Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách, song kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,45%, đứng đầu cả nước, cao gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đều thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) cả năm ước đạt 541.169 tỷ đồng, vượt 6,6% kế hoạch. Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực đóng góp chính vào phát triển công nghiệp của Tỉnh. Giá trị sản xuất của khu vực này đạt hơn 439.178 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022, chiếm 81% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị sản xuất khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 90.949 tỷ đồng, tăng 46%, chiếm 17%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 11.042 tỷ đồng, tăng 7,4%, chiếm 2% so với năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở các địa phương đều tăng trên 10% so với năm 2022, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như: Hiệp Hòa, Lạng Giang, TP Bắc Giang, Lạng Giang.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có mức tăng khá; giá trị cả năm ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 13%, vượt 2,7% kế hoạch. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng cao; tổng giá trị xuất, nhập khẩu cả năm 2023 ước đạt 52,4 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2022, vượt 0,7% kế hoạch; trong đó xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD, tăng 22,3%; nhập khẩu 25 tỷ USD, tăng 19,4%.

Tăng trưởng tín dụng đạt kết quả khá, đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế; ước đến 31/12/2023, tổng huy động vốn đạt 103.500 tỷ đồng, tăng 20,9%, dư nợ đạt 91.700 tỷ đồng, tăng 13,5%; nợ xấu 550 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ, giảm 0,23% so với năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước của Tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực, là một trong 18 tỉnh hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 15.843 tỷ đồng, vượt 5,3% dự toán, trong đó, thu nội địa khoảng 14.197 tỷ đồng, vượt 8,8% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.630,6 tỷ đồng, đạt 85,8% dự toán.

Bắc Giang đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút FDI
Kết quả thu hút FDI tích cực đã ngày càng có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tỉnh ước đạt 13,85%, đứng đầu cả nước. Quy mô GRDP của Tỉnh đạt 207 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt 4.370 USD, tăng 10,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 30% và 11,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 60 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2023, riêng giá trị xuất khẩu đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt hơn 19,1 nghìn tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán được giao.

Bắc Giang đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút FDI
Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, để thu hút FDI hiệu quả đã giúp Bắc Giang đạt được nhiều kết quả khả quan về tăng trưởng kinh tế. Nguồn: UBND tỉnh Bắc Giang

Để có được kết quả tích cực trên, trong năm qua, Bắc Giang đã nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó có đổi mới hoạt động xúc tiến thu hút FDI. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút dòng vốn này (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang... Trong 11 tháng năm 2024, Bắc Giang nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,17 tỷ USD.

Có được kết quả tích cực trên là nhờ thời gian qua, Bắc Giang đã đổi mới phương thức xúc tiến thu hút FDI. Điều này thể hiện trên các khía cạnh cụ thể như sau:

Một là, cùng với tổ chức, Bắc Giang tích cực tham dự các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư, kết nối giao thương; tiếp và làm việc với nhiều cơ quan ngoại giao, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, qua đó mở ra các cơ hội thu hút các dự án FDI.

Hai là, năm 2024, Tỉnh tập trung triển khai hỗ trợ và tiếp cận các đối tác đầu tư thế mạnh của Tỉnh từ trước tới nay như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm và tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo…; hỗ trợ khảo sát, tìm kiếm địa điểm đầu tư, kết nối đầu tư. Đồng thời, mở rộng, kết nối các nhà đầu tư mới, nhất các các nhà đầu tư tiềm năng đến từ nhiều khu vực, như: châu Âu, châu Mỹ.

Ba là, Tỉnh đã xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.

Bốn là, Bắc Giang chỉ đạo các các đơn vị, địa phương triển khai tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp theo từng nhóm ngành, lĩnh vực, để trên cơ sở đó triển khai các hình thức hỗ trợ thu hút đầu tư hiệu quả, cũng như giải quyết các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng đầu tư tốt nhất. Qua đó, mang lại niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư, từ đó tạo sức lan tỏa trong thu hút FDI.

Năm là, thực hiện quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp... Đặc biệt, Bắc Giang tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình đầu tư xây dựng, như: giải phóng mặt bằng, thiếu đất san lấp, xử lý chất thải xây dựng… Cùng với đó là thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, để tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Đây cũng là cách để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho Bắc Giang trong thu hút FDI./.