Thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công
Việt Nam đang từng bước hình thành thị trường mua sắm xanh
“Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang là một giải pháp tất yếu trước những tác động ngày càng hiện hữu của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên...”, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Hội thảo về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”, do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức sáng nay (ngày 10/10).
Cùng với việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững/tăng trưởng xanh, carbon thấp, Việt Nam đã liên tục cập nhật các chiến lược, kế hoạch và chương trình hướng tới một nền kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg, ngày 25/7/2022; Chiến lược và kế hoạch hành động Quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn đề cương sửa đổi Luật Đấu thầu 2013, theo đó sẽ bổ sung nội dung mua sắm công xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Để có căn cứ khoa học và thông tin giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Luật Đấu thầu sửa đổi và các văn bản hướng dẫn, GIZ hỗ trợ CIEM thực hiện nghiên cứu “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”.
Toàn cảnh hội thảo |
Phân tích kết quả báo cáo, ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM cho biết, mua sắm công xanh có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành thị trường xanh ở nước ta. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 chiếm khoảng 25,9-30,2% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển trung bình khoảng 19,7-30,8% tổng ngân sách nhà nước; tổng gói thầu mua sắm công chiếm trung bình khoảng 12,5% GDP, trong đó giá trị mua sắm thường xuyên từ vốn nhà nước chỉ chiếm trung bình khoảng 27,4% tổng giá thầu và chi cho đầu tư phát triển chiếm tới 72,6%.
“Với vị trí và vai trò đó, Việt Nam đã ban hành các chính sách về mua sắm xanh, mua sắm công xanh, từng bước hình thành được thị trường mua sắm xanh. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được đề cập trong các hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu đối với nhà đầu tư và nhà thầu”, ông Hòa cho hay.
Tuy nhiên, các quy định mới chủ yếu yêu cầu giải pháp hạn chế các tác động đến môi trường của dự án, đặc biệt là giai đoạn thi công. Các quy định đó được đề cập tại Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT, ngày 16/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất; Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Mặc dù một số hồ sơ về mua sắm có quy định yêu cầu nhà thầu cung cấp các thông tin về môi trường, tuy nhiên mới nêu ra trong trường hợp có yêu cầu mua sắm bền vững, mà chưa có các tiêu chí cụ thể, cách thức lồng ghép vào các hồ sơ và đánh giá hồ sơ thầu chưa được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu sơ tuyển cho đến hồ sơ mời thầu. Các yếu tố liên quan đến đầu vào, phân tích chi phí lợi ích mở rộng (chi phí lợi ích đối với môi trường và khí hậu) chưa được đề cập.
Cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh
Để có thể triển khai chính sách mua sắm công xanh vào thực tế, ông Hồ Công Hòa đề xuất, cần có quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động mua sắm công xanh, như bắt buộc và khuyến khích lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình mua sắm công để phân tích, đánh giá lựa chọn được đầu tư, lựa chọn nhà thầu (gọi chung là nhà thầu) tốt nhất. Tuy nhiên, để có kết quả tốt nhất trong lựa chọn nhà thầu, cần tổ chức điều tra, đánh giá doanh nghiệp xanh, khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ xanh của thị trường, đặc biệt là khả năng của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh, nhằm tạo ra những công cụ chính sách quan trọng để thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử. Cần ban hành các chính sách bắt buộc, ưu đãi, khuyến khích và tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững/xanh. Cần có thêm các chương trình, chính sách ưu đãi cho mua sắm công xanh.
Mặt khác, đẩy mạnh sản xuất trong nước, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm hướng tới xanh và bền vững; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là kinh doanh tuần hoàn.
Cũng theo báo cáo, cần chú trọng công tác đào tạo về mua sắm công xanh cho người phụ trách công tác mua sắm công tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (khi có quy định pháp luật cụ thể).
Đẩy mạnh công tác truyền thông về mua sắm công xanh, nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác mua sắm công, các nhà cung cấp hàng hóa xanh, nhằm đảm bảo sự ổn định và từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa xanh.
Các bộ, ngành và địa phương cần lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh và đặc biệt là các chỉ tiêu về chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh vào lập dự toán ngân sách hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Cũng cần ban hành sổ tay hướng dẫn mua sắm công xanh.
Cần tập trung phân tích, đánh giá lợi ích - chi phí (cost-benefit) tổng thể, có tính tới các yếu tố quan trọng như hiệu quả sử dụng nguồn lực, chi phí môi trường và tính bao trùm trong đề xuất các dự án đầu tư và các dự án cung cấp sản phẩm và dịch vụ công.
Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký hồ sơ chứng nhận ISO 14001 (môi trường); ISO 50001 (năng lượng); ISO 26000 (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); báo cáo ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Bên cạnh đó, rà soát và đơn giản hóa quy trình đánh giá hàng hóa xanh, cấp nhãn sinh thái để tạo thuận tiện cho cả bên mua lẫn bên bán trong việc công nhận một hàng hóa đáp ứng tiêu chí mua sắm công xanh.
Cần tích hợp quy chế mua sắm công xanh vào các trang điện tử mua sắm công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm các quy chế đấu thầu, quy chế xây dựng dự toán ngân sách, danh mục các hàng hóa xanh (hàng hóa được dán nhãn môi trường, nhãn sinh thái, nhãn năng lượng và các hàng hóa được công nhận thân thiện với môi trường). Cổng thông tin này nên được dẫn chiếu tới trang điện tử của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương…/.
Bình luận