vì mục tiêu mang lại môi trường tốt hơn và là một quy trình, trong đó các cơ quan tư nhân, nhà nước và bán công đáp ứng nhu cầu của họ về hàng hoá, dịch vụ, công trình và tiện ích bằng cách lựa chọn các giải pháp có tác động giảm thiểu đến môi trường trong suốt vòng đời của họ, so với các sản phẩm, giải pháp thay thế ”.
Mua sắm công xanh giúp nhân loại sớm đạt được mục tiêu Net Zero (Nguồn: Skillsfuture ) |
GPP là một công cụ tự nguyện, có nghĩa là các quốc gia thành viên và các cơ quan công quyền của EU có thể xác định mức độ mà họ thực hiện. Bằng cách sử dụng sức mua của mình để lựa chọn hàng hóa và dịch vụ có tác động đến môi trường thấp, góp phần tạo ra môi trường sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Mua mua sắm công xanh giúp các cơ quan công quyền mang lại động lực cho ngành công nghiệp phát triển công nghệ và sản phẩm xanh. Trong một số lĩnh vực, người mua mua sắm công xanh chiếm một thị phần đáng kể trên thị trường (ví dụ: giao thông công cộng và xây dựng, dịch vụ y tế và giáo dục), nên quyết định của họ có tác động rất lớn đến môi trường. Nếu thực hành tốt điều này sẽ giúp thế giới nhanh chóng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, các chính phủ sẽ cần phải thay đổi mọi thứ, trong đó có GPP. Nếu duy trì GPP hay mua hàng sạch, xanh hơn, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, thì lượng khí thải cũng sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, GPP hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí chưa có những hướng dẫn để thực thi GPP cụ thể, chi tiết.
Tại Việt Nam, năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trong Điều 146: Mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật.
Bài học mua sắm công xanh trên thế giới
Thực tiễn của thế giới mang lại nhiều bài học về mua sắm công xanh. Cụ thể như sau:
1. Bắt đầu từ đơn giản và ưu tiên hạng mục cần làm
Mua sắm công xanh bền vững bao gồm các khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế, nhưng không cần phải làm mọi thứ cùng một lúc. Quyết định lĩnh vực nào tập trung làm đầu tiên và bắt đầu từ cái đơn giản phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Danh mục tiêu ưu tiên sẽ ghi rõ cái nào cần làm trước, làm sau.
Tiêu chí xếp hạng dựa trên những cái nào có tác động nhiều nhất. Để giúp xác định được điều này, chúng ta có thể kiểm tra những mặt hàng nào mua thường xuyên nhất và có tác động đến xã hội, môi trường và kinh tế nhiều nhất. Sau khi xác định các mục tiêu bền vững, bắt đầu triển khai GPP, thông báo công khai cho các bên liên quan biết để có kế hoạch hành động trong suốt quá trình mua sắm công xanh.
2. Giám sát và đánh giá
Để giúp GPP đạt hiệu quả cao, nhiều nước đã đưa GPP vào luật. Ví dụ, năm 2021, Bộ Môi trường ở Lithuania đã đưa ra các mục tiêu mua sắm công xanh bắt buộc: tất cả các sản phẩm được mua phải xanh vào năm 2023. Để giám sát các mục tiêu này, Lithuania đã xác định ý nghĩa của nó thông qua luật: đặt ra các mục tiêu cụ thể (50% vào năm 2022 và 100% vào năm 2023); cung cấp hỗ trợ và đào tạo cho các đại lý mua và thêm thông tin, hướng dẫn và trang web. Tất cả điều này được báo cáo công khai thông qua một bảng điểm đấu thầu cho các cơ quan công quyền. Bộ môi trường Lithuania đã thu thập các chỉ số chung trong khuôn khổ Giám sát và Đánh giá (M&E) mẫu này để giúp các cơ quan, doanh nghiệp báo cáo và đo lường tiến độ so với các mục tiêu bền vững của mình.
Giám sát và đánh giá là khâu quan trong trong quá trình thực hiện GPP (Nguồn: Inspirit) |
3. Đừng ngại dữ liệu
Dữ liệu tốt, dữ liệu mở chất lượng cao được tiêu chuẩn hóa, máy có thể đọc được - là yếu tố quan trọng để thúc đẩy triển khai GPP và đo lường các kết quả về tính bền vững. Ví dụ ở Hà Lan đang sử dụng lượng khí thải CO2 làm tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp. Khi xác định cách thu thập dữ liệu, điều quan trọng là phải hiểu hệ thống mua sắm và quản trị của mình, thiết lập năm cơ sở và tần suất báo cáo công khai, đồng thời xem xét năng lực của doanh nghiệp. Sử dụng hướng dẫn này để xác định các danh mục dữ liệu chính mà doanh nghiệp cần để lập kế hoạch và thực hiện.
4. Tương tác với thị trường
Khi tăng cường các hoạt động mua sắm công bền vững, các doanh nghiệp nên tham gia với các nhà cung cấp để biết khả năng của họ trong việc cung cấp hàng hóa, khi nào công ty cần và cần bao nhiêu. Cách tiếp cận này giúp tăng số lượng nhà thầu, thúc đẩy tính minh bạch và nâng cao chữ tín giữa các bên liên quan. Sự tham gia của nhà cung cấp cũng cho phép công ty nhận được phản hồi về việc cải thiện quy trình mua sắm của mình.
Ví dụ, chính quyền Thành phố Mexico (thủ đô Mexico) muốn mở rộng dịch vụ chia sẻ xe đạp thân thiện với môi trường và giá cả phải chăng đến nhiều khu vực lân cận hơn, nâng cấp thiết kế và công nghệ, tất cả đều có chi phí hợp lý. Họ đã phát hành Request for Information (yêu cầu thông tin) thu thập ý kiến đóng góp của cư dân về thiết kế xe đạp, tổ chức nhiều cuộc trò chuyện với các nhà cung cấp và công bố phát hiện của họ trên một trang web thân thiện với người dùng.
Cách tiếp cận này cho phép Thành phố và cộng đồng, nhà cung cấp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, thúc đẩy lòng tin và thực hiện mục tiêu của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia thị trường khi chuẩn bị kế hoạch hành động, trong giai đoạn lập kế hoạch mua sắm và trong chính quá trình mua sắm.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ và xây dựng kiến thức
Như đã đề cập, việc triển khai GPP có nghĩa là mua sắm theo một cách khác, do đó, việc đổi mới này cần được quản lý tốt. Điều quan trọng là các quan chức mua sắm phải biết nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ và xây dựng kiến thức. Chính phủ Hà Lan đã thiết lập PIANOo, một mạng lưới kiến thức dành cho các quan chức mua sắm của chính phủ và các cơ quan ký hợp đồng cung cấp tài liệu học tập, hướng dẫn và công cụ về mua sắm bền vững.
Tương tác với thị trường là một trong những khâu quan trọng để thực hiện GPP thành công (Nguồn: Flowrocket) |
Một kế hoạch tương tự cũng được áp dụng tại Đức. Theo đó, ngoài việc thiết lập quầy trợ giúp và điểm thông tin trung tâm, tại Đức và Hà Lan người ta rút ra bài học thực hiện GPP thành công, đó là việc tạo và chia sẻ thông tin một cách công khai. Chẳng hạn như danh mục và sổ đăng ký tính bền vững, các tiêu chí bền vững được chuẩn hóa và liên tục được tương tác với các bên có liên quan./.
Khắc Nam
Theo Báo chí nước ngoài- 10/2022
Bình luận