Bạn đọc thân mến!

Bằng chứng khoa học từ quan sát thực nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong các lập luận của cuốn sách. Dường như việc yêu cầu đầy đủ bằng chứng cho mọi vấn đề cuộc sống là không tưởng, nhưng không nỗ lực đủ trong việc tìm tòi bằng chứng cho những quyết định quan trọng là sai lầm lớn nhất con người có thể mắc phải. Có những bằng chứng phải mất rất lâu, nhiều phương tiện và công sức, con người mới chạm tới. Vì vậy, những bằng chứng dù mới hay cũ, được đặt vào khuôn khổ phân tích phù hợp sẽ giúp làm sáng rõ nhiều câu hỏi, hoặc tốt hơn nữa thì có thể cung cấp thêm những gợi ý cho cách hiểu đầy đủ hơn về tương lai.

Việc “đi tìm bằng chứng cuộc sống” cho phát triển bền vững ở Việt Nam cũng tương tự như vậy!

Trên nhiều diễn đàn và văn kiện của cộng đồng quốc tế cũng như trong các chính sách, chương trình hành động của các quốc gia, vấn đề phát triển bền vững đang nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, phát triển bền vững là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà nền kinh tế hướng tới.

Thực tế cho thấy, trong 30 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Việt Nam đã tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện phát triển bền vững đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, phát triển bền vững Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn có tính chất toàn cầu, cũng như những khó khăn, thách thức chủ quan khác của đất nước.

Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để phát triển bền vững trong điều kiện hạn chế về nguồn lực và đối mặt với những thay đổi của cục diện trong nước và quốc tế?

Với lối tiếp cận mới mẻ và sáng tạo, với tư duy và phương pháp tiếp cận khoa học, đồng tác giả Bạch Ngọc Chiến và Vương Quân Hoàng đã dẫn dắt bạn đọc đi từ các quan sát về lịch sử hình thành dân tộc, sự phát triển và hoàn thiện của con người, xã hội, nhà nước trong tiến trình lịch sử đến sự phát triển kinh tế của đất nước ta qua cuốn sách “Bằng chứng cuộc sống – Suy ngẫm về phát triền bền vững Việt Nam” được xuất bản năm 2015 của NXB Chính trị quốc gia.

Lối dẫn dắt đó được cuốn sách thông qua 5 chương với tiêu đề: Mạch nguồn – Con người, xã hội và nhà nước – Sức vóc kinh tế - Trí lực quốc dân – Tiến hóa.

Điều đặc biệt ở đây là bạn đọc có thể có được những gợi mở về cách nhìn nhận tương lai phát triển của đất nước thông qua những phương pháp và năng lực tổ chức, thiết kế và thực thi những kế hoạch phát triển phù hợp trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Điểm nhấn của cuốn sách là phép tương tự với sự sống thiên nhiên – xã hội và sự vận hành của hệ văn hóa – xã hội như DNA định nghĩa đặc tính di truyền xã hội trong tương lai.

Một số nội dung mang tính thời sự trong cuốn sách cũng đã được giới thiệu trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

Kính mời độc giả tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này!