Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Toàn cảnh KCN Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang- Thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang (Ban Quản lý) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 261/2003/QĐ-TTg ngày 10/12/2003. Theo đó, Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Tỉnh.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý luôn được điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp với quy định hiện hành. Hiện tại, Ban Quản lý có 41 công chức, viên chức và người lao động; 4 phòng chuyên môn, bao gồm: Văn phòng, Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Phòng Quản lý Doanh nghiệp và Trung tâm Hỗ trợ đầu tư KCN (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ 100% chi thường xuyên).

Kể từ khi thành lập cho đến nay, Ban Quản lý luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành chức năng và các địa phương có KCN. Đặc biệt là tập thể đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Ban Quản lý luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Ban Quản lý đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐNĐ, UBND Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách về phát triển các KCN; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, kịp thời rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm hồ sơ, giấy tờ không cần thiết, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi, đối thoại và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN tập trung đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp. Do đó, việc thu hút đầu tư dự án vào các KCN của Tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt trong những năm gần đây, các KCN của Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, góp phần đáng kể vào kết quả thu hút vốn đầu tư FDI của Tỉnh (đều đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc).

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Từ một Tỉnh khó khăn, hạn chế trong thu hút đầu tư, đến nay Bắc Giang đã và đang trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển vượt bậc của các KCN tỉnh Bắc Giang được minh chứng bằng kết quả thu hút đầu tư nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, như: Tập đoàn Foxconn, JA Solar, Luxshare, Longi... và dự án sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Hana Micron Vina, là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên đã đi vào hoạt động ở khu vực phía Bắc.

Qua đó, đã khẳng định được những đóng góp quan trọng của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang trong việc triển khai thành công nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và phát triển các KCN, hàng năm Ban Quản lý luôn được UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đặc biệt, nhiều năm qua, Ban Quản lý đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, đó là Cờ thi đua và Bằng khen của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng vì những đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự nghiệp phát triển các KCN của Tỉnh. Đây là phần thưởng vô cùng quý giá, có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần tập thể Ban Quản lý và mỗi công chức, viên chức, người lao động tiếp tục quyết tâm phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH JA Sona Việt Nam, KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Những dấu ấn nổi bật 20 năm phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển các KCN

KCN Đình Trám, huyện Việt Yên là KCN đầu tiên của Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập vào năm 2003, với diện tích 98 ha, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Sau 20 năm phát triển, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã có 20 KCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 4.600 ha, trong đó có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án đầu tư với tổng diện tích 1.970 ha. Đến nay, 100% KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 77% diện dích đất cho thuê.

Với mục tiêu phát triển kinh tế của Tỉnh là đưa Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã sớm chỉ đạo UBND Tỉnh tham mưu xây dựng quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Tỉnh tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang có 29 KCN, với diện tích đất khoảng 7.000 ha.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Các dự án đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong các KCN tỉnh Bắc Giang

Khởi sắc trong thu hút đầu tư

Trong 20 năm qua, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp không ít những khó khăn, thách thức như: lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2010, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina và các biến động khác..., có thời điểm Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, phải đóng cửa hoạt động các KCN.

Tuy nhiên, với quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tỉnh đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra "hệ sinh thái công nghiệp". Tập trung thu hút đầu tư theo hướng: Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn có tính chất dẫn dắt, kết nối doanh nghiệp khác; chấp thuận có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, đồng thời tận dụng cơ hội làn sóng di chuyển đầu tư sang nước thứ 3 của các nhà đầu tư FDI..., Tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển KCN đúng đắn, quyết liệt chỉ đạo, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể hệ thống chính trị, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng xã hội phục vụ phát triển các KCN, tập chung chỉ đạo tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường đồng hành hỗ trợ các nhà đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút đầu tư, biến khó khăn thành cơ hội để phát triển.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang: Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Công nhân nhà máy FDI đang vận hành sản xuất trong KCN Đình Trám, tỉnh Bắc Giang

Xác định vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 09/10/2018 về chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng và ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh đến năm 2030; tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, với quan điểm: Nhất quán, kiên trì, kiên định quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tích cực về thu hút đầu tư, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước.

Hiện nay, trong các KCN có 489 dự án còn hiệu lực, trong đó: có 374 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đạt 9,6 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 74% tổng vốn đăng ký; 115 dự án DDI, vốn đăng ký 18.200 tỷ đồng và vốn thực hiện ước đạt 11.700 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký.

Các dự án FDI trong các KCN của Tỉnh đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc (166 dự án), Hàn Quốc (143 dự án), Singapore (21 dự án), Nhật Bản (19 dự án)...

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Nhà máy FDI trong KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và phát triển

Cùng với sự phát triển của các KCN, số dự án đầu tư được chấp thuận đầu tư vào các KCN Tỉnh và số doanh nghiệp đi vào hoạt động trong các KCN Tỉnh tăng lên mạnh mẽ, đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN qua từng năm có sự tăng trưởng đáng kể, cụ thể:

Năm 2005 có 10 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN Tỉnh với doanh thu đạt 65 tỷ đồng, bằng 11,2% tỷ trọng công nghiệp của toàn Tỉnh, giải quyết việc làm cho 1.076 lao động.

Đến năm 2010 các KCN có 77 doanh nghiệp hoạt động với doanh thu đạt 18.400 tỷ đồng, chiếm 27,8% so với giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh; thuế phát sinh phải nộp 128 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 161 triệu USD, giải quyết việc làm cho 19.600 lao động.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Công nhân nhà máy FDI làm việc trong KCN Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Năm 2015 các KCN có 182 doanh nghiệp hoạt động (tăng 2,4 lần so với năm 2010), doanh thu đạt 171.400 tỷ đồng (chiếm 60% so với giá trị SXCN toàn tỉnh), thuế phát sinh phải nộp là 1.865 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 7.000 triệu USD, giải quyết việc làm cho 47.218 lao động.

Năm 2020, các KCN có 351 doanh nghiệp hoạt động (tăng 1,9 lần so với năm 2015), doanh thu đạt 374.000 tỷ đồng (chiếm 80% so với giá trị SXCN toàn tỉnh), thuế phát sinh phải nộp 3.875 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 15.700 triệu USD, giải quyết việc làm cho 163.700 lao động.

Năm 2023, có 451 doanh nghiệp hoạt động (tăng 1,3 lần so với năm 2020), doanh thu đạt 515.000 tỷ đồng (chiếm 82% so với giá trị SXCN toàn tỉnh), thuế phát sinh phải nộp 4.500 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 20.500 triệu USD, giải quyết việc làm cho 196.000 lao động.

Giai đoạn 2003-2013, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 201 nghìn tỷ đồng, thuế phát sinh phải nộp đạt 3.773 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 10.370 triệu USD.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang: Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Công nhân nhà máy FDI làm việc trong KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Giai đoạn 2014-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 3.183 nghìn tỷ đồng (gấp 15,8 lần so với giai đoạn 2003-2013), tổng thuế phát sinh phải nộp đạt 31.312 tỷ đồng (gấp 155,8 lần so với giai đoạn 2003-2013), giá trị xuất khẩu đạt 132.200 triệu USD (gấp 12,7 lần so với giai đoạn 2003-2013).

Cơ cấu kinh tế của Tỉnh có sự chuyển dịch đáng kể theo thời gian, đặc biệt công nghiệp ngày một chiếm tỷ lệ cao, xu hướng này tiếp diễn ra mạnh ở các giai đoạn tiếp theo cụ thể: Năm 2005, công nghiệp chiếm 7,40%; năm 2010 công nghiệp tăng lên 28,27%; năm 2015 công nghiệp chiếm 33,94%; năm 2020 công nghiệp chiếm 47,00%; năm 2023 dự báo công nghiệp chiếm 57,50%.

Nhìn chung cơ cấu công nghiệp của Tỉnh tăng mạnh (năm 2023 gấp hơn 7,7 lần năm 2005), phần lớn nhờ vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN (năm 2015 chiếm khoảng 60%, năm 2023 dự báo chiếm 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh).

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Xe ô tô làm thủ tục thông quan trong KCN tỉnh Bắc Giang

Phấn đấu đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát triển các KCN theo chủ trương, định hướng đã đề ra, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN của Tỉnh trở thành đầu tàu kinh tế tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 được tỉnh Bắc Giang xác định là: Đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn cho tăng trưởng kinh tế đến năm 2030. Trong đó, tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của Tỉnh. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách của Tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo nhiều việc làm và cuộc sống ổn định cho người lao động, nâng cao trình độ công nghệ, quản lý, văn hóa công nghiệp… cho địa phương; tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang: Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Nhà máy trong FDI trong KCN Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu mỗi năm thu hút khoảng 30 dự án đầu tư trong vào ngoài nước, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho một số dự án. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh bổ sung đạt trên 1 tỷ USD.

Giai đoạn 2023-2025, tập trung xây dựng và thu hút đầu tư lấp đầy các KCN hiện có; giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN đến năm 2025 đạt 600.000 tỷ đồng, thuế phát sinh phải nộp đạt 6.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 230.000 lao động.

Đến năm 2030 có 29 KCN được thành lập, trong đó có 23 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 70%; giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp đạt 1.000.000 tỷ đồng, thuế phát sinh phải nộp đạt 10.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động.

Nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục xây dựng các KCN theo quy hoạch được duyệt; tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các KCN đến năm 2030. Xác định phát triển công nghiệp, trọng tâm là các KCN làm đầu tầu cho phát triển kinh tế của địa phương.

Đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc) và hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, khu vui chơi giải trí, khu thương mại) phục vụ các KCN.

Kêu gọi đầu tư vào các KCN, tập trung thu hút đầu thư theo cả chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao; các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và có khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn (như lĩnh vực điện, điện tử, thiết bị viễn thông, cơ khí chính xác, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ).

Giải pháp chủ yếu:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, của chính quyền địa phương trong đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư, môi trường và lao động.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác; kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao vị thế, hiệu quả công tác của Ban, đáp ứng tiêu chuẩn của thời đại công nghiệp 4.0; phát huy, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ công chức cơ quan.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh của Tỉnh, tập trung rà soát, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính, các quy định không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời trợ giúp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục thẩm tra phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất.

Tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch khu nhà ở, khu đô thị và khu thương mại phục vụ công nhân...

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, thu hút đầu tư. Tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế của Tỉnh; tăng cường quảng bá thông tin, hình ảnh KCN của Tỉnh tới các nhà đầu tư (thông qua các kênh báo chí, truyền thông, website của Tỉnh và của Ban Quản lý; làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, để giới thiệu tình hình đầu tư của các KCN, cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các KCN của Tỉnh...).

Nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về KCN. Đặc biệt là tăng cường quản lý nhà nước về giám sát đầu tư; nâng cao trình độ và năng lực thẩm tra các dự án đầu tư, rút ngắn thời gian, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan..../.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang: Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển lớn mạnh cùng các KCN tỉnh Bắc Giang
Một góc KCN Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang